Lệnh Minh – Bàng Đức (Phần 2)

Xem lại Phần 1 Tại đây.

Lệnh-minh Bàng-đức đang sắp sửa tiến quân thì có người tâu Tào Tháo không nên cho Bàng Đức làm tiên phong vì Bàng Nhu là anh Bàng Đức cùng Mã Siêu là chủ cũ của Đức cũng đã về phe Thục. Bàng Đức khẳng khái nói rằng vì mâu thuẫn nên đã giết chị dâu thì tình huynh đệ cũng không còn nữa; Mã Siêu thì một mình tự ý bỏ đi, giờ thì ai thờ chủ nấy. Nói rồi dập đầu van xin Tào Tháo cho được làm tiên phong. Để thể hiện lòng trung thành cùng sự quyết tâm, Bàng Đức sai lính đem theo một cỗ quan tài cùng bộ đồ quan mà thề rằng “Ta nay cố chết đánh nhau với Quan Vũ. Nếu ta bị Quan Vũ giết chết thì chúng bay bỏ thây ta vào đây; nhược bằng ta giết được Quan Vũ thì ta cũng lấy đầu y bỏ vào áo quan này đem về nộp Ngụy Vương.” Nói rồi hăng hái kéo quân ra đi.

Bàng Đức ra đến Phàn Thành rồi dẫn quân sang trại địch khua chiêng thúc trống, diễu võ dương oai thách đánh nhưng Quan Công khinh Đức vô danh bèn sai Quan Bình ra đánh. Hai tướng đánh nhau độ ba mươi hiệp chưa phân thắng bại nên phải tạm nghỉ. Quan Công nghe vậy tức tối, liền vác đao tế ngựa ra mắng Đức thậm tệ. Bàng Đức cũng cương lại, sai lính khiêng quan tài ra thị uy rồi lập tức hùng hổ xô vào nhau đánh chém. Hai bên giao chiến hơn trăm hiệp mà tinh thần vẫn còn hăng hái bất phân thắng bại. Quan Bình ngại sức cha đã già, còn bên Ngụy thì lo Bàng Đức núng thế nên cả hai bên cùng khua chiêng thu quân. 

Quan Công về trại tấm tắc ngợi khen “Bàng Đức sử dụng đao giỏi lắm, thực là đối thủ với ta”. Nói rồi nóng lòng đợi sang ngày mai tái chiến. Hôm sau, hai tướng tiếp tục đánh nhau hơn năm mươi hiệp nữa thì Bàng Đức bỏ chạy. Quan Vân-trường biết là mẹo đà đao nhưng vẫn hăng đuổi. Bất thình lình Đức lắp tên giương cung bắn tách một phát. Vân Trường dù kịp thời lách mình né đường bay nhưng vẫn bị mũi tên găm vào vai trái. Bàng Đức tính quay ngựa lại bắt thì từ xa Vu Cấm sợ Đức lập công to nên khua chiêng thu quân không cho truy kích; ngay lúc ấy Quan Bình cũng kịp thời cứu cha về trại.

Quan Vân-trường giao chiến hai trận liền mà vẫn chưa bắt được; nay lại trúng phải tên nên càng căm giận Bàng Đức. Trong lúc Vân Trường dưỡng thương hơn mười ngày liền thì Bàng Đức nóng lòng muốn kéo quân sang đánh một trận lớn nhưng Vu Cấm lại sợ Bàng Đức lập công nên cứ nói thác đi, không cho đánh mà sai chia quân ra các nơi đóng giữ.

Một hôm có tên lính chạy vào bẩm báo tình hình quân Ngụy. Lúc này vết thương cũng đã lành hẳn nên Quan Công cùng mấy tên lính cưỡi ngựa ra đứng trên gò cao nhìn sang hướng trại giặc quan sát. Bấy giờ đang bắt đầu mùa mưa, nước sông Tương chảy xiết lắm; còn quân Ngụy đóng ở Phàn Thành thì cờ cắm xiêu quẹo, hàng ngũ lộn xộn trông ra vẻ trễ nải. Vậy là Quan Công bèn nghĩ ra một kế phá giặc.

