Trần Khát Chân bắn chết Chế Bồng Nga

     Chiêm Thành là một quốc gia cổ từng tồn tại về phía Nam nước Đại Việt bao gồm hầu hết các tỉnh thành miền Trung nước Việt Nam ngày nay. Vào các thời Lý, Trần quan hệ Việt – Chiêm lúc thăng lúc trầm, khi bạn khi thù nhưng nhìn chung Chiêm Thành chưa bao giờ khiến Đại Việt phải khiếp đảm như thời kỳ người siêu anh hùng Chế Bồng Nga của họ xuất hiện.

     Chế Bồng Nga là vị vua kiệt xuất của dân tộc Chăm, trong thời gian trị vì (1360-1390) ông đã chấn hưng nước nhà, biến Chăm-pa (tức Chiêm Thành) trở thành một quốc gia hùng mạnh so với Đại Việt.

     Sau khi toàn thắng quân Nguyên Mông năm 1288 dưới thời Trần Nhân Tông, quan hệ hai nước Việt – Chiêm trở nên hữu hảo nhờ cùng chung sức kháng chiến chống giặc Nguyên. Để tỏ tình bang giao, năm 1301 Thượng hoàng Nhân Tông đáp lời mời vua Chiêm là Chế Mân, du ngoạn Chiêm Thành và được tiếp đãi hết sức nồng hậu. Sau đó, không biết vì cớ làm sao mà Thượng hoàng ở lại xứ Chiêm gần 9 tháng, đến khi ra về hứa gả con gái yêu là Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Sự việc về sau khiến nhiều quan lại nhà Trần phản đối nhưng Thượng hoàng đâu có nói chơi được. Đến năm 1306, Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý (nay là nam Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế) làm lễ vật dẫn cưới thì vua Trần Anh Tông mới chấp nhận để cô em gái ra đi làm dâu xứ lạ.

     Thế nhưng, Huyền Trân về nước Chiêm chỉ một năm, sinh được con trai là Đa Da thì Chế Mân bệnh chết. Theo lệ, bà phải lên giàn chịu hỏa thiêu cùng chồng. Vua Anh Tông nghe tin, vì thương em, ông sai người vờ sang viếng tang rồi tìm cách cướp Huyền Trân đem về. Chiêm Thành coi sự việc này là nỗi quốc nhục, thế là từ đó quan hệ Việt – Chiêm trở nên xấu dần, không còn ngọt ngào như cũ.

     Triều Trần sau thời Nhân Tông đến Anh Tông, Minh Tông cũng là các vị vua có tài có đức. Tiếc rằng những vị vua kế sau “tài hèn đức mỏng” khiến quốc gia bắt đầu suy yếu. Chiêm Thành lợi dụng tình hình đó liên tục quấy rối, tiến đánh Đại Việt nhằm cướp phá và đòi lại những vùng đất trước đây hoặc đã bị Đại Việt đánh chiếm hoặc đã bị các vua Chiêm dâng tặng không những châu Ô, châu Lý mà cả châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (tỉnh Quảng Bình và phần phía bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay) khi năm 1069 vua Chiêm là Chế Củ phải dâng nộp để xin đổi mạng sau khi bị đích thân vua Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt thân chinh bắt về.

     Năm 1371, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga tiến đánh kinh đô Thăng Long. Quan quân nhà Trần chống cự không nổi phải trốn chạy sang Đông Ngàn (Bắc Ninh) lánh nạn. Quân Chiêm tràn vào Thăng Long, đốt rụi cung điện, mặc sức cướp bóc, giết hại trai tráng, bắt bớ đàn bà con gái rồi rút về nước. Vua Nghệ Tông lúc này cảm thấy bất lực trước thế nước tan hoang, một năm sau thì nhường ngôi lại cho em là Trần Kính rồi lui về Thiên Trường làm Thái thượng hoàng.

     Năm 1372, Trần Kính lên ngôi lấy hiệu Duệ Tông tính tình quyết đoán, lại có ý muốn chấn hưng đất nước nên cho củng cố kinh tế, chính trị đồng thời tăng cường binh bị nhằm đối phó Chiêm Thành. Đến đầu năm 1377, nhà vua bỏ qua những lần dâng sớ can ngăn của các triều thần, đại phu mà quyết đánh phục thù việc Chế Bồng Nga đốt phá kinh đô Thăng Long trước đây; đích thân Duệ Tông không quản hiểm nguy dẫn 12 vạn quân theo hai đường thủy bộ tiến đánh Chiêm Thành. Sau khi vượt qua sự kháng cự của quân Chiêm ở cửa Thi Nại (nay gọi là cửa Thị Nại, Quy Nhơn, Bình Định), Duệ Tông cho quân thẳng tiến, quyết đánh tới kinh đô Trà Bàn của giặc. Giữa lúc thế quân đang thuận lợi nhưng vì nóng lòng trả thù, Duệ Tông chủ quan không nghe những lời can gián cuối cùng mắc mưu trá hàng của Chế Bồng Nga, rơi vào trận địa phục kích và bị đánh bại.

