Bà Nguyễn Thị Lộ có thực là chủ mưu trong vụ đại án Lệ Chi viên?
Bà Nguyễn Thị Lộ là một danh sĩ có tiếng, là một trong số các ái thiếp của đại công thần nhà Hậu Lê, Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi. Cho đến nay, trải qua gần 600 năm kể từ ngày xảy ra vụ đại án Lệ Chi viên, dù vua Lê Thánh tông sau đó đã minh oan cho Nguyễn Trãi qua câu nói “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” thì bà Nguyễn Thị Lộ vẫn bị coi là nhân vật chủ mưu của vụ án. Lật lại các nguồn chính sử thì đại loại đều chép rằng: “Hôm ấy vua thức suốt đêm rồi băng”. Vậy sự việc quả thật như thế, hay còn có điều gì mờ ám đằng sau câu chuyện bi thảm này.
Trở lại bối cảnh của vụ án Lệ Chi viên năm xưa dưới triều Lê Thái tông – vị hoàng đế thứ hai của nhà nước Hậu Lê. Bấy giờ muôn dân nước Đại Việt vừa trải qua hơn 10 năm độc lập kể từ ngày vua cha, tức Thái tổ Lê Lợi cùng anh hùng hào kiệt đứng lên đánh đuổi quân thù xâm lược Đại Minh; nên nhìn chung, toàn cõi đất nước đang trong thời kỳ thái bình, thịnh trị.
Tháng Bảy âm lịch năm Nhâm Tuất (1442), nhà vua đi tuần ở miền Đông, duyệt quân tại thành Chí Linh tỉnh Hải Dương. Trên đường trở về kinh, vua Thái tông ghé thăm nơi ở của danh thần Nguyễn Trãi bấy giờ đang cáo quan ở ẩn tại chùa Côn Sơn, Bắc Ninh. Theo hầu nhà vua có bà Nguyễn Thị Lộ, một ái thiếp của Nguyễn Trãi được vua Thái tông yêu quý trước đó vì tài sắc mà ban chức Lễ nghi học sĩ phụng sự dạy dỗ các cung nhân trong triều. Đêm hôm ấy tại Lệ Chi viên (vườn Lệ Chi), vua Lê Thái tông đột ngột qua đời khi mới 19 tuổi. Sự kiện này, sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: “Khi về đến Lệ Chi viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi mất.” Ngay sau đó triều đình đã quy bà Nguyễn Thị Lộ là thủ phạm giết vua và khép tội gia đình Nguyễn Trãi phải chịu án Tru di Tam tộc.
Bà Nguyễn Thị Lộ sinh vào khoảng những năm 1390 – 1400 cuối thời nhà Trần trong một gia đình có cha làm nghề thầy thuốc. Vốn tư chất thông minh cùng việc xuất thân trong gia đình nề nếp nên bà sớm tỏ ra là con người tinh thông, tài sắc vẹn toàn. Có tài liệu nói rằng bà gặp và trở thành vợ Nguyễn Trãi ở thời nhà Hồ ( 1400 – 1407) và lúc xảy ra vụ án Lệ Chi Viên năm 1442 thì bà Nguyễn Thị Lộ đã ngoài 40 tuổi.
Vua Lê Thái tông trước lúc lâm chung tuy còn trẻ nhưng đã kịp có bốn người con trai do mỗi bà vợ khác nhau sinh ra. Trong đó người con trai trưởng lúc đầu được lập làm Thái tử nhưng sau vì mẹ bị thất sủng nên ngôi Thái tử cũng bị phế truất theo; người con trai thứ Ba thì cả mẹ và con đều không được nhà vua sủng ái. Như vậy ngôi Thái tử bây giờ là việc lựa chọn ai giữa hai người con còn lại, hoặc là người thứ Hai do bà Nguyễn Thị Anh sinh ra hoặc là người con thứ Tư con của bà Ngô Thị Ngọc Dao…
Đánh giá về vụ án Lệ Chi viên thì các nhà nghiên cứu gần đây nêu quan điểm rằng người con thứ Hai đang nói ở trên tức là Lê Bang Cơ không phải con của vua Thái tông mà là con của bà Nguyễn Thị Anh đã có mang với người khác ngay trước khi bà được đưa về làm vợ vua Lê Thái tông. Sau khi bà Nguyễn Thị Anh sinh ra Bang Cơ thì bà Ngọc Dao cũng sinh ra người con thứ Tư nói trên tức Lê Tư Thành. Mặc dù hoàng tử Bang Cơ đã được phong làm thái tử nhưng vì hoàng tử Tư Thành từ lúc mới sinh được nhiều người khen ngợi khôi ngô, tuấn tú mang phong thái của một bậc đế vương; cùng với việc thân phận “bất minh”, sợ bị đàm tiếu dẫn đến phế ngôi nên bà Nguyễn Thị Anh đã ra tay trước bằng cách sai người hạ độc vua rồi vu oan gia đình Nguyễn Trãi. Vậy tại sao lại là gia đình Nguyễn Trãi? Ấy bởi vì bà Ngọc Dao trước vì làm mất lòng vua nên cả hai mẹ con phải dời ra ngoài kinh thành sống nương nhờ gia đình Nguyễn Trãi. Ông Nguyễn Trãi bấy giờ không còn nắm giữ vai trò quan trọng trong triều đình nữa vì bất mãn với một nhóm quyền thần mà cáo quan ở ẩn. Bà Nguyễn Thị Anh lo sợ việc vua Thái tông khi gặp Nguyễn Trãi thì sẽ bị bất lợi về phía mình nên tìm cách hãm hại. Khi vụ án Lệ Chi viên xảy ra thì cả hai hoàng tử Bang Cơ và Tư Thành cũng chỉ vừa 1 – 2 tuổi. Lê Bang Cơ được đưa lên nối ngôi với niên hiệu Nhân tông, giữ ngôi được 17 năm thì cả hai mẹ con bị Thái tử mất ngôi trước đó là Lê Nghi Dân nửa đêm trèo tường vào cung sát hại vì cho rằng Nhân tông không mang dòng máu của vua Thái tông. Lê Nghi Dân “làm phản” chưa tròn một năm thì bị hạ bệ bởi những cựu thần một thời từng là anh hùng kháng chiến bên cạnh Thái tổ Lê Lợi như là Đinh Liệt, là Nguyễn Xí… rồi lập hoàng tử Lê Tư Thành, cậu bé năm xưa phải lay lắt sống nhờ gia đình Nguyễn Trãi, lên ngôi vua với niên hiệu Lê Thánh tông (còn gọi Lê Thánh Tôn), đưa đất nước Đại Việt bước lên một tầm vóc mới và cũng chính ông là người minh oan cho Nguyễn Trãi qua câu nói nổi tiếng “Ức trai tâm thượng quang khuê tảo.”
Vụ thảm án Lệ Chi viên mang quá nhiều đau đớn, là nỗi đau không riêng gì gia đình đại công thần Nguyễn Trãi mà còn là nỗi đau của cả những ai yêu quý sự chân thiện. Lời minh oan của Lê Thánh tông dẫu muộn màng nhưng dù sao cũng an ủi được phần nào oan hồn của ba họ nhà Nguyễn Trãi. Điều mà ngày nay chúng ta cần ấy là một góc nhìn mới công bằng hơn dành cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, người vẫn bị coi là chủ mưu của vụ đại án Lệ Chi viên gần 600 năm nay…