Minh họa Bàng Đức trong trận Phàn Thành.
Minh họa Bàng Đức trong trận Phàn Thành (Ảnh: Wikipedia).

Một đêm nọ, Bàng Đức đang ngồi trong trướng lo lắng chỉ mong trời chóng sáng để kịp dời trại lên chỗ cao do mấy ngày liền trời mưa không ngớt; chợt bỗng bốn phía có tiếng hò reo trống thúc rồi nước từ đâu đổ ập xuống nhấn chìm bảy đạo quân Tào như cua như cá. Vu Cấm bị nước lũ bao vây, thế cô sức yếu nên nhanh chóng chịu hàng; còn Bàng Đức cùng vài trăm tên lính dìu dắt nhau lên gò cao chống chọi tới sáng thì trông đằng xa thấy một chiếc thuyền to từ từ tiến đến, trên thuyền có một người mặt đỏ râu dài đích thị Quan Vũ. Quan Vân-trường giận dữ mắng Bàng Đức “Ta đắp đê khơi dòng Tương Giang dìm lũ chúng bay. Vu Cấm đã bị ta bắt, còn ngươi sao không sớm đầu hàng”. Bàng Đức không lộ chút sợ hãi xông ra kháng cự dù trên người chẳng có một manh áo giáp. Quan Công sai bao vây rồi bắn tên tua tủa; quân Tào không sao chống nổi đành đứng chịu trận, lĩnh tên gục ngã như rơm như rạ. Bấy giờ có hai tên bộ tướng là Đồng Hành và Đổng Siêu thấy tình thế quá bi đát nên khuyên Bàng Đức buông khí giới đầu hàng; Đức nổi giận chém ngay hai người ấy rồi tiếp tục kháng cự cho đến trưa. Bấy giờ Quan Vân-trường thúc quân bắn tên đánh thật rát, Lệnh-minh Bàng-đức ngoảnh mặt nói với người tâm phúc “Đã gọi là dũng tướng thì không sợ chết, đã gọi là tráng sĩ thì không nên hủy cái danh tiết mình mà cầu lấy sống. Ngày hôm nay là ngày ta chết đây”. Nói rồi nhất tề xông ra thì bị quân Kinh Châu của Quan Công bắn tên xối xả. Rồi một chiếc thuyền nhỏ lao lại gần bờ toan bắt Bàng Đức thì Đức bỗng cắp đao nhảy chồm lên thuyền chém một lúc hơn mười người, cướp thuyền một tay giữ đao một tay chèo nhanh về phía Phàn Thành. Bỗng có một chiếc bè to theo dòng xuôi xuống làm cho thuyền của Đức chao nghiêng rồi lật úp. Tướng ấy bắt được Bàng Đức đem lên, thì ra Châu Thương. Nguyên Châu Thương ở Kinh Châu mấy năm, thạo nghề lội nước mà lại có sức khỏe cho nên mới bắt nổi được Bàng Đức.

Lệnh-minh Bàng-đức bị quân Kinh Châu bắt giải về trại thì đứng sững không chịu quỳ. Quan Vân-trường hỏi “Anh mày hiện đang ở Hán Trung, chủ cũ mày là Mã Siêu thì đang làm đại tướng ở Thục, làm sao mày không hàng cho sớm?” Bàng Đức quát lại rằng “Ta thà chịu chết, chớ không khi nào chịu hàng mày!” Quan Công giận lắm, quát đao phủ lôi ra chém. Đức mắng chửi om sòm rồi vươn cổ chịu chết. Quan Công thương hại, sai người đem thi hài Lệnh-minh Bàng-đức chôn cất tử tế; Vu Cấm chịu hàng nên sai lính giải về giam ở Kinh Châu. Rồi nhân lúc nước còn mông mênh, quân Tào đang nguy khốn, lập tức cùng các tướng kéo thuyền sang Phàn Thành đánh bắt cho kỳ được Tào Nhân.

Hết.