An Sinh Vương – Trần Liễu
Vị thế: Trần Liễu là anh ruột Thái tông Trần Cảnh – vị Hoàng đế đầu tiên của vương triều Trần.
Xuất thân: Trần Liễu là con của Trần Thừa, ông sinh năm 1211 tại phủ Long Hưng (Thái Bình) lúc triều Lý đang lâm vào cơn khủng hoảng trầm trọng và sắp sửa mất ngôi.
Nỗi uất hận: Vào năm 1237 dưới triều Trần Thái Tông, bấy giờ vua và Hoàng hậu chung sống với nhau đã lâu mà vẫn chưa có con. Thế là Trần Thủ Độ – một người chú họ của vua, đã ép Thái Tông phế truất Hoàng hậu hiện tại và lập vợ của Trần Liễu là bà Thuận Thiên lên thay làm Hoàng hậu mới. Vấn đề nằm ở chỗ bà Thuận Thiên đang có thai ba tháng với Trần Liễu nên Trần Thủ Độ hy vọng vua Trần Thái Tông sẽ không tuyệt đường con cái về sau; còn riêng Trần Liễu thì đó là nỗi uất hận nghẹn ngào đến tận giờ phút lâm chung.
Nổi loạn: Do sự việc bị Trần Thủ Độ cưỡng ép kể trên, Trần Liễu sinh lòng oán hận và dấy quân bạo loạn; còn vua Thái Tông thì cũng cảm thấy thẹn nên bỏ lên chùa Phù Vân trên núi Yên Tử một thời gian ngắn trước khi bị ép quay về triều. Trần Liễu với số quân ít ỏi; tuổi đời còn khá trẻ, là thế hệ con cháu Thủ Độ nên không sao địch nổi với một Trần Thủ Độ già dặn, từng trải trận mạc ở cuối thời Lý khi mà Trần Liễu chỉ vừa mới sinh ra. Trần Liễu ở thế cô yếu nên chỉ sau một thời gian ngắn, lựa lúc vua Thái Tông đang ngự thuyền thì Trần Liễu đóng giả một người đánh cá một mình bơi thuyền đến xin đầu hàng. Trần Thủ Độ tức tối liền rút gươm toan chém nhưng vua Thái Tông nhanh chóng lấy thân mình che chắn cho anh, rồi cả hai ôm choàng nhau khóc.
Lời trăn trối: Sau khi gây biến loạn, tuy Trần Liễu được tha tội nhưng những thuộc hạ theo ông đều bị giết; rồi vua Thái Tông giao các đất ở xa kinh thành là Yên Phụ, Yên Đường, Yên Sinh và Yên Bang cho Trần Liễu làm Thái ấp và phong làm Yên (An) Sinh vương.
An Sinh vương Trần Liễu ra vùng đất mới được vài năm thì lâm trọng bệnh. Trước lúc lâm chung, ông cầm tay người con trai mà rằng: “Con không vì cha mà giành lấy thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được!” Nói rồi trút hơi thở cuối ra đi khi mới sang tuổi 41, ấy là năm 1251; còn người được nhận di mệnh chính là Trần Quốc Tuấn (tức Hưng Đạo Đại vương sau này) – người đã được Trần Liễu dày công nuôi dưỡng, tìm kiếm thầy giỏi khắp nơi đem về chỉ dạy. Tuy nhiên Trần Quốc Tuấn không cho điều ấy là phải. Bằng chứng là trong các cuộc chiến chống quân Mông Cổ, dù có lúc bị ngờ vực nhưng Trần Quốc Tuấn vẫn một lòng phò trợ Thái Tông Trần Cảnh và các hậu duệ của Thái Tông sau này.
Nghe Audio trên Youtube: