Công chúa Huyền Trân

Xuất thân: Công chúa Huyền Trân sinh năm 1287, là con của Trần Nhân Tông và là em của Trần Anh Tông, lần lượt là những vị vua thứ Ba và thứ Tư của vương triều Trần.

   Công chúa Huyền Trân được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn nước Đại Việt vừa thoát khỏi cảnh ngoại xâm bởi quân Nguyên Mông; và nhà Trần sau đó bước vào một giai đoạn phát triển về mọi mặt.

Năm 1301, Thượng hoàng Nhân Tông được vua Chiêm Thành là Chế Mân mời sang thưởng ngoạn xứ Chiêm. Do trước đó hai nước cùng nhau chống giặc Nguyên Mông nên khi Thượng hoàng Nhân Tông sang đất Chiêm thì được người xứ ấy đón tiếp nồng hậu; còn bản thân ngài ở xứ ấy gần chín tháng ròng, đến khi ra về còn hứa gả con gái là Huyền Trân cho Chế Mân.

   Vài năm sau đó, tức năm 1306 khi Công chúa Huyền Trân đã đến độ tuổi kết tóc se duyên thì Chế Mân sai người đem lễ vật sang Đại Việt xin rước Huyền Trân. Lúc này vua Trần Anh Tông cùng đa số triều thần đều không muốn gả Huyền Trân nên vua Chiêm sau đó hứa dâng hai châu Ô, Lý (còn gọi là Rí – thuộc Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay) để làm sính lễ cưới Huyền Trân. Và qua năm sau, tức năm 1307 Huyền Trân Công chúa trở thành Hoàng hậu của nước Chiêm dù cho trước đó Chế Mân đã lập Hoàng hậu là một người Java.

Huyền Trân Công Chúa.
Huyền Trân Công Chúa.

   Thật trớ trêu làm sao khi bà Huyền Trân vừa mới sang nước Chiêm ở chừng một năm, kịp sinh Thế tử Chế Đa Da thì vua Chế Mân không may qua đời. Thời bấy giờ, theo tục lệ người Chiêm thì Hoàng hậu phải chịu lên giàn hỏa thiêu cùng chồng. Từ Đại Việt, vua Trần Anh Tông vì thương em gái nên sai Thượng thư Trần Khắc Chung cùng tùy tùng sang Chiêm Thành trước thì để viếng tang, sau thì tìm kế đưa Công chúa Huyền Trân trở về. Và sau một năm loay hoay trên biển, cuối cùng đoàn người cũng đưa được Huyền Trân trở về Đại Việt. Còn người Chiêm Thành xem sự việc này như một nỗi tủi nhục cho nên sau đó họ thường xuyên đem binh sang quấy phá với lý do muốn đòi lại hai châu Ô, Lý và những vùng đất đã thuộc Đại Việt do người Việt đánh chiếm hoặc do các vua chúa Chiêm chủ động dâng đất để xin quy hàng, chuộc mạng.

   Sau khi Chế Mân mất thì Chế Chí lên nối ngôi; người này thường hay phản trắc, không giữ gìn những giao ước trước đó. Cho nên năm 1311 vua Trần Anh Tông tự dẫn quân cùng Trần Khánh Dư, Trần Quốc Chẩn và Đoàn Nhữ Hài chia làm ba đạo tiến đánh Chiêm Thành bắt được Chế Chí, giao quyền cai trị Vương quốc Chiêm Thành cho em Chế Chí là Chế Đà A Bà. Chế Chí bị giải về Thăng Long phong làm Hiệu Thuận vương và mất hai năm sau đó tại cung Gia Lâm.

Không gian Khu đền Huyền Trân ở Tp. Huế
Không gian Khu đền Huyền Trân ở Tp. Huế (Ảnh: thuathienhue.gov.vn)

Cuối đời: Từ khi Công chúa Huyền Trân trở về Thăng Long Đại Việt thì không còn thấy sử nhà Trần ghi chép về bà nữa. Nhưng theo thần tích trong dân gian thì bà đã theo di mệnh của cha là Thượng hoàng Nhân Tông mà xuất gia ở núi Trâu (nay thuộc Bắc Ninh), quy y cửa Phật với pháp danh Hương Tràng.

   Cuối năm Tân Hợi 1311, Hương Tràng xuống núi cùng người thị nữ trước đây (giờ cũng đã quy y) đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản, nay thuộc tỉnh Nam Định lập am dưới núi để tu hành. Về sau am thành chùa Nộn Sơn, còn gọi là Quảng Nghiêm Tự.

   Sau nhiều năm chăm lo Phật sự, giáo hóa lớp đồng ấu, làm thuốc chữa bệnh… Đến ngày Chín tháng Giêng năm Canh Thìn 1340, Công chúa Huyền Trân qua đời, thọ 54 tuổi. Dân chúng quanh vùng vô cùng thương tiếc, tôn làm Thần Mẫu, lập đền thờ cạnh chùa Nộn Sơn.

Tại Thừa Thiên Huế: Các triều đại phong kiến từ lâu đều ghi nhớ công ơn bà Huyền Trân Công chúa. Đến đời nhà Nguyễn, vua ban chiếu thăng bậc Tăng làm “Trai tĩnh Trung Đẳng thần”.

   Hằng năm vào ngày mất của Công chúa, tại đền Huyền Trân ở Thành phố Huế đều đặn diễn ra lễ hội thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và Phật tử gần xa về tham dự nhằm thể hiện lòng tôn kính, biết ơn công lao của Công chúa trong sự nghiệp mở mang bờ cõi đất nước cũng như của Phật tử Hương Tràng trong đời sống tâm linh và sinh hoạt thường ngày.

Nghe Audio trên Youtube: