Vương triều Trần được hình thành như thế nào?

   Trong quãng thời gian bốn nghìn năm lịch sử của nước Việt Nam ta, có nhiều thời kỳ, triều đại được dựng lên bằng việc các thủ lĩnh tự xưng vương xưng chúa rồi hùng cứ một phương; cũng có triều vì đánh đuổi ngoại xâm đô hộ mà giành được thiên hạ. Hoặc cũng có những triều đại hình thành bằng việc lật đổ và tiếp ngôi của các dòng họ trước, mà tiêu biểu nhất trong việc tranh ngôi đổi họ ấy chính là vương triều Trần, một triều đại đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng dân chúng nước Nam ta về sau.

   Vương triều Trần được chính thức thành lập vào mùa Xuân năm 1225 tại Kinh thành Thăng Long trong bối cảnh vị vua cuối cùng của vương triều Lý là nữ vương Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông – vị vua đầu tiên của vương triều nhà Trần.

   Vào những năm cuối triều nhà Lý, nước Đại Việt rơi vào cảnh suy thoái trầm trọng. Các thế lực trong triều chia năm xẻ bảy đánh giết nhau ngay tại kinh thành; còn bên ngoài thì giặc giã nổi lên khắp nơi, làm cho triều nhà Lý không sao đảm đương nổi đại sự mà phải trông cậy vào một dòng họ có gốc làm nghề chài lưới ở hương Tức Mặc – ấy chính là dòng họ Trần.

Ảnh minh họa.

Vị nam vương cuối cùng của triều nhà Lý là Huệ Tông, khi còn là Thái tử Lý Hạo Sảm; vì giặc giã loạn lạc nên đã chạy lánh nạn và nương nhờ gia tộc họ Trần kể trên che chở cho mình. Nhờ thế lực sẵn có, họ Trần đã bao bọc rồi giúp đỡ Thái tử về lại Thăng Long; bù lại, Thái tử Lý Hạo Sảm cũng cưới Trần Thị Dung – một người con gái có nhan sắc về làm vợ. Về sau, Trần Thị Dung được vua sủng ái phong làm Hoàng hậu; còn người con chung là Phật Kim được vua cha truyền ngôi, trở thành Nữ vương Lý Chiêu Hoàng – người có một nửa dòng máu thuộc về họ Trần.

Khi được vua cha là Lý Huệ Tông nhường ngôi thì Nữ vương Lý Chiêu Hoàng mới vừa bảy tuổi. Tuy trên danh nghĩa lúc này nước Đại Việt là của nhà Lý nhưng thực tế hầu như mọi quyền hành đều rơi vào tay họ Ngoại của vua, tức gia tộc họ Trần. Để chuẩn bị cho một cuộc đổi ngôi, Trần Thủ Độ đem một người cháu tầm độ tuổi vua, tên là Trần Cảnh vào cung, phong làm Chánh thủ phục vụ vua nữ; rồi một năm sau đó, Trần Thủ Độ đã dựng nên một cuộc hôn nhân độc đáo bằng việc ép Nữ vương Lý Chiêu Hoàng và Chánh thủ Trần Cảnh nên duyên vợ chồng khi cả hai chỉ mới vừa tám tuổi. 

Dưới sức ép của họ Trần, mà đại diện tiêu biểu chính là Trần Thủ Độ; mùa Xuân năm 1225, Nữ vương Lý Chiêu Hoàng ngự trên sập báu, trút ngự bào chính thức tuyên bố nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, mở ra một chương mới, một triều đại mới trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Đền thờ và Khu lăng mộ các vua Trần ở Thái Bình.

   Ở góc độ nhân văn thì nhà Trần lên ngôi bằng việc chèn ép vương triều nhà Lý trước đó. Nhưng khi nghĩ về vương triều Trần, thì hầu như dân nước Nam ta đều thể hiện lòng tôn kính, ngưỡng mộ. Xét ở khía cạnh lịch sử, ví như lúc này Trần Thủ Độ không hành động mạnh mẽ, ra tay làm sự thoán đoạt thì liệu có được không? Nước Nam liệu sẽ ra sao khi tình hình nội bộ bất ổn đến rệu rã mà đế chế Mông Cổ mang chủ nghĩa bành trướng đang ngày một lớn mạnh, dần khuất phục các vùng lãnh thổ tiếp giáp biên giới Đại Việt!