Đa nghi như Tào Tháo

     Tam quốc Diễn nghĩa là một bộ tiểu thuyết nổi tiếng kể về giai đoạn lịch sử chiến tranh đầy ác liệt giữa các thế lực bên nước Trung Hoa vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên. Theo đó, những nhân vật kinh điển, những câu chuyện kinh điển của thời kỳ này đã để lại cho hậu thế những câu chuyện, bài học sâu sắc thậm chí tạo nên những thành ngữ trong dân gian. Chẳng hạn để nói về một việc gì đó lằng nhằng, dài dòng thì người ta bảo là “vòng vo tam quốc”; hay như người nóng tính thì được so sánh là “nóng như Trương Phi”; “đa mưu như Gia Cát Lượng”… Trong khi tính cách của Trương Phi, của Gia Cát Lượng… được tác giả khắc họa bằng những chi tiết hình ảnh, sự việc đầy chân thực xuyên suốt câu chuyện thì còn có một nhân vật đa sắc khác cũng đã in sâu vào tiềm thức trong dân gian với câu thành ngữ “đa nghi như Tào Tháo”. Vậy thì sự đa nghi của Tào Tháo được thể hiện như thế nào, đã diễn ra làm sao mà đến nay còn được người đời nhắc mãi?

   Nhắc đến Tào Tháo thì người đời sau thường cho rằng ông là một kẻ “gian hùng”. Điều đó có nghĩa rằng Tào Tháo là con người vừa gian trá, xảo quyệt nhưng cũng đồng thời là một tay anh hùng. Thật vậy! Bởi trước khi trở thành con người “bất chính” thì Tào Tháo vốn là một tay anh hùng, dám làm cái việc mà ít người trong thiên hạ dám làm, đó chính là việc ra tay ám sát quyền thần Đổng Trác – kẻ đang thao túng triều đình nhà Hán và gieo bao đau thương xuống đời sống xã hội lúc bấy giờ. Ngay cả lần xuất hiện đầu tiên của nhân vật Tào Tháo trong bộ tiểu thuyết cũng là một hành động anh hùng – ấy chính là chặn đánh và truy đuổi giặc Khăn Vàng:

“Đương chạy (giặc Khăn Vàng), bỗng gặp một toán binh mã, toàn thị cầm cờ đỏ, ở đâu đến chận ngang đường. Toán binh ấy đầu có một tướng, mình cao bảy thước, mắt nhỏ râu dài (Tào Tháo).”

Thế nên Hứa Thiện – một người có tiếng ở đất Nhữ Nam khi được Tào Tháo hỏi kế đã tiên định rằng “Đời thái bình thì anh là người bầy tôi hay, mà đời loạn thì anh là một đứa gian hùng!”

     Tào Tháo (155 – 220) tự Mạnh Đức, tiểu tự là A Man vốn thuộc dòng dõi Tướng quốc nhà Hán. Do ông cha có công phục vụ nhà Hán trải nhiều đời vua nên đến thời Hán Linh đế, Tào Tháo được giữ chức Kiêu kỵ Hiệu úy trong triều. Lúc bấy giờ quyền thần Đổng Trác tác oai tác quái, chẳng việc gì mà y không dám làm kể cả việc bức tử vua, Đường phi và Hà Thái hậu. Nhiều bậc đại thần tận trung nhà Hán đau xót trước cảnh đất nước bị gian thần làm hại; lòng đầy căm phẫn nhưng cũng chưa biết cách làm sao vì thế lực Đổng Trác lớn lắm, bên cạnh lại có dũng tướng Lã Bố hộ vệ nên rất khó tiếp cận. Một hôm, quan Tư đồ Vương Doãn bí mật triệu tập bá quan tìm cách diệt trừ Đổng Trác thì Tào Tháo dâng kế nguyện làm thích khách bởi Tào Tháo là tay chân thân tín của Đổng Trác, được Trác tin dùng nên dễ dàng ra vào nơi cung cấm. Thế là quan Tư đồ Vương Doãn gửi gắm nỗi niềm nơi Tào Tháo, bèn trao cho Tháo con dao thất bảo gia truyền “chém sắt như chém bùn” cùng hy vọng chấn hưng Hán quốc. Mặc dù sự việc hành thích Đổng Trác về sau thất bại nhưng hành động ấy đã đưa tên tuổi Tào Tháo lên một tầm vóc mới và là động thái khiến anh hùng hào kiệt khắp nơi sôi nổi đứng lên chống đối quyền thần Đổng Trác. 

Tạo hình Tào Tháo ám sát Đổng Trác trên màn ảnh nhỏ.

     Vừa lúc Tào Tháo rút dao thất bảo chực đâm thì bỗng dưng Đổng Trác giật mình tỉnh giấc. Nếu chẳng nhờ nhanh trí lừa được Đổng tặc thì chắc hẳn cuộc đời Tào Tháo đã chấm hết dưới ngọn kích Lữ Bố; và cũng sẽ chẳng có câu chuyện bi tráng ở lầu Bạch Môn, nơi Lữ Bố tuyệt mệnh bởi chính Tào Tháo ở những hồi sau…

     Lừa được cả Đổng Trác cùng Lữ Bố, Tào Tháo vội vã lẻn ra ngoại thành cắm đầu cắm cổ chạy trốn, thoát sự truy kích. Trên đường hướng về quê cũ, sau bao đêm ngày vất vả, cuối cùng Tào Tháo cũng đến được nhà Lã Bá Sa – bá phụ của Tháo. Ông lão rưng rưng mừng rỡ vì lâu ngày không thấy tăm hơi; lại vì hay tin Tháo đang bị triều đình truy nã gắt gao chưa biết sống chết ra sao, nay bỗng nhiên về lại dưới mái nhà thì có niềm hân hoan nào bằng… Thế là như để bù đắp cho quãng ngày cơ cực đói khát của Tháo cũng như để đền ơn cứu mạng của vị quan Tri huyện Trần Cung đã có công che chở Tào Tháo trên đường trốn chạy; Lã Bá Sa liền sai người nhà chuẩn bị đồ ăn thức uống thật chỉnh tề, chu đáo, còn mình thì lộc cộc cưỡi con lừa già qua làng bên mua rượu thật ngon thết đãi Tào Tháo cùng Trần Cung bất chấp những hiểm nguy nơi vắng vẻ khi bấy giờ màn đêm cũng đã dần buông xuống. Trong cơn lơ mơ của giấc ngủ chập chờn, bỗng Tào Tháo nghe có tiếng mài dao sột soạt cùng lời bàn tán xì xào phía đằng sau. Vốn là phạm nhân đang bị triều đình truy nã gắt gao và trọng thưởng rất hậu cho những ai bắt được Tào Tháo nên Tháo vô cùng cảnh giác; Tháo bỗng giật mình, khẽ lay Trần Cung. Trong tiếng mài dao vẫn còn văng vẳng, bỗng có tiếng ai đó thì thầm bảo nhau “trói lại rồi giết”. Ôi thôi! Tóc tai