Chuyện về Thái tông Lê Nguyên Long – Vị vua kế nghiệp Thái tổ Lê Lợi

     Nhà nước Hậu Lê được thành lập bằng việc Lê Lợi tuyên bố chiến thắng, giành lại toàn quyền kiểm soát đất nước Đại Việt sau hơn 20 năm chìm sâu dưới ách đô hộ thống trị của quân thù xâm lược Đại Minh. Thế nhưng vị vua anh hùng Lê Lợi ở ngôi chưa được bao lâu thì qua đời, chỉ ngót 5 năm kể từ ngày khai sinh ra nhà nước Hậu Lê. Bây giờ theo lẽ thông thường của các triều đại phong kiến thì hoàng tử trưởng sẽ được lập làm người kế vị. Thế nhưng, Lê Nguyên Long – hoàng tử thứ hai của Thái tổ Lê Lợi mới là người được chọn. Vậy thì vì cớ gì mà lúc sinh thời Lê Lợi đã quyết định bỏ trưởng lập thứ, một hành động thường gây chia rẽ và dẫn tới những hậu họa về sau?

     Vào những ngày cuối tháng Giêng năm 1425 khi nghĩa quân Lam Sơn bắt đầu thực thi kế sách chiến lược của Nguyễn Chích là đánh từ Thanh Hóa xuôi về miền Nghệ An để giải phóng Nghệ An cùng các vùng lân cận phía nam rồi sau đó mới tiến ngược ra Bắc đánh kinh thành Thăng Long. Khi sắp vào chiến địa, Lê Lợi cho binh lính nghỉ ngơi chỉnh đốn quân ngũ chuẩn bị vây đánh thành Nghệ An. Trong vòng một tuần, quân lính được dưỡng sức, lại được nhân dân trong vùng mừng đón mang lễ vật trâu, rượu tiến dâng. Lê Lợi đem những đồ ấy chia cho các tướng cùng lính tráng khiến lòng quân ai nấy cùng hăng hái nguyện gắng sức cùng nhau đánh giặc. Khi tới cửa sông Hưng Nguyên, chỗ ấy có đền thờ thần mà tục gọi là thần Quả. Lê Lợi đêm nằm chiêm bao mơ thấy thần nhân nói với mình rằng:

“Vương cho tôi một người thiếp, tôi sẽ phù hộ Vương diệt giặc Ngô làm nên nghiệp Đế.” Sáng sớm khi tỉnh dậy, Lê Lợi cho mời các bà vợ đến hỏi rằng:

“Trong số các nàng, có ai chịu làm vợ cho Thần không? Sau này khi lấy được thiên hạ, ta sẽ lập con của người đó làm Thiên tử”. Khi ấy bà Ngọc Trần mới quỳ xuống nói rằng:

“Túc hạ giữ đúng lời giao ước, thiếp xin chịu nhận việc ấy. Ngày sau chớ phụ con thiếp”. Lê Lợi vô cùng thương cảm, hứa với bà sẽ hết sức nuôi dạy Nguyên Long, rồi giao ước cùng các quan văn, võ y như lời ấy. Đến ngày hăm bốn tháng Ba cùng năm, Lê Lợi giao bà Ngọc Trần cho thần Phổ Hộ bắt lấy, chết ngay trước mắt; bấy giờ Thái tông Lê Nguyên Long mới vừa ba tuổi!

     Năm 1433 Thái tổ Lê Lợi băng hà. Đúng theo giao ước, hoàng tử Lê Nguyên Long được lên ngôi kế vị, trở thành vị hoàng đế thứ hai của nhà nước Hậu Lê với niên hiệu Lê Thái Tông. Trong những năm đầu cầm quyền, mặc dù còn nhỏ tuổi lại không có mẹ tham gia nhiếp chính; tuy nhiên nhà nước Hậu Lê bấy giờ vẫn còn đầy đủ các cựu thần từ thời Lê Lợi nên mọi việc trong ngoài đều được lo liệu ổn thỏa. Đến năm mười bảy tuổi, vua Lê Thái Tông cũng đã tự mình cầm quân đi dẹp loạn, thu phục các thế lực được người Ai Lao chống đỡ tại các vùng miền núi phía Bắc. Nhờ kiên cường giữ vững lãnh thổ cùng việc thừa hưởng cơ nghiệp vững chắc từ thời vua cha nên mối bang giao giữa Đại Việt cùng các nước láng giềng đều được hòa hiếu tốt đẹp. Đế quốc Đại Minh mấy năm trước “về đến nước mà vẫn tim đập chân run” thì tới nay cũng chưa dám bày trò gây sự; còn các nước như Chiêm Thành, Xiêm La… vẫn thường hay cử sứ giả sang giao hiếu, biếu cống.

     Nếu như Thái tông Lê Nguyên Long có cha là Thái tổ Lê Lợi – một vị vua anh hùng có công giải phóng dân tộc, đưa đất nước vùng lên thoát ra những tháng ngày đen tối tệ hại bậc nhất kể từ thời kỳ dựng nước; có con là Thánh tông Lê Tư Thành (người miền Nam gọi Lê Thánh Tôn) đưa Đại Việt lên một tầm vóc mới đầy rực rỡ cùng công cuộc bình Chiêm dữ dội vào năm 1471, đẩy ranh giới người Chiêm lùi sâu tận núi đá Bia phía Nam tỉnh Phú Yên và khiến vương quốc Chăm-pa của người Chiêm từ đây không bao giờ gượng dậy để trở nên hùng mạnh như cũ nữa… Thì Thái tông Lê Nguyên Long có những dấu ấn gì để truyền lại cho các thế hệ mai sau?

     Chuyện về vua Lê Thái Tông thật là buồn! Ông là vị vua có hoàn cảnh tương đối đặc biệt, hiếm gặp khi có mẹ là bà Ngọc Trần đã cam chịu thiệt thân, làm vật tế Thần giữa lúc cuộc kháng chiến chống quân Minh đang vào hồi ác liệt. Không những thế, câu chuyện mà vua Lê Thái Tông để lại cho hậu thế còn là một câu chuyện khác đầy bi thương hơn nữa. Không gì khác, đó chính là vụ án chấn động Lệ Chi Viên (vườn Lệ Chi – Trại vải) tại nơi ở của Nguyễn Trãi. Theo vụ án này, các nguồn sử cũ đều cho rằng bà Nguyễn Thị Lộ, một ái thiếp của đại công thần Nguyễn Trãi chính là người đã hại chết vua dẫn đến việc Nguyễn Trãi phải chịu án tru di tam tộc liền sau đó…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

     Thái tông Lê Nguyên Long “thiên tư sáng suốt” làm vua được 8 năm, giữ vững cơ nghiệp non trẻ nhà Hậu Lê rồi mất lúc 20 tuổi; tiếp nối và mở ra một thời kỳ thịnh trị mới cho dân tộc Việt.