Anh Tông – Trần Thuyên
Xuất thân: Vua Anh Tông tên khai sinh Trần Thuyên, là con trưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông; đồng thời là cháu Ngoại của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Trần Thuyên sinh vào năm 1276 khi vị vua thứ Hai của triều Trần là Trần Thánh Tông vẫn còn đương tại vị. Còn bên Trung Hoa lúc này, nhà nước Đại Nguyên vừa được dựng lên bởi Đại hãn Hốt Tất Liệt và liên tục sai sứ sang nước ta đòi hỏi yêu sách.
Vị thế: Vị vua thứ Tư của vương triều Trần.
Miếu hiệu: Anh Tông.
Trị vì: Từ năm 1293 đến năm 1314.
Tên nước: Đại Việt, đóng đô tại Kinh thành Thăng Long.
Niên hiệu: Trong thời gian trị vì hơn 20 năm, nước Đại Việt thời Trần Anh Tông chỉ có một niên hiệu là Hưng Long.
Việc Nguyên Mông: Khi Trần Anh Tông được vua cha nhường ngôi thì Đại hãn Hốt Tất Liệt vẫn còn căm tức chuyện cũ nên vẫn còn muốn động binh sang Đại Việt; thế nhưng lúc này Hốt Tất Liệt tuổi đã cao sức đã kiệt, không thoát được mệnh trời nên qua năm sau, tức năm 1294 thì tạ thế. Người trong nước Đại Nguyên giờ cũng chán cảnh binh đao, còn Đại hãn mới lên cũng phải lo xây dựng củng cố chính quyền cho nên từ đó về sau không còn chuyện đem quân xâm lược Đại Việt lần nào nữa. Vua Trần Anh Tông tuy biết Đại Nguyên suy yếu nhưng vẫn thận trọng đề phòng, một mặt sai sứ sang giao hiếu và giữ lệ triều cống như trước.
Giặc Ai Lao: Ở phía Tây Nam nước Đại Việt bấy giờ có nước Ai Lao lợi dụng địa thế hiểm trở thường đem quân cướp phá các vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Do vua lúc này còn trẻ nên Thượng hoàng Nhân Tông phải thân chinh đi đánh dẹp. Nhưng do vùng này xa xôi cách trở nên hễ quân Đại Việt rút về thì giặc lại kéo sang quấy nhiễu. Về sau vua sai chiến tướng Phạm Ngũ Lão kiên trì mấy phen đánh đuổi nữa thì mới dẹp yên được bọn người Ai Lao.
Việc Chiêm Thành: Do cùng hợp tác chống giặc Mông Cổ nên thời kỳ đầu thời Anh Tông thì quan hệ Đại Việt và Chiêm Thành tương đối tốt đẹp. Năm 1301, nhận lời mời hữu hảo của Chế Mân, Thượng hoàng Nhân Tông xuôi về phương Nam thưởng ngoạn Chiêm Thành. Được người Chiêm trọng đãi, ngài ở lại phương Nam gần chín tháng ròng; đến khi sắp sửa ra về, Thượng hoàng Nhân Tông còn hứa gả con gái là Huyền Trân công chúa cho vua nước Chiêm.
Một thời gian sau, Chế Mân sai người đem sính lễ sang hỏi cưới Huyền Trân đồng thời hứa dâng hai châu Ô, Lý (thuộc Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay) thì lúc này vua Anh Tông mới chịu gả. Công chúa Huyền Trân về bên nước Chiêm được phong làm Hoàng hậu. Nhưng chẳng may Chế Mân lại chết ngay sau đó không lâu. Lúc này vua Trần Anh Tông xót thương em gái vì nguy cơ bà phải chịu hỏa thiêu theo tục người Chiêm, nên sai Trần Khắc Chung cùng tùy tùng giả mượn tiếng viếng tang để tìm cách đưa Huyền Trân trở về.
Năm 1311, vua Trần Anh Tông cùng Huệ Võ vương Trần Quốc Chẩn và Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đem ba cánh quân tiến đánh Chiêm Thành, do vua kế nhiệm Chế Mân là Chế Chí phản trắc muốn đòi lại hai châu Ô, Lý. Chế Chí chống cự không nổi nên chịu hàng phục, bị bắt đem về cung Gia Lâm và nhận phong làm Hiệu Thuận vương; một mặt, vua Anh Tông phong cho em Chế Chí là Chế Đà A Bà làm vua chư hầu, chịu thần phục Đại Việt.
Đánh giá: Trần Anh Tông được sử sách ca ngợi là một bậc minh quân vừa có tài vừa có đức. Tuy thời gian đầu có những việc không hay, như là mê uống rượu khiến Thượng hoàng Nhân Tông phải buồn lòng; hay có lần ngài lén ra ngoài đi chơi, bị bọn tiểu nhân vì không biết nên có hành động vô lễ, xúc phạm… Nhưng vua Anh Tông là người có đạo đức, biết sửa sai; triều đình lúc này vẫn còn những bậc đại thần tài giỏi từ các đời vua trước giúp sức như là Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Đoàn Nhữ Hài … nên bờ cõi được giữ vững, đất nước được thái bình thịnh trị.
Thoái vị: Sau thời gian 21 năm làm vua, đến năm 1314 Trần Anh Tông nhường ngôi cho con rồi lui về phủ Thiên Trường làm Thái Thượng hoàng đến năm 1320 thì mất, thọ 54 tuổi.
Từ triều đại Anh Tông về sau, người phương Bắc không còn xua quân sang xâm lược như trước nữa. Các mối đe dọa của vương triều Trần giờ đây chủ yếu sẽ đến từ phương Nam và đến từ chính trong nội bộ hoàng gia…!
Nghe Audio trên Youtube: