Hậu Ngô vương
Hiền đệ àh! Hay là đệ về tu luyện võ công, còn ngôi vương cứ để một mình ta lo liệu vậy. Hahaha.
Nam Tấn vương Ngô Xương Văn lặng lẽ lê từng bước chân mỏi mệt cùng nỗi buồn mênh mông không biết tỏ cùng ai…
Năm 944, Tiền Ngô vương Ngô Quyền không may lâm trọng bệnh qua đời chỉ sau 6 năm làm vua. Bấy giờ cậu bé Ngô Xương Văn mới vừa 10 tuổi; cậu có một người anh trai tên là Ngô Xương Ngập – chàng thanh niên từng tham gia nhiều trận đánh quan trọng trong đó có trận Bạch Đằng lịch sử năm 938 cùng người cha uy dũng Ngô Quyền. Tiền Ngô vương trước lúc ra đi không quên để lại di mệnh mà căn dặn
“Phải khó khăn lắm chúng ta mới giành lại được dân tộc này, đất nước này từ tay người phương Bắc. Nay trẫm cảm thấy bất an, chẳng may có mệnh hệ chi, ta ủy thác Dương tướng quân đưa con trai trưởng Ngô Xương Ngập của ta lên ngôi, gắng sức giữ lấy cơ đồ mà cha ông chúng ta đã nhọc công gầy dựng.”
Tướng quân Dương Tam Kha là em của Dương hậu vợ Ngô Quyền và là con của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ. Những năm đất nước bị giày xéo bởi bọn phản phúc Kiều Công Tiễn và quân xâm lược Nam Hán thì Dương Tam Kha và Ngô Xương Ngập là bộ đôi tướng quân từng lĩnh tiên phong tiêu diệt Tiễn cũng như đóng góp công lao to lớn vào những chiến công cùng chủ tướng Ngô Quyền. Thế nên Ngô Quyền đã ủy thác Dương hậu và em là Dương Tam Kha cùng dốc sức trợ giúp Ngô Xương Ngập kế vị ngôi vương bởi vì dòng họ Dương là một thế lực đã được khẳng định từ thời trước và được nhân dân hết lòng mến mộ. Thế nhưng ngay khi Ngô Quyền vừa qua đời, Dương Tam Kha phụ lời ủy thác của Ngô vương khiến Ngô Xương Ngập phải trốn chạy về Nam Sách Giang (thuộc Hải Dương) còn Tam Kha thì chiếm ngôi họ Ngô và tự xưng là Dương Bình vương năm 945.
“Chạy đi chúa công, mau chạy đi. Dương Tam Kha sắp đuổi kịp ngài rồi đó…”
Một ngày đẹp trời, Dương Tam Kha dò la tin tức biết được nơi Ngô Xương Ngập lẩn trốn liền sai quân lính đến Trà Hương – Nam Sách Giang tìm đến nhà Phạm Lệnh Công truy bắt Ngô Xương Ngập nhưng Phạm Lệnh Công do thám được tình hình, nhanh chóng cho người đưa Ngô Xương Ngập vào núi trốn thoát. Thời gian thấm thoát trôi qua, Ngô Xương Ngập vẫn loay hoay ở vùng Nam Sách Giang và thêm vài lần trối chạy như vậy nữa còn Ngô Xương Văn – cậu thiếu nhi năm nào giờ đây cũng đã trưởng thành hơn trước.
“H…ýýý…Tất cả dừng ngựa…” – chàng trai 15 tuổi Ngô Xương Văn ngả người về sau ghìm dây cương ngựa quát.
Ấy là chuyện vào năm 950, nhân sự việc các thế lực cát cứ ở hai thôn Đường, Nguyễn ở đất Thái Bình (thuộc Hà Nội ngày nay) nổi loạn, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn cùng các tướng Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đem binh đi đánh dẹp; khi vừa đến Từ Liêm, Ngô Xương Văn cho dừng ngựa, ra lời kêu gọi thuyết phục các tướng
“Đức của Tiên vương ta thấm khắm lòng dân, phàm chính lệnh ban ra không ai không vui lòng nghe theo. Thế nhưng Tiên vương không may sớm lìa bỏ quần thần, Bình Vương tự làm việc bất chính cướp ngôi của anh em ta, tội không gì to bằng. Nay lại sai bọn chúng ta đi đánh ấp không có tội, may mà đánh được thì thôi, lỡ như họ không phục thì làm thế nào?”
Nghe lời Ngô Xương Văn thốt ra, ai nấy cũng cúi đầu nhìn nhau bằng ánh mắt đầy cảm kích, khâm phục chàng trai trẻ cũng như thương tiếc về vương triều đã mất. Thế rồi hai tướng bèn thúc cương quay ngựa về hướng Cổ Loa – nơi đóng đô của nhà Ngô đang bị Dương Tam Kha chiếm giữ. Bình vương Dương Tam Kha từ lúc lên ngôi vua, ngoại trừ việc nhiều lần cho người truy bắt Ngô Xương Ngập thì không có ý sát hại những người con còn lại của Tiền Ngô vương nên cho dù có nhiều ý kiến khuyên rằng “nên trừ hậu họa về sau” thì Ngô Xương Văn vì nhớ ơn nuôi dưỡng, tỏ lòng nhân từ nể tình cậu cháu mà không nỡ giết.
