Tả quân Lê Văn Duyệt: Vì sao bị xiềng mộ?
Tả quân Lê Văn Duyệt là một trong số các đại công thần của nhà Nguyễn khi đóng góp công lao to lớn vào công cuộc phục quốc của vua Gia Long Nguyễn Ánh cũng như giúp Hoàng đế Minh Mạng phát triển đất nước ngày càng lớn mạnh, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ trên một vùng đất rộng lớn nhất tính từ thời đầu công nguyên ở nước ta. Vậy thì tại sao với công lao to lớn như thế mà ngay sau khi mất, Lê Văn Duyệt lại bị Hoàng đế Minh Mạng sai cuốc phẳng phần mộ, đặt tấm bia lớn “Nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội” rồi chằng xích sắt phủ lên nơi ngàn thu yên giấc của vị Tả tướng quân một thời lừng lẫy?
Lê Văn Duyệt sinh ra tại tỉnh Tiền Giang trong gia đình có nguồn gốc Quảng Ngãi. Ông sinh năm 1764, nghĩa là gần tương đồng với tuổi đời của Nguyễn Phúc Ánh (sinh năm 1762) – người về sau sẽ chấm dứt cảnh đất nước bị chia cắt gần 300 năm để lập nên nhà Nguyễn, tức Hoàng đế Gia Long. Một chút so sánh về tuổi tác như thế để thấy rằng cuộc đời Lê Văn Duyệt đã tận hiến cho nhà Nguyễn như thế nào bởi sau khi vua Gia Long mất, ông còn phục vụ thêm hơn 10 năm nữa dưới triều Minh Mạng, tiếp tục điều binh khiển tướng đánh dẹp các cuộc nổi loạn cũng như xây dựng các công trình xã hội đưa đất nước tiến lên.
Chuyện kể rằng, vào một ngày năm 1781, một hậu duệ chúa Nguyễn may mắn sống sót dưới đường gươm của nghĩa quân Tây Sơn là Nguyễn Phúc Ánh lánh nạn đến vàm Trà Lọt huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang nương nhờ nhà ông Lê Văn Toại. Cảm kích tấm lòng cưu mang, Nguyễn Phúc Ánh bèn thu nạp con trưởng ông Toại là Lê Văn Duyệt, chàng thanh niên bây giờ mới 17 tuổi, còn Nguyễn Phúc Ánh thì cũng chưa quá 20. Từ mối lương duyên ban đầu ấy mà Lê Văn Duyệt ngày càng tiến thân trên chốn quan trường nhờ chiếm được cảm tình của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Những năm đầu trên con đường binh nghiệp, Lê Văn Duyệt bị rơi vào tay nhà Tây Sơn thế nhưng điều ấy không làm ông nao núng, sợ hãi mà đầu hàng. Cả một đời chinh chiến, nói về công lao thì kể biết mấy cho vừa… Rằm tháng Giêng năm Tân Dậu 1801, thủy quân Nguyễn Ánh tấn công vào “ổ kiến lửa” của nhà Tây Sơn tại đầm Thị Nại (Quy Nhơn). Mới vào chiến địa, Thủy sư Đô đốc Võ Di Nguy bị hỏa lực Tây Sơn bắn một phát bay đầu liền. Tại hiểm địa này quân chúa Nguyễn đã không ít lần chuốc lấy thất bại. Thế nên lần này, phải nhận tổn thất lớn khi vừa lâm trận một lần nữa gợi lại ký ức đau buồn trong lòng binh lính chúa Nguyễn. Bấy giờ Lê Văn Duyệt với lòng can đảm và tài chỉ huy của mình, đứng trên mũi thuyền trỏ gươm thúc giục binh sĩ tiến lên. Trận đại chiến diễn ra từ nửa đêm đến rạng sáng hôm sau đã thiêu rụi hoàn toàn thủy quân Tây Sơn khiến nhà Tây Sơn không còn khả năng gượng dậy để rồi sụp đổ chỉ một năm sau đó, tức 1802 sau gần 30 năm hiện diện trên bản đồ sử Việt; còn nhà Nguyễn về sau xem trận đại chiến này là trận “Đệ nhất võ công” trong công cuộc phục hưng cố quốc.
Sau gần 30 năm khổ ải kể từ khi vị chúa Nguyễn cuối cùng bị quân Tây Sơn sát hại năm 1774, Nguyễn Phúc Ánh lần đầu tiên được đặt chân trở về vùng đất tổ Phú Xuân – Huế, giành lại cơ nghiệp 200 năm của tiền nhân một cách đầy ngoạn mục. Vua Gia Long Nguyễn Ánh nổi tiếng trong việc trả thù nhà Tây Sơn một cách tàn bạo; ấy là một điều đáng buồn. Thế nhưng còn có điều Hoàng đế Gia Long khiến người đời chê trách hơn, ấy là việc sát hại công thần.
Tiền quân Nguyễn Văn Thành sau ngày chiến thắng được xem như “Đệ nhất công thần” trong công cuộc phục quốc của Nguyễn Phúc Ánh. Bấy giờ ở vùng Bắc bộ lòng người chưa yên vì lâu nay chịu sự cai quản dưới quyền Tây Sơn, và xa hơn nữa là dưới quyền tập đoàn vua Lê chúa Trịnh nên vua Gia Long cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành cai quản toàn vùng Bắc bộ ngày nay; còn toàn vùng Nam bộ gọi chung là Gia Định Thành dưới quyền cai quản của Tổng trấn Lê Văn Duyệt (từ năm 1812). Có một điều là ông Thành và ông Duyệt cũng chẳng ưa gì nhau. Chuyện xảy ra vào năm 1800 khi nhà Tây Sơn sắp đi vào hồi kết. Lê Văn Duyệt được cử theo Tiết chế Nguyễn Văn Thành để hợp sức đánh trận lớn. Một hôm, trước lúc xuất trận, ông Thành rót chén rượu rồi bảo: “Tướng quân uống chén rượu để thêm sức mạnh”. Vốn sẵn hiềm khích, ông Duyệt chẳng ngần ngại bảo rằng: “Ai tánh hay sợ mới uống rượu để thêm sức mạnh, tôi thì không coi đó là trận dữ, cần chi phải uống rượu.” Nghe vậy, ông Thành có ý thẹn từ đó quan hệ giữa hai người không được tốt đẹp như ngày nào. Năm 1817 – tức năm Gia Long thứ 16, cử nhân Nguyễn Văn Thuyên con ông Nguyễn Văn Thành làm một bài thơ mang khẩu khí xốc nổi, hơi chút máu anh hùng khiến một một số quan lại vốn ganh ghét Nguyễn Văn Thành trong đó có Lê Văn Duyệt nhân cơ hội đặt điều ghép thành tội mưu phản rồi tâu lên nhà vua. Sau buổi chầu, ông Thành thất thần chạy theo Nguyễn Ánh níu áo khóc than, xin nghĩ tình mà tha tội. Nhà vua chẳng nói chẳng rằng, giật phắt hoàng bào đi thẳng vào cung. Do sẵn mối nghi ngờ trong lòng, Nguyễn Ánh bèn hạ lệnh bắt Nguyễn Văn Thuyên đem chém, còn Nguyễn Văn Thành buộc phải chết bằng thuốc độc. Vậy thì, sau cái chết của vị “Đệ nhất công thần”, những người ủng hộ liệu họ có để câu chuyện bi thương này chìm vào ký ức, hay họ sẽ có hành động đáp trả nhằm thể hiện sự tiếc thương đối với vị Tổng trấn Bắc Thành?
Năm 1820, vua Gia Long qua đời sau 18 năm trên ngôi cửu chủ (1802 – 1820), hưởng dương 59 năm. Nguyễn Phúc Đảm, hoàng tử thứ tư của vua Gia Long lên kế vị, lấy niên hiệu Minh Mạng. Đối với Lê Văn Duyệt, vua Minh Mạng lúc mới lên ngôi chưa dám động tới dù trong lòng chẳng ưa gì đức Tả quân bởi lúc sinh thời, vua Gia Long từng lấy ý kiến các đại thần trong việc lập người kế vị. Lúc đó Lê Văn Duyệt là một trong những người ủng hộ Hoàng tôn Đán là con Hoàng tử Cảnh – Hoàng tử trưởng của Gia Long không may mất sớm. Đức Tả quân Lê Văn Duyệt còn được hưởng nhiều đặc ân thời Gia Long trong đó có việc “nhập triều bất bái” nên sau này ông không lạy vua Minh Mạng.
Năm 1832, Lê Văn Duyệt già yếu qua đời khi đang giữ chức Tổng trấn Gia Định lần thứ hai (lần thứ nhất ở thời Gia Long). Bấy giờ vua Minh Mạng ở ngôi cũng đã 12 năm, mặc dù nhiều cuộc khởi nghĩa chống nhà Nguyễn vẫn tiếp diễn nhưng nhìn chung nước Việt thời này lớn mạnh nhờ những chấn chỉnh, cải cách của vị vua để lại nhiều dấu ấn nhất thời nhà Nguyễn. Sau khi Lê Văn Duyệt mất, Hoàng đế Minh Mạng cho bãi chức Tổng trấn, chia Tổng trấn Gia Định ra làm 6 tỉnh mà dân gian thường gọi “lục tỉnh Nam kỳ” trong đó bao gồm tỉnh Gia Định (có khi gọi là Phiên An, tức Tp. Hồ Chí Minh ngày nay). Bấy giờ triều đình cử Nguyễn Văn Quế làm Tổng đốc Phiên An (tương đương Tỉnh trưởng) và Bạch Xuân Nguyên làm Bố chính (trông coi Tài chính, thuế khóa… giúp Tổng đốc). Hai ông này vốn là những tham quan, lật lọng, đem bươi móc chuyện cũ của ông Duyệt ra tố cáo Minh Mạng. Nhà vua vốn chẳng ưa ông Duyệt, nay sẵn dịp nghe lời tâu bèn sai bắt giam họ hàng thân thuộc của Lê Văn Duyệt.
