Chuyện về 18 đời Hùng vương
Độ gần đây mỗi dịp đất nước bước vào những ngày lễ tưởng niệm các đời vua Hùng mùng Mười tháng Ba thì trên cộng động mạng thường xuất hiện những bức ảnh liệt kê rất chi tiết về năm sinh năm mất cùng niên hiệu của tất cả 18 đời Hùng vương! Vì các thông tin được trình bày bài bản, tỉ mỉ nên đã khiến không ít người lầm tưởng rồi vội vã chia sẻ mà chưa rõ vấn đề này thực hư ra sao. Đó là một thực trạng đáng buồn khi mà người ta cố gắng lan truyền thông điệp tưởng chừng mang ý nghĩa văn hóa nhân văn nhưng thật ra ấy chỉ là những thông tin phù phiếm lệch lạc dễ gây tổn hại cho những ai vội tin vào những thông tin tràn lan vô căn cứ trên cộng đồng mạng internet.
Có hai vấn đề chính cần được lưu ý ở đây rằng:
Vấn đề thứ nhất: theo các nguồn sử liệu thì chữ Hán được truyền vào nước ta sớm nhất là vào khoảng thế kỷ thứ III TCN, tức là giai đoạn giao thời giữa nhà nước Văn Lang của các vua Hùng và nhà nước Âu Việt của Thục Phán An Dương Vương. Cụ thể, nhà nước Văn Lang đến đời Hùng Vương thứ 18 thì bước vào giai đoạn suy thoái. Bấy giờ ở phía Bắc nước Văn Lang có bộ lạc Âu Việt do Thục Phán thống lĩnh đang bước vào thời kỳ phát triển. Thủ lĩnh Thục Phán có các tướng Cao Lỗ, Nồi hầu, Lạc hầu… giúp sức nên đã đưa quân xuôi về phía nam đánh chiếm kinh đô Phong Châu, lật đổ triều đại Hùng vương, thành lập quốc gia mới tên là Âu Lạc (gồm 2 bộ lạc chính là Âu Việt của Thục Phán và Lạc Việt của các vua Hùng) và xưng hiệu là An Dương Vương vào năm 258 TCN. Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng thời kỳ Hùng vương kéo dài hơn hai ngàn năm là thời kỳ mà nước ta chưa có một loại chữ viết chính thức, các câu chuyện được lưu lại bằng việc truyền miệng, bằng những ký hiệu dưới dạng chữ viết thô sơ hoặc một phần nào đó được ghi lại từ các nguồn sử liệu cổ đại từ bên Trung Hoa.
Vấn đề thứ hai: Thời kỳ Hồng Bàng ở nước ta được xác định từ lúc Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ năm 2879 TCN (tương ứng thời Đế Nghi của Trung Quốc), tiếp đến là Lạc Long Quân, rồi mười tám đời vua Hùng kết thúc vào năm 258 TCN sau khi bị Thục Phán thôn tính. Như vậy thời kỳ Hồng Bàng gồm có 20 đời, trải dài từ thời Kinh Dương Vương lập quốc đến khi Hùng Vương thứ Mười Tám bị lật đổ là 2621 năm; lấy con số 2621 năm chia cho 20 đời ta được con số hơn 130 năm cho mỗi đời, một con số thật khó mà chấp nhận được!
Theo truyền thuyết và các nguồn sử cũ thì Đế Minh ở phương Bắc nhân một chuyến tuần thú đã lấy con gái của Vụ Tiên ở phương Nam sinh ra con trai tên là Lộc Tục. Vua Đế Minh trước đó đã có con trưởng tên là Đế Nghi nên về sau Đế Nghi nối nghiệp cha làm vua phương Bắc, còn Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục họ Hồng Bàng, lập nước Xích Quỷ, xưng hiệu là Kinh Dương Vương (vua vùng Kinh châu, Dương châu). Lộc Tục lấy vợ là Thần Long – con gái của Động Đình quân (vua vùng Động Đình) sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối nghiệp vua cha, xưng hiệu là Lạc Long Quân, lấy vợ là công chúa Nguyệt Tiên (tức bà Âu Cơ) rồi sinh được một trăm người con. Về sau, trong những người con ấy, có một thanh niên với sức khỏe cùng tài năng phi thường đã xuôi về phương nam dừng chân tại Phong Châu (Phú Thọ) tập hợp dân chúng, tự xưng làm vua, dựng nên nhà nước Văn Lang lấy niên hiệu Hùng vương. Đó chính là Hùng vương thứ Nhất, vị vua mà hằng ngàn đời nay được nhân dân Việt Nam kính trọng tôn thờ là vua Tổ Hùng Vương. Những người con còn lại của Lạc Long Quân và Âu Cơ thì chia nhau tản đi khắp nơi ngược Bắc xuôi Nam, là thủy tổ của các bộ tộc Bách Việt sống ở Nam Hoa Hạ tức phía nam Trung Quốc ngày nay.
Như vậy vấn đề bất hợp lý của những tấm ảnh trên là việc liệt kê cụ thể, chi tiết từng đời vua Hùng. Dẫu biết rằng người đời sau vì tôn quý mà truy đặt tên hiệu cho từng đời vua nhưng chắc chắn Hùng vương thứ Nhất hoàn toàn không phải là Kinh Dương vương mà như cách đã trình bày theo truyền thuyết ở trên thì Hùng vương thứ Nhất là cháu của Kinh Dương vương. Thời kỳ Hùng vương kéo dài hơn 2000 năm chắc chắn không chỉ có 18 đời mà phải có nhiều hơn thế, nên các con số kèm theo đằng sau mỗi đời Hùng vương càng trở nên phi lý. Các con số đó ở đâu ra mà cụ thể như thế khi gần như toàn bộ thời kỳ này thì ở nước ta chưa có một chữ viết hoàn chỉnh chính thức?
Thời kỳ Hồng Bàng ở nước ta được xác định bao gồm hai giai đoạn từ thời nước Xích Quỷ (của Kinh Dương Vương, sau đến Lạc Long Quân) và nước Văn Lang của các vua Hùng trải dài hơn hai ngàn năm (2879 TCN – 258 TCN ) là giai đoạn mà những câu chuyện lịch sử được ghi chép lại còn khá sơ khai. Mãi hơn 1000 năm sau thì thời Hồng Bàng mới xuất hiện một cách chính thống trong bộ Đại Việt Sử ký Toàn thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn năm 1479 dưới thời Hậu Lê. Do đó có lẽ chúng ta mãi mãi sẽ không thể nào làm sáng tỏ được trọn vẹn hơn 2000 năm lịch sử ở thời kỳ này mà chỉ hiểu được phần nào đó dưới góc độ của huyền sử cùng truyền thuyết như cái cách mà bao đời nay chúng ta vẫn thường sử dụng mỗi khi nói về giai đoạn xa xôi của nước Việt: “huyền sử thời Hùng Vương”.