Vậy là Dương Tam Kha cướp ngôi của Ngô Xương Ngập làm vua được 5 năm thì bị hạ bệ bởi Ngô Xương Văn – chàng trai chỉ mới 15 tuổi nhưng đã làm được điều mà người anh cả trưởng thành hơn rất nhiều không làm được đó là khôi phục vương triều đã mất của người cha uy dũng năm nào. Ngay sau khi truất quyền thi đấu của người cậu nổi loạn, Xương Văn liền sai người đến Trà Hương đón anh về cùng tham gia… gánh team. Ngô Xương Ngập “hân hoan” trở về mái nhà xưa, dù không có công gì nhưng cũng tự xưng là Thiên Sách vương; còn Ngô Xương Văn tự xưng là Nam Tấn vương. Cả hai anh em cùng chung làm vua, sử sách gọi là thời Hậu Ngô vương.
Ảnh minh họa – st.
Thiên Sách vương làm vua được 4 năm, lấy danh nghĩa con trai trưởng lại được Tiên vương trao di mệnh truyền ngôi nên ngày càng trở nên chuyên quyền, tìm cách loại bỏ Nam Tấn vương để một mình độc chiếm ngôi vua nhưng âm mưu chưa thành thì lâm trọng bệnh chết năm 954. Bấy giờ nhà Ngô mỗi ngày một suy yếu. Từ khi Dương Tam Kha cướp ngôi họ Ngô thì lòng dân trở nên ly loạn, một phần vì bất mãn anh em họ Ngô nên mối chia rẽ ngày càng trở nên sâu sắc. Sự việc Ngô Xương Văn tha chết Dương Tam Kha được người đời khen là hành động nhân từ nhưng xét trên phương diện kỷ cương phép nước thì việc làm ấy đã thể hiện một mặt trái của nó là đã khiến các thế lực chống đối họ Dương lâu nay bây giờ trở nên không phục họ Ngô; Ngô Xương Ngập không có công lao mà cũng xưng vương trông coi chính sự, lại chuyên quyền làm oai làm phúc đến nỗi Nam Tấn vương không được trông coi chính sự nữa, thật là mất đạo nghĩa anh em. Từ đó thổ hào khắp nơi nổi lên cát cứ mỗi ngày một đông, họ tự xưng hiệu “công” hoặc “chế” rồi mỗi người hùng cứ một phương. Nam Tấn vương thân là vua một nước nhưng suốt đời không yên, trong mười năm liền đích thân vất vả dẫn quân đi dẹp loạn nhưng hễ dập tắt được chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên như những đám cháy âm ỉ trong thân cây khô mục. Rồi đây, tại chiến trường hai thôn Đường, Nguyễn năm nào giờ đây sẽ lại sắp sửa thêm một lần được nhắc đến cùng cuộc đời, sự nghiệp Ngô Xương Văn. Nếu như trước đây Nam Tấn vương lên ngôi bằng việc thuyết phục các tướng Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đang trên đường đem quân đi dẹp loạn ở hai thôn Đường, Nguyễn trở mũi giáo quay về lật đổ Bình vương Dương Tam Kha thì giờ đây nơi này ghi dấu một cảnh tượng đối lập đầy đau thương, ghi dấu chấm hết trong cuộc đời Nam Tấn vương cũng như đẩy vương triều Ngô đến bờ vực thẳm.
Năm 965, Nam Tấn vương đem quân đi dẹp loạn tại hai thôn Đường, Nguyễn ở đất Thái Bình năm xưa không may bị phục binh bắn nỏ tử trận. Nam Tấn vương Ngô Xương Văn làm vua 15 năm. Sau khi chết, con của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí trên danh nghĩa tiếp nối ngôi vua của triều đại nhà Ngô nhưng thực lực quá yếu, chỉ đủ sức thu thập tàn quân chạy về Ái Châu – nơi đặt căn cứ lâu đời của dòng họ Ngô, giữ một vùng Bình Kiều (Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) hoạt động như một sứ quân nên còn được gọi là Ngô sứ quân, tồn tại được gần 3 năm, đến năm 967 bị Đinh Bộ Lĩnh ép phải đầu hàng trong cuộc nội chiến mà sử sách gọi là “Loạn 12 sứ quân”.
Triều đại nhà Ngô bắt đầu năm 939 sau khi Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng và xưng vương. Trải qua 4 đời vua Ngô xen lẫn Bình vương Dương Tam Kha (945 – 950) kéo dài trong 28 năm khi đời vua cuối cùng là Ngô Xương Xí thực chất chỉ là một sứ quân – đầu hàng Đinh Bộ Lĩnh năm 967.