Cương Quốc công Nguyễn Xí – Vị Công thần bền bỉ của nhà nước Hậu Lê

   Nhà nước Hậu Lê do Thái tổ Lê Lợi thành lập năm 1428 sau khi tuyên bố giành chiến thắng trước quân thù xâm lược Đại Minh. Thái tổ Lê Lợi giữ ngôi chưa được bao lâu thì bệnh, mất. Trước lúc lâm chung, vì thiếu tỉnh táo nghe lời gièm pha mà hạ lệnh sát hại công thần. Đến các đời tiếp theo cũng thế, cho dù vì nguyên nhân này hay nguyên nhân khác thì công thần từ thời Khởi nghĩa Lam Sơn cũng bị giết dần giết mòn kể cả giết nhầm, giết oan cũng không phải ít mà tiêu biểu nhất trong số ấy có thể dễ dàng nhận ra nào là Trần Nguyên Hãn, nào là Lê Sát, là Nguyễn Trãi… Thế nhưng có một vị công thần khai quốc dù cũng đôi lần hứng chịu sóng gió nhưng đã vượt qua để rồi miệt mài phò tá trải 5 đời vua; và vị khai quốc công thần ấy không ai khác chính là Cương Quốc công Nguyễn Xí.

   Nguyễn Xí (1396 – 1465) quê làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc (nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An); nổi tiếng thông minh – vũ dũng. Nguyễn Xí có cha là Nguyễn Hội, là một phú hào thường ra vào vùng Thanh Hóa nên sớm quen biết Lê Lợi khi ông còn làm Phụ đạo Lam Sơn. Do đó mà sau này Nguyễn Xí được Lê Lợi thương yêu như con, giao việc nuôi dưỡng 1000 con chó săn và huấn luyện rất có bài bản. Đến năm 1418 khi nổ ra khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Xí được phong làm Đại tướng quân, chỉ huy đội quân Thiết Đột (tạm dịch Mũi khoan thép) – một lực lượng cực kỳ tinh nhuệ vừa được xây dựng và tồn tại mãi đến thời vua Lê Thánh Tông.

   Công lao của Nguyễn Xí trong thời kháng chiến chống quân xâm lược Đại Minh kể không biết sao cho xiết. Thế nhưng để lập được những chiến công hiển hách ấy cũng như sự bền bỉ phù trợ các đời vua về sau thì phải kể đến những lần thoát hiểm đầy ngoạn mục, thậm chí hy hữu khi trên đời này có mấy ai đã rơi vào tay giặc mà không bị giết nếu như chẳng chịu đầu hàng ngoại trừ Nguyễn Xí.

   Tháng Tư năm 1427, chủ tướng giặc Vương Thông liều chết tấn công nghĩa quân Lam Sơn ở Tây Phù Liệt; Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ đem 500 quân Thiết Đột đến ứng cứu, đánh đuổi Vương Thông phải chạy dài về đến My Động. Lúc này hậu quân Lam Sơn theo yểm trợ không kịp quân Thiết Đột, Vương Thông nhận thấy lực lượng nghĩa quân ít nên quay lại phản công. Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ cưỡi voi anh dũng chống trả nhưng không may voi bị sa lầy nên cả hai đều bị giặc bắt. Đinh Lễ không chịu đầu hàng nên bị giết; còn Nguyễn Xí lợi dụng một đêm mưa gió, ông dùng mẹo lừa được lính canh trốn ngục thoát về ra mắt Lê Lợi. Bình Định vương Lê Lợi vô cùng mừng rỡ, tiếp tục giao Nguyễn Xí đưa quân lên phía bắc tiếp ứng cùng các cánh quân của Lê Sát, Đinh Liệt (em Đinh Lễ), Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú, Phạm Vấn… đánh cho quân Minh đại bại, kết thúc cuộc kháng chiến bằng trận Xương Giang lẫy lừng một năm sau đó.

Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội,
Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng.
Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường,
Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước.

Ảnh minh họa – St

   Nhà nước Hậu Lê được thành lập bằng việc giành lấy chính quyền từ tay ngoại bang dựa trên sức mạnh quân sự do chính những người con ưu tú của dân tộc Việt tạo dựng. Thế nên trong hơn 10 năm đầu dưới chính quyền mới, mối giao hảo giữa Đại Việt cùng các quốc gia lân bang nhìn chung đều tốt đẹp, hoặc nếu có nổi lên thì cũng nhanh chóng bị đánh dẹp, thu phục. Đến những năm 1444 – 1446, lợi dụng Đại Việt có sự biến động sau biến cố tại Lệ Chi viên khiến vua Lê Thái Tông đột ngột băng hà, vua con là Nhân Tông nối ngôi khi còn thơ trẻ nên trong nhiều năm liền, vua nước Chiêm Thành là Bí Cai liên tục đem quân quấy rối bờ cõi phía nam nước Đại Việt. Ở thời này, Nguyễn Xí được giao nhiều công việc hệ trọng, lập nhiều công lao nên đầu năm 1445 được phong lên Nhập nội Đô đốc. Mùa hè năm 1445, vua Bí Cai lại đem quân sang đánh phá thành An Dung ở Hóa Châu; Nguyễn Xí được giao cùng Lê Thận đưa quân vào đánh dẹp. Mặc dù lập được chiến công nhưng vì chưa dập tắt hẳn mầm họa từ phương nam nên khi về, Nguyễn Xí bị quyền thần gièm pha nên bị nghị tội bãi chức, đến năm 1448 Nguyễn Xí mới được phục và thăng chức Thiếu bảo.

