Đô soái Yết Kiêu – Nam quốc Dị nhân

     Cùng với Dã Tượng thì Yết Kiêu là một trong những gia nô trung thành và là cận vệ đắc lực cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, một trong những anh hùng quả cảm chống quân Nguyên Mông.

     Vào những ngày đầu của cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần Hai, quân giặc trùng trùng điệp điệp tràn qua biên giới nước ta. Hưng Đạo Vương đem quân lên ải Nội Bàng kháng cự hòng kiềm hãm thế tiến công ào ạt của quân thù. Thế giặc lúc này to và dữ dội lắm; Hưng Đạo Vương nhận thấy tình thế bất lợi, tính hạ lệnh lui quân nhưng chẳng may lúc này thủy quân của ta sắp tan vỡ, tình thế thật gay go. Ngài định rút lui bằng đường bộ theo lối chân núi thì…

     “Bẩm Đại vương! Yết Kiêu đang giữ thuyền, chưa thấy Đại vương nhất định không chịu rời đi.”

     Lời người cận vệ Dã Tượng vừa dứt, Hưng Đạo Vương liền tìm đến Bái Tân, một địa điểm trên sông Lục Nam chỉ thấy Yết Kiêu một mình đang cắm thuyền đứng đợi. Hưng Đạo Vương vừa mừng vừa xúc động nói:

     “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ (xương) cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chỉ là chim thường mà thôi.”

Đại ý muốn nói người tướng có thành danh cũng là nhờ những người chung quanh mình ra sức làm việc, phò tá. Nếu chỉ có một cá nhân mình thì không sao có thể làm nên nghiệp lớn. Nói xong liền cho chèo thuyền xuôi về Vạn Kiếp, kỵ binh giặc há hốc đuổi theo nhưng không còn kịp nữa.

     Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, sinh năm 1242 ở làng Hạ Bì, về sau được Trần Hưng Đạo nhận làm gia nô và đặt tên là Yết Kiêu theo tên loài cá lớn ngày xưa. Nhờ tài bơi lội “dưới nước như đi trên đất bằng” (nhập thủy như bình địa), Yết Kiêu sau này trở thành một danh tướng thủy quân, góp công lao to lớn phù giúp triều Trần chống giặc ngoại xâm.

Đô soái Yết Kiêu

Tên tuổi Yết Kiêu đã đi vào tâm thức của muôn dân nước Việt.

     Bấy giờ, giặc Nguyên kéo mấy trăm chiếc thuyền theo đường biển tràn vào đánh chiếm Đại Việt. Yết Kiêu không quản mùa đông giá rét, lợi dụng trời tối, đêm đêm mang theo dùi sắt lặn vào thủy trại đục thuyền, đục được lỗ nào thì dùng giẻ bịt lại và buộc dây nối với nhau đến khi thuận lợi ông dật mạnh dây rút đồng loạt các nút ra đánh đắm rất nhiều thuyền giặc. Lúc đầu quân giặc hoang mang sợ hãi không hiểu vì lẽ gì. Sau giặc giăng lưới vây bắt được Yết Kiêu. Chúng hỏi ông:

     “Này! Nước mày có bao nhiêu người có tài bơi lặn như ngươi?”

     Ông đáp:

     Nước tôi nhân tài vô số, như sao trên trời tựa cát dưới bể, tài tôi hèn mọn nên mới bị bắt. Nếu các ông thả tôi ra tôi sẽ dẫn các ông đến chỗ họ ẩn nấp, tha hồ cho các ông bắt.”

   Bọn giặc Nguyên Mông nổi tiếng hung hãn và tàn bạo; chúng không sợ chết chém nhưng lại sợ… chết đuối nên khi nghe Yết Kiêu nói thế thấy cũng có lý. Thừa lúc giặc sơ ý, ông nhảy ùm xuống nước trốn về tiếp tục cùng quân dân ta đánh giặc cứu nước.

     Tương truyền trong cuộc kháng chiến lần thứ Ba, Yết Kiêu lặn sâu vào tận sào huyệt đục thuyền tướng bắt sống được Bá Linh tức Phạm Nhan, một tên tướng giặc rất xảo quyệt, được tung hô rằng có nhiều phép thuật. Khi bị quân ta bắt còn huênh hoang khoác lác rằng chém đầu hắn ta sẽ có đầu khác mọc lại. Quân ta bắt trói đem vào bãi đất ven sông cho hắn ta “trổ tài ảo thuật”. Cheémm… Thật bất ngờ, hắn ta chết tốt. Tài giỏi như Yết Kiêu nhưng tính cách khiêm cung; Phạm Nhan qua Đại Việt chưa thấy công lao mà hô hào khoác lác thì vong mạng cũng không oan.

     Trong chiến đấu, “Nam quốc dị nhân” Yết Kiêu là nỗi kinh hoàng của quan quân Thát Đát Nguyên Mông. Kháng chiến lần Ba thắng lợi, Yết Kiêu sống thêm hơn mười năm nữa, thọ trên 60 tuổi, được vua Trần phong tặng: Đệ nhất Đô soái Thuỷ quân. Sau khi mất được lập đền thờ và tôn làm Thành hoàng, được các triều đại phong sắc. Đời sau khi dựng tượng Trần Hưng Đạo người ta thường dựng tượng Yết Kiêu và Dã Tượng bên cạnh Đại vương để nhắc nhở người đời sau luôn nhớ đến hai gia nhân này.

Đô soái Yết Kiêu

Đền Quát thờ Thành hoàng làng Yết Kiêu.

Đền Quát - Yết Kiêu

Khu đền nằm trên khuôn viên rất rộng và đẹp.

   Với những công lao to lớn của mình, Yết Kiêu trở thành “tay bơi” huyền thoại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt. Ngày nay mọi người về huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương rồi hỏi xã Yết Kiêu thì già trẻ gái trai không ai là không biết.  

Nghe Audio trên Youtube: