Nhìn lại cái chết của Điển Vi trong Tam quốc Diễn nghĩa
Vào những ngày đầu khi Tào Tháo dựng ngọn cờ kêu gọi quần hùng nổi lên tiêu diệt quyền thần Đổng Trác, chấn hưng vương triều Hán quốc… Nếu như Tào Nhân, Tào Hồng, Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên… là những người anh em, họ hàng với Tào Tháo; thì Hứa Chử, Điển Vi… là những mãnh tướng được Tào Tháo chiêu dụ về sau đó ít lâu. Với tài dụng nhân, anh hùng hào kiệt trong thiên hạ quy tụ dưới trướng Tào Tháo kể không làm sao cho xiết nên xin tạm dẫn nêu tên vài nhân vật tiêu biểu như thế. Điều đáng nói ở đây là các mãnh tướng kể trên, ngoài tài năng quân sự thì họ còn có thời gian bền bỉ hàng chục năm phục vụ dưới trướng Tào Tháo, thậm chí đến đời con Tào Tháo rồi mất hoặc nơi sa trường hoặc vì tuổi già… ngoại trừ Điển Vi!
Về sự hy sinh của Điển Vi ngay trong doanh trại quân nhà thì Tào Tháo sau khi hoàn hồn tiếc thương than rằng: “Ta mất một con trưởng và một cháu yêu, cũng không thương là mấy, chỉ thương khóc Ðiển Vi mà thôi”; còn đối với giới mộ điệu thì ấy là một trong những sự hy sinh đáng tiếc nhất trong câu chuyện Tam quốc – đáng tiếc vì anh hùng chưa thỏa chí lớn đã sớm thiệt thân bởi trò thủ đoạn của kẻ tiểu nhân. Đáng tiếc lắm thay! Thế nhưng điều gì đã làm nảy sinh ra trận bạo loạn cướp đi sinh mạng Điển Vi. Phải chăng cũng vì nỗi mưu đồ cát cứ mà dùng vũ lực phân tranh để rồi mỗi bên hùng cứ một phương?
Chuyện xảy ra vào năm 197 khi lực lượng Tào Tháo đang ngày một lớn mạnh. Trên hành trình bành trướng khi ấy, Tào Tháo sắp phải đương đầu với lực lượng của Trương Tú ở Nam Dương. Trương Tú tuy cũng là một tay anh hùng nhưng trước sức mạnh áp đảo bên phía quân Tào thì Trương Tú theo lời mưu sĩ, bèn đem quân đầu hàng Tào Tháo. Vui mừng vì chẳng phải tốn một mũi tên hòn đạn nào mà vẫn thu phục được thế lực Trương Tú, trong mấy ngày liền, Tào Tháo liên tục mở tiệc ăn mừng, khao thưởng quân sĩ đôi bên. Một hôm Tào Tháo đã ngà ngà say, định lên giường đi ngủ thì hỏi tả hữu rằng:
“Trong thành có kỹ nữ không bay?” thì đứa cháu con của anh Tháo tên là Tào An Dân biết ý, liền thì thầm vào tai Tháo bảo rằng:
“Thưa chú, chiều hôm qua, cháu trông thấy ở cạnh quán sá có một người đàn bà, mười phần xinh đẹp. Cháu hỏi ra thì là vợ Trương Tế, thím Trương Tú.”
Tào Tháo nghe cháu nói thế, liền sai An Dân đem năm mươi giáp binh ra đòi vào. Được một lát, binh dẫn vào. Tháo trông ra quả thực xinh đẹp, hỏi họ chi, thì người đàn bà thưa rằng: “Thiếp họ Châu, vốn là vợ Trương Tế.” Từ đó mỗi ngày Tháo cùng họ Châu vui thú, không tưởng gì đến việc khác nữa.
Một hôm có người nhà mật báo rằng Tào Tháo dụ dỗ, ăn nằm cùng Châu Thị bấy lâu. Trương Tú nghe tin đùng đùng nổi giận, nghiến răng bảo rằng: “Thằng giặc Tháo nó làm nhục ta quá!” bèn cùng mưu sĩ tính kế giết Tào Tháo để mà rửa nhục. Chúng liệu rằng muốn giết Tào Tháo thì trước hết phải trừ Điển Vi, người dũng tướng hộ vệ bên cạnh Tào Tháo; mà Điển Vi có sức địch muôn người, cùng đôi thiết kích trong tay thì lợi hại chẳng khác nào hổ mọc thêm cánh. Bấy giờ có Thiên tướng là Hồ Xa Nhi sức đội được năm trăm cân, một ngày đi được bảy trăm dặm cũng là một người tài, lên tiếng rằng:
“Điển Vi chỉ giỏi về đôi thiết kích. Ngày mai chúa công cho mời hắn đến uống rượu, cho uống thực say hãy để về. Bấy giờ tôi sẽ lộn vào đám quân sĩ đi theo hắn, lẻn vào trong phòng, ăn trộm được đôi kích thì không sợ gì nó nữa.”
Đêm hôm ấy, Tào Tháo cùng họ Châu đang mê mải uống rượu ở trong trướng, chợt nghe bên ngoài có tiếng xôn xao cùng tiếng ngựa kêu. Tháo sai người ra coi xem có việc gì thì lính vào báo rằng quân Trương Tú đi tuần đêm. Tháo không nghi ngờ gì nữa. Đến canh hai, lại có tiếng quân reo cùng lửa cháy; được một hồi thì khắp bốn mặt lửa bùng lên. Bấy giờ Tào Tháo mới hoảng sợ, vội vàng sai gọi Điển Vi.
“Điển Vi say rượu đang ngủ, trong mơ màng, chợt nghe tiếng chiêng trống và tiếng người reo hò, giật nẩy mình vùng dậy, sờ đến đôi thiết kích thì không thấy đâu cả.
Ở ngoài thì giặc đã đến cửa. Vi vội vàng giật lấy đao lưng của lính canh, chạy ra, ở ngoài đã thấy vô số quân mã, cầm rặt giáo dài, đánh bừa vào trại.
Vi phải nhất sống nhì chết mà lăn xả vào đám quân ấy, chém giết một lúc chết hơn hai mươi người, quân mã ấy mới lui, lại có quân bộ kéo đến. Hai bên giáo mác tua tủa như ngọn lau, mình Vi không một mảnh giáp, trên dưới bị vài mươi nhát đâm. Vi vẫn cứ lăn xả vào đánh; đao mẻ không dùng được, Vi bỏ đao, hai tay vớ ngay lấy hai người làm khí giới, quăng đập một lúc chết tám chín người. Giặc thấy thế không dám đến gần, chỉ đứng đằng xa bắn tên lại. Tên bắn như mưa, Điển Vi vẫn liều chết giữ cửa trại, nhưng quân giặc đã kéo được vào cửa sau, Điển Vi lại bị một mũi giáo đâm trúng giữa lưng. Vi kêu to một tiếng, máu chảy đầy đất rồi chết. Hắn chết được nửa giờ rồi mà vẫn không ai dám đi qua cửa trước.”
Nói về tính cách của Tào Tháo thì người đời sẽ thường nghĩ ngay đến sự đa nghi kinh điển được thể hiện qua câu nói: “Ta thà phụ người chớ để người trong thiên hạ phụ ta”. Thế nhưng Tào Tháo còn có một sở thích khác thường nữa mà dù ít được thể hiện nhưng lại thường bày ra vào những hồi nổi bật nhất – ấy chính là sở thích đoạt vợ người khác. Và sự việc người dũng tướng hầu cận Tào Tháo là Điển Vi phải lăn xả rồi chết thảm trong đám loạn quân cũng có nguyên nhân xuất phát từ một lần trà dư tửu hậu như thế của Tào Tháo.