Ông Lê Văn Duyệt vốn là một hoạn quan nên không có con. Năm 1819, nhân việc đi đánh dẹp các thế lực nổi loạn ở vùng Thanh Hóa, một “anh hùng hảo hớn” trong chốn giang hồ có tên là Khôi vì ngưỡng mộ ông Duyệt mà xin đầu hàng, được ông Duyệt nhận làm con nuôi rồi đưa về Gia Định phong làm Vệ úy và đặt tên là Lê Văn Khôi. Vốn máu anh hùng, từng có thời làm loạn; tháng 6 năm 1833, từ trong nhà lao, Lê Văn Khôi liên kết cùng 27 chiến hữu nổi lên chống cự, vượt ngục chém chết cả “Tỉnh trưởng” Nguyễn Văn Quế lẫn “Thư ký” Bạch Xuân Nguyên, chiếm thành Phiên An (thành Gia Định – xung quanh trung tâm Tp. Hồ Chí Minh ngày nay) rồi nhanh chóng đánh chiếm hết 6 tỉnh Nam kỳ, tự xưng Đại nguyên súy, cắt đặt quan chức hoạt động như một triều đình riêng. Cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi diễn biến trên phạm vi rộng, quy mô, bao gồm cả việc cầu viện Xiêm La, diễn ra trong hơn hai năm thì bị quân triều đình đánh bại sau khi Lê Văn Khôi bệnh chết không lâu. Vậy là ông Lê Văn Duyệt “tội chồng thêm tội” vì có con (nuôi) phạm vào đại án tạo phản chống triều đình.
Ở thời Minh Mạng luật pháp rất khắt khe và nghiêm minh, nhất là đối với các tội tham nhũng, trộm cắp, bất hiếu… Đó là những mặt tích cực; thế nhưng có điều đáng buồn rằng Minh Mạng cũng giống Gia Long ở việc giết hại, trả thù mạnh tay đến mức tàn bạo, dã man những thành phần bị coi là giặc. Những người bị coi là chủ mưu trong vụ án Lê Văn Khôi bị đóng cũi đưa về kinh đô Huế xử tội lăng trì trong đó có con ông Khôi mới 8 tuổi và một linh mục người Pháp vì hỗ trợ cầu viện Xiêm La. Mộ Lê Văn Khôi bị điều tra, lấy hài cốt tán nát đem vứt khắp 6 tỉnh, còn đầu lâu thì đóng hòm đưa về Kinh rồi cùng đầu lâu các tên phạm khác bêu treo khắp chợ để răn đe những kẻ loạn tặc.
Sau khi dẹp xong cuộc nổi dậy, triều đình rảnh tay tiếp tục đem chuyện Lê Văn Duyệt ra soi xét. Bấy giờ còn mấy ai dám ra mặt ủng hộ Lê Văn Duyệt nữa, cái thế của đức Tổng trấn một thời thành ra nghiêng ngả lắm; thế nên giữa công và tội chỉ là một ranh giới thật mong manh. Triều thần dâng sớ kể tội, Hoàng đế Minh Mạng đồng ý rồi tuyên Lê Văn Duyệt phạm 7 án phải chém cùng 2 tội phải thắt cổ với nội dung xoay quanh chuyện lạm quyền và dung túng. Nhưng vì Lê Văn Duyệt đã chết nên sai người tước sắc phong, cuốc phá nấm mồ, san phẳng mặt đất rồi đặt tấm bia đá “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” và xiềng xích lên “nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội”. Lê Văn Duyệt “chịu tội” khoảng 6 năm, đến năm 1841 khi vua Thiệu Trị nối ngôi vua cha Minh Mạng thì ban lệnh phá bỏ, tha tội Lê Văn Duyệt và thân thuộc. Bảy năm sau sang thời vua Tự Đức thì Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn dâng sớ xin tìm dùng các con cháu của Lê Văn Duyệt và cả “Đệ nhất công thần” Nguyễn Văn Thành; từ đó dần phục chức, truy phong đồng thời cho thờ trong miếu Trung hưng Công thần ở Huế.
Với người dân sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, hầu như chẳng mấy ai chưa một lần được nghe cụm từ “Lăng Ông – Bà Chiểu”. Còn nhiều giai thoại về Bà Chiểu, có điều vì hai địa danh nổi tiếng chỉ cách nhau bởi con đường nhỏ nên đôi lúc gây sự nhầm lẫn về mối quan hệ giữa hai nhân vật xa lạ này. Cũng vì kỵ húy thành ra dân gian quen gọi Lăng Ông rồi thêm từ Bà Chiểu để phân biệt khi muốn nhắc đến khu lăng mộ nơi chôn cất và tôn thờ đức Tổng trấn Gia Định một thời Lê Văn Duyệt.