   Nói đến công lao và cuộc đời Nguyễn Xí mà không nhắc đến cuộc đảo chính lật đổ Hoàng đế Thiên Hưng tức Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân thì đó là một thiếu sót rất lớn. Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân là con trai trưởng của vua Lê Thái Tông, sớm được lập làm Thái tử nhưng cũng sớm bị phế do có mẹ là Hoàng hậu Dương Thị Bí mắc tội làm mất lòng vua. Năm 1442, vua Lê Thái Tông không may đột ngột qua đời khi đến thăm nơi ở của Hành khiển Nguyễn Trãi tại vườn Lệ Chi. Bấy giờ người em khác mẹ của Nghi Dân là Bang Cơ được đưa lên kế vị, trở thành vị hoàng đế thứ Ba của nhà nước Hậu Lê với niên hiệu Lê Nhân Tông. Nhân tông Lê Bang Cơ làm vua được 17 năm đến một đêm mùa đông năm 1459 thì bị Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân đột nhập vào cung giết chết cả vua và Thái hậu Nguyễn Thị Anh bởi lý do vua Nhân tông bị đồn đoán rằng không phải con của vua Thái tông cũng như nỗi uất hận về việc mất ngôi Thái tử ngày nào. Thế nhưng tại sao phải đợi những 17 năm? Là tại vì khi vua Lê Thái Tông qua đời thì các con đều còn quá nhỏ, Nghi Dân lúc này cũng chỉ là đứa trẻ lên ba, nên 17 năm là quãng thời gian đủ để Lê Nghi Dân trưởng thành, đủ sức gầy dựng vây cánh.

Lê Nghi Dân trở thành Hoàng đế thứ Tư của nhà nước Hậu Lê với niên hiệu Thiên Hưng.

   Việc Lê Nghi Dân tự tiện phế lập bằng hành động giết vua Nhân tông và Thái hậu Nguyễn Thị Anh khiến rất nhiều triều thần bất bình. Các đại thần Đỗ Bí, Lê Ngang, Lê Ê, Lê Thụ ngày xưa hiên ngang anh dũng xông pha trận mạc đánh giết không biết bao nhiêu giặc dữ khi tham gia cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn cùng Thái tổ Lê Lợi thì nay đều vong mạng dưới tay Lê Nghi Dân vì hành sự bất cẩn, làm bại lộ chuyện lật đổ Hoàng đế Thiên Hưng. Thế rồi Thiếu bảo Nguyễn Xí, Thái bảo Đinh Liệt bí mật họp bàn cùng một số tướng lĩnh thân cận thống nhất rằng: 

“Nghi Dân cùng đồng đảng là bọn Phạm Đồn, Phạm Ban giết vua và Quốc mẫu, tội ác không gì hơn. Chúng ta xấu hổ làm kẻ bầy tôi có công lao cũ. Nếu lại chịu ở dưới quyền kẻ bội nghịch, đứng trong triều đình của kẻ thoán thí, thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở nơi hoàng tuyền nữa.”

   Tháng Sáu năm 1460 sau một buổi chầu, khi các quan vào ngồi ở Nghị Sự đường trước cửa Sùng Vũ, Thiếu bảo Nguyễn Xí đứng lên hô lớn “Khởi sự!” thì phục binh liền đổ ra chém chết Phạm Đồn, Phạm Ban, sai đóng chặt các cửa thành truy bắt Lê Nghi Dân cùng đồng đảng. Thiên hưng Lê Nghi Dân tự tiện phế lập, làm vua chưa được một năm thì bị lật đổ, giáng làm Lệ Đức hầu rồi mất cùng trong năm ấy.

Đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí tại quê hương Nghi Lộc, Nghệ An (Ảnh từ Wikipedia).

   Sau cuộc chính biến, Hoàng tử Lê Tư Thành – con thứ tư và cũng là con út của vua Lê Thái Tông được tôn lên ngôi vua, trở thành vị Hoàng đế đời thứ Năm của nhà nước Hậu Lê, lấy niên hiệu Thánh Tông. Nguyễn Xí phục vụ thêm 5 năm nữa dưới triều đại mới rồi mất năm 1465. Lúc sinh thời Nguyễn Xí được giao giữ nhiều trọng trách; sau khi mất được phong tước Cương Quốc công, Trung Trinh Đại vương. Cả cuộc đời Nguyễn Xí tận hiến cho sự nghiệp chung của đất nước trải 5 đời vua; không những là vị khai quốc công thần khai sáng nhà nước Hậu Lê mà cả những triều đại về sau đều ghi danh công lao to lớn của ông trong quá trình giải phóng dân tộc và sự nghiệp dựng xây đất nước.