     Sau khi đánh thắng quân Trần – bắt giết Duệ Tông trên đất Chiêm năm 1377, quân Chiêm đã thừa thắng mà liên tiếp tiến sang cướp phá kinh thành Thăng Long. Dưới sự lãnh đạo của Chế Bồng Nga, đội quân Chiêm Thành thời này khá hùng mạnh mà vua quan nhà Trần lại khá hèn kém nên quân giặc ra vào nước ta như đi vào chốn không người, chỉ trong vòng 6 năm từ 1377 đến 1383, quân giặc đã đánh chiếm đốt phá thiêu rụi kinh đô Thăng Long đến ba lần. 

     Đầu năm 1390, Chế Bồng Nga tiếp tục thống lĩnh quân đội Chiêm Thành đánh phá vùng Thanh Hóa của nước ta. Thượng hoàng Nghệ Tông sai Hồ Quý Ly và Nguyễn Đa Phương đem quân chống cự nhưng bị quân Chiêm đánh cho tan tác phải bỏ trận địa tháo chạy, hơn 70 tướng khác bị bắt và bị giết. Nhà Trần từ sau cái chết bi tráng của Duệ Tông thì tinh thần tướng lĩnh cũng dần sa sút, nay lại gặp tình thế hiểm nghèo; Nghệ Tông thấy chẳng còn ai trong hàng tướng lĩnh cao cấp có thể cầm quân ra trận, buộc lòng phải sai Trần Khát Chân, một đô tướng trẻ tuổi dòng dõi vua Lê Đại Hành và Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng dẫn quân Long Tiệp đối đầu giặc mạnh. Trần Khát Chân nhận lệnh của Thượng hoàng, gánh đầy đại sự, xúc động không cầm được nước mắt, lạy tạ rồi đi. Thượng hoàng cũng bùi ngùi xúc động, đại nghiệp gần 200 năm nhà Trần nay trông cậy vào vị đô tướng trẻ, rồi cũng khóc, lấy nước mắt tiễn đưa.

     Quân Chiêm Thành sau khi đánh bại quân Trần do Hồ Quý Ly chỉ huy ở Thanh Hóa thì khí thế như cọp beo tiến luôn ra Hoàng Giang (Ninh Bình). Trần Khát Chân gặp giặc ở đó, nhận thấy địa thế bất lợi khó bề đánh lại, bèn lui quân về giữ sông Hải Triều. Chế Bồng Nga hùng hổ đưa quân tiến đến Hải Triều tính tóm gọn tiểu tướng rồi sẵn tiện lên Thăng Long… cướp tiếp. Nhưng tiếc thay cho Chế Bồng Nga khi bấy giờ bên quân Chiêm có tên tiểu tướng Ba Lậu Kê đắc tội, sợ phải chết mà chạy sang hàng quân Trần, chỉ cho Khát Chân thuyền của Chế Bồng Nga. Trần Khát Chân liền cho tập trung hỏa pháo bắn vào thuyền đó, giết chết Chế Bồng Nga ngay tại trận rồi sai người về báo tin chiến thắng. Bấy giờ đã điểm canh ba, Thượng hoàng Nghệ Tông còn đang mơ màng thì nghe kinh động, tưởng là quân giặc lại kéo đến nơi vì quá ám ảnh Chế Bồng Nga. Đến khi hay tin thắng trận và tận mắt nhìn thủ cấp của Chế Bồng Nga thì bàng hoàng xúc động tự ví như “Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ”.

Trần Khát Chân bắn chết Chế Bồng Nga

Minh họa Trần Khát Chân bắn thuyền Chế Bồng Nga (Ảnh cắt từ Clip) 

     Chiến công bắn chết vua Chiêm của danh tướng Trần Khát Chân là một chiến thắng quan trọng, đập tan đội quân xâm lược hùng mạnh từ phương Nam từng nhiều năm gây khốn khổ cho đất nước. Tiếc rằng chiến thắng đó đã không cứu nổi cơ đồ nhà Trần đang đến hồi suy vong.

     Đầu năm 1395, Thượng hoàng Nghệ Tông mất, quyền thần Hồ Quý Ly lộng hành, chuyên quyền át cả hoàng triều. Nếu không vì một phút chần chừ của Trần Khát Chân trong mưu đồ ám sát Hồ Quý Ly thì bản thân ông cùng hơn 370 người thân thích đâu phải chịu thảm cảnh như một kỳ án trong lịch sử Việt Nam. Thật tiếc thay!

Nghe Audio trên Youtube:

Đạn đá nhà Hồ

Kho đạn đá phát hiện tại Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) có niên đại trùng khớp với thời kỳ Trần Khát Chân bắn chết Chế Bồng Nga.

     Cùng xem đoạn phim hoạt hình tái hiện cảnh Trần Khát Chân đánh bại đoàn quân vua Chiêm Chế Bồng Nga do VTV sản xuất.