Thân tại Tào doanh, tâm tại Hán

   Thời Tam quốc là một giai đoạn lịch sử nổi bật bên nước Trung Hoa. Thời kỳ này xuất hiện nhiều nhân vật tài năng xuất chúng trên nhiều lĩnh vực, cùng những trận chiến kinh điển lưu danh sử sách nghìn năm. Theo đó không ít nhân vật, câu chuyện được người đời sau vì yêu mến hoặc ganh ghét mà tô điểm thêm để rồi trở thành những nhân vật mang tính biểu tượng, những hình ảnh câu chuyện mang tầm điển tích… Và sự kiện danh tướng Quan Vũ bị quân Tào Tháo đánh bắt được, rồi sau đó đem về dỗ dành hòng mua chuộc tấm lòng Quan tướng quân, là một câu chuyện điển hình về lòng trung nghĩa, được người đời sau ca ngợi qua câu nói “Thân tại Tào doanh, tâm tại Hán”. Vậy bối cảnh và ý nghĩa của điển tích này ra làm sao, chúng ta cùng xem tiếp nhé.

Quan Vân Trường (minh họa)
Quan Vân Trường (minh họa).

Câu nói “Thân tại Tào doanh, tâm tại Hán” gồm hai vế đối lập:

  • Tào doanh: tức là Doanh trại quân đội Tào Tháo (quân Ngụy).
  • Hán: phe Lưu Bị – lực lượng tôn phò nhà Hán. Xét rộng ra thì Hán tức là vương triều nhà Hán đương thời.

Vậy “Tào doanh”“Hán” là hai lực lượng đối lập mâu thuẫn lẫn nhau.

Thân tại Tào doanh, tâm tại Hán.
Thân tại Tào doanh, tâm tại Hán.

Câu chuyện xảy ra ở thời kỳ đầu thời Tam quốc khi lực lượng của ba anh em Lưu – Quan – Trương bị quân Tào Tháo đánh tan tác, mỗi người chạy đi một hướng. Riêng phía đội quân Quan Vũ do được giao bảo vệ gia quyến của Lưu Huyền Đức nên Quan công mất sự cơ động, chỉ lo cố thủ để giữ gìn. Trước sự lấn át về lực lượng, Quan Vũ toan tự sát chứ nhất định không chịu đầu hàng quân Tào. Sớm biết Quan công vốn trung nghĩa chẳng chịu đầu hàng, nên phía Tào Tháo cử dũng tướng Trương Liêu là đồng hương bằng hữu Quan Vũ khi xưa làm thuyết khách dụ hàng. Để thuyết dụ Quan Vũ, một mưu sĩ phía Tào Tháo dâng kế bày Trương Liêu khi gặp Quan Vũ thì thuyết ba điều. Nội dung các thuyết ấy kể rõ cho Quan Vũ thấy sứ mệnh của bản thân, khiến ông không thể tự sát mà buộc phải tạm thời đầu hàng phe Tào Tháo. Kế ấy quả nhiên hiệu nghiệm nhưng Quan công cũng đề ra ba điều ước, bắt phe Tào phải chấp nhận thì mới thỏa mãn. Ba điều ấy như sau:

  • Một là: Ta đã cùng Hoàng thúc xin thề cùng nhau giúp nhà Hán; thì nay ta chỉ hàng vua nhà Hán, không hàng Tào Tháo.
  • Hai là: Hai chị dâu ta phải được cấp dưỡng theo bổng lộc của Hoàng thúc, nhất thiết người ngoài không ai được đến cửa.
  • Ba là: Hễ ta nghe thấy Hoàng thúc ở đâu; không quản trăm dặm nghìn dặm, lập tức ta cáo từ rồi đi theo. Ba điều ấy nếu thiếu một điều ta nhất định không hàng.

Bấy giờ không ai biết Hoàng thúc (Lưu Bị) đang ở đâu, sống chết ra làm sao. Nên Tào Tháo cũng đành ưng thuận, hy vọng thời gian rồi cũng làm Quan công nguôi ngoai nỗi nhớ Lưu Bị. Tận dụng thời gian này, Tào Tháo hết lòng ưu ái Quan Vũ, nhằm muốn thể hiện cho Quan Vũ thấy Tào Tháo đối đãi tốt hơn Lưu Bị bằng những lợi ích vật chất như:

– Ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày làm một tiệc to.

– Tặng con chiến mã Xích thố thu được khi đánh bại Lã Bố.

– Phong tước Hán thọ Đình hầu.

– Cùng nhiều vật phẩm và mỹ nữ khác. Nhưng Quan công nhận rất hạn chế, còn mỹ nữ thì gửi sang hầu hạ hai phu nhân của Lưu Hoàng thúc.

Một ngày kia Quan công dò được tin Hoàng thúc còn sống và quyết chí ra đi tìm huynh trưởng. Tào Tháo nhận ra không thể mua chuộc Quan công, nhưng Tháo cũng không tạo điều kiện thuận lợi để Quan công đi. Cho nên hồi sau đó có chuyện “Quan công qua năm ải chém sáu tướng” do những người này ngăn cản, không cho Quan Vũ thông quan để đi tìm Lưu Bị!

   Như vậy, “Thân tại Tào doanh, tâm tại Hán” kể câu chuyện trung nghĩa mà Quan Vũ là nhân vật trung tâm. Bên cạnh đó, Tào Tháo là người ra sức thuyết dụ bằng vật chất , vinh hoa… nhưng đều bị khước từ bởi vì trong tâm Quan Vũ chỉ có một mình nhà Hán mà thôi. Câu nói điển tích ấy cũng có thể mở rộng ra thành: Thân tại Tào doanh, tâm tại Hán. Ngọc vàng không mua nổi nghĩa nhân.