Hổ dại Hứa Chử
Hứa Chử (? – 230) tự là Trọng Khang, được miêu tả là mình cao tám thước, lưng to mười bản, tay cầm đại đao, là công thần khai quốc nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa thì ông là một trong số ít người đấu tay đôi với chiến thần Lữ Bố mà không phải mất mạng. Vì thế Hứa Chử được coi là võ tướng mạnh nhất của Tào Ngụy trên chiến trường Tam Quốc khốc liệt.
Theo các sử gia Trung Hoa thì tác giả bộ tiểu thuyết “Tam quốc Diễn nghĩa” La Quán Trung đã dành nhiều sự ưu ái cho nhà Thục Hán của Lưu Bị mà “dìm hàng” nhà Tào Ngụy của Tào Tháo thành ra Hứa Chử không lấy lòng quốc dân bằng bộ ba Quan-Trương-Triệu.
Vào cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, tình trạng cướp bóc nổi lên khắp nơi, Hứa Chử không thể sống một cách bình yên. Ông cùng họ hàng và người dân địa phương đứng lên chống giặc cướp. Nhờ sức mạnh hơn người mà Hứa Chử đánh đẹp hết các đợt tấn công của quân giặc, bảo vệ dân làng trước cảnh loạn lạc.
Một ngày nọ, Điển Vi (tướng mạnh nhất của Tào Tháo lúc bấy giờ) chạy về cấp báo:
“Báo Chủ công, trên đường truy quét giặc Khăn Vàng, tôi đụng độ với một tráng sỹ, đánh nhau từ trưa tới chiều, hai ngựa đều mỏi mà chưa phân thắng bại. Chắc không phải dạng vừa….”
Tào Tháo nghe chuyện thất kinh, vội vàng dẫn các tướng lại xem. Tháo trông thấy người ấy uy phong lẫm liệt, trong bụng mừng thầm, căn dặn Điển Vi tìm cách bắt sống rồi chiêu dụ quy hàng.
Hứa Chử sẵn mang ước nguyện tìm một “chúa công” cho dân làng mình trước cảnh loạn lạc nên đồng ý về đội Tào Tháo. Ông về dẫn cả họ hàng vài trăm người ra hàng Tào Tháo. Trong “Sơ yếu lý lịch” gởi Tào Tháo, Hứa Chử nói:
“Tôi là người ở Tiêu Huyện, nước Tiêu, họ Hứa tên Chử, tự là Trọng Khang. Nguyên trước gặp buổi loạn lạc, tụ cả tôn tộc vài trăm người, đắp một cái lũy ở trong thung lũng này để chống cự. Một bữa có giặc đến, tôi sai người nhà lấy đá vụn để sẵn, rồi tôi cầm đá ném ra, chẳng sai hòn nào. Giặc thấy vậy phải chịu lui. Lại một hôm nữa giặc đến, trong thung lũng tôi không có lương, phải hòa với giặc, xin đem trâu cày đổi cho nó, để lấy gạo. Lúc gạo giặc đã đưa đến rồi, giặc dắt trâu ra ngoài cửa thung lũng thì trâu đều chạy ngược trở lại, tôi lấy tay nắm lấy hai đuôi trâu kéo lại đi giật lùi được hơn một trăm bước. Giặc thấy thế đều thất kinh, không dám lấy trâu nữa. Bởi thế tôi mới giữ được ở đây yên ổn, không việc gì”
Trong Tam quốc Diễn Nghĩa hồi thứ 59 La Quán Trung tả cảnh “Hứa Chử cởi trần đánh Mã Siêu”:
“Hứa Chử khiêu chiến với Mã Siêu rồi lao vào tỷ thí đầy căng thẳng. Siêu cầm giáo, Chử cầm đao đánh nhau hơn trăm hiệp, đến khi ngựa chùn chân lại vào thay ngựa đánh gần 200 hiệp vẫn bất phân thắng bại.
Hứa Chử nổi điên chạy về cởi áo giáp và mũ, vác đao tế ngựa, quay lại quyết chiến. Hứa Chử ráng sức bổ đao xuống đầu Mã Siêu. Siêu tránh được toan đâm giáo vào bụng Hứa Chử, thì bị Chử túm được giáo bẻ làm đôi mỗi bên một nửa.
Tào Tháo khi đó đã cho 2 tướng ra tiếp ứng, bên Mã Siêu cũng ra tiếp chiến. Cuộc đấu giữa Mã Siêu và Hứa Chử do vậy kết thúc dù hai bên chưa phân thắng bại. Mã Siêu sau trận nói với Hàn Toại: “Tôi chưa thấy ai đánh nhau dữ dội như Hứa Chử, quả là “Hổ dại”. ”
Trích đoạn Hứa Chử cởi trần đấu Mã Siêu trong phim
Năm 220, Tào Tháo bệnh mất, Hứa Chử theo phục vụ con trai Tào Tháo là Tào Phi rồi đến Tào Tuấn.
Hứa Chử mất năm 230. Ông hoạt động trong khoảng gần 40 năm, được đặt tên thụy là Tráng hầu. Ông được nhớ đến như là công thần khai quốc của nhà Tào Ngụy, là tướng hộ vệ luôn theo sát bên cạnh Tào Tháo. Hứa Chử nổi danh với sự trung thành, tận tụy, không ngại hiểm nguy và sức khỏe phi thường.