Những chính sách đô hộ của nhà Minh
“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!”
(Trích Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)
Vậy là những chính sách của nhà Minh sau khi đánh chiếm nước ta đã không như mong đợi của những kẻ bán nước cầu vinh. Việc đầu tiên mà bọn giặc nhà Minh làm là gọi tất cả tôn thất nhà Trần đến.
“Này, ta nói cho chúng bay biết. Trước đây bọn ta hứa khôi phục nhà Trần chỉ là nói chơi thôi.”
Những kẻ vì danh vọng, lợi ích cá nhân mà quên đi dân tộc mình cứ ngỡ là sẽ được khôi phục ngôi báu và ban chức tước. Ngờ đâu điều mà họ nhận được thật quá cay đắng.
“Hừm!! Vì đất An Nam vốn là đất Giao Châu ngày trước, nay bọn tao đặt lại quận huyện như cũ. Bãi triều…iều… ù ù ù…”
Những hậu duệ nhà Trần giờ đây mới nhận ra bộ mặt giả nhân giả nghĩa của giặc Minh, biết nhà Minh đã lật kèo, còn mình đã bị lừa một vố quá đau. Quá uất ức và hối hận, nhiều người trong số họ đã vớt vát chút danh dự cuối cùng trước khi về với tổ tiên bằng cách… tự vẫn.
Thường thì để khởi đầu một cuộc chiến, dù chính đáng hay bất chính đáng thì người ta cũng sẽ dựng lên một lý do. Lần xâm lược này, ngọn cờ “chính nghĩa” đã được trao tay nhà Minh. Một lý do đường đường chính chính không thể tuyệt vời hơn khi Trần Thiêm Bình – một gia nô nhà Trần, để gây uy tín với “thiên triều” đã mạo xưng hắn là tôn thất nhà Trần – là con của Trần Nghệ Tông, dẫn đại quân “thiên triều” nhà Minh sang đánh giúp “phù Trần diệt Hồ”. Nhưng thật ra thì vào những năm cuối thời Trần, nhà Minh nhận thấy sự suy yếu của vương triều này nên cũng đã bắt đầu dòm ngó nước ta. Nếu chẳng vì Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương cuối đời bận lo thu phục các thế lực nổi loạn cùng với tuổi cao sức yếu thì có lẽ nỗi đau mất nước đã không phải đợi sang tận thời nhà Hồ của cha con Hồ Quý Ly.
Ngày nay chúng ta thường hay nghe loáng thoáng và hiểu mơ hồ rằng đã có rất nhiều tài liệu quý giá cũng như của cải vật chất lẫn tinh thần của dân tộc Việt đã bị tàn phá, hủy hoại nặng nề qua các thời kỳ chiến tranh. Thì đây, chiếu thư của Minh Thành tổ Chu Lệ (Chu Đệ) còn ghi rõ:
“Nhiều lần trẫm đã bảo các ngươi, phàm An Nam có văn tự gì, kể cả câu hát dân gian, các bia dù dựng lên một mảnh, hễ nom thấy là phá hủy hết… Sách vở do binh lính bắt được phải ra lệnh đốt luôn, chớ được lưu lại.”
Thế nên, nào là: Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền của Trần Hưng Đạo; nào là bộ luật Hình thư – Bộ luật đầu tiên của nước Việt do vua Lý Thái Tông ban hành và nhiều tài liệu vô giá khác đã vĩnh viễn ra đi theo vó ngựa quân thù. Ngoài ra, vào những năm cuối vương triều Trần và sau khi nhà Hồ thất thủ năm 1407, giặc Minh đã bắt về xứ họ ba kỳ tài của dân tộc Việt. Ngoài một Hồ Nguyên Trừng tài hoa – cha đẻ súng “Thần cơ Thương Pháo” và thuyền Cổ lâu; còn có Kiến trúc sư Nguyễn An – vị chỉ huy xây dựng khu vực phía Bắc Tử Cấm Thành; trước đó là Danh y Tuệ Tĩnh – bị cống nạp dưới triều Trần năm 1385.
Đê hèn hơn, hàng ngàn thanh niên trai tráng, tài năng nhất (dĩ nhiên có hotgirl nữa) bị bắt hoặc bị thiến cho tiệt nòi dân tộc Việt, và Kỹ sư Nguyễn An kể trên là một người như thế – hoạn quan. Để thỏa mãn lòng tham vô bờ bến, sau khi đánh chiếm Đại Ngu chúng đã vơ vét tất cả những gì có thể. Đó là vô số trâu – bò, thóc – gạo, thuyền – bè, voi – ngựa…
Tranh mô tả cảnh cướp bóc của quân Minh (Ảnh St).
“Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc.”
(Trích Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)
Trong suốt 21 năm đặt ách đô hộ lên nước ta, bọn giặc Minh đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho muôn dân khắp nước Việt bằng những chính sách vô cùng hà khắc và tàn bạo. Trước khi Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn kháng chiến thành công năm 1428, đã có rất nhiều cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổi lên của những chí sĩ yêu nước và của những hậu duệ nhà Trần mà sử sách gọi là nhà Hậu Trần như của Giản Định đế Trần Ngỗi (con Nghệ Tông), Trùng Quang đế Trần Quý Khoáng (tức Trần Quý Khoách) – cháu nội Nghệ Tông. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã tạo được tiếng vang khiến Trương Phụ, Mộc Thạnh nhiều phen khốn đốn phải đem quân hỗ trợ chiếm lại. Nếu chẳng vì trời đêm quá tối không nhận diện được thì có lẽ tướng giặc Trương Phụ đã bỏ mạng trên đất Việt khi tướng quân Đặng Dung đã nhảy lên tới tận thuyền Trương Phụ. Tiếc thay! Lợi dụng đêm tối, trong cơn kinh động hắn đã nhảy sang thuyền nhỏ trốn thoát. Thế nên sau đó bọn chúng đã tàn sát những nghĩa sĩ rất dã man. Chuyện tướng giặc Trương Phụ moi gan tướng quân Nguyễn Cảnh Dị nuốt tươi, móc ruột quấn lên cây hay thết đãi sứ giả Nguyễn Biểu của ta bằng bữa tiệc “cỗ đầu người” sử sách còn ghi rành rành.
Vậy nên: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn. Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” là những việc mà quân cuồng Minh đã gây ra, được Nguyễn Trãi ghi lại hết sức chân thực. Ngay cả đứa trẻ con chưa kịp lọt lòng cũng bị chúng mổ bụng moi ra thì bọn giặc cuồng loạn cũng chẳng chừa một thứ gì; thích thì chúng nướng người dân vô tội để mua vui hay nấu thịt người lấy mỡ thắp đèn cũng là thời kỳ đen tối này.
Hãy nhớ “Tử Cấm Thành – Trung Hoa” được kỹ sư hoạn quan người Việt tên Nguyễn An chỉ huy xây dựng phần phía Bắc, theo đó là hàng ngàn dân phu bị bắt sang lao dịch khổ sai và hàng ngàn người ở lại phải “dòng lưng mò ngọc, đãi cát tìm vàng” để phục vụ cho lòng tham vô bờ bến của bọn quân cuồng bạo Đại Minh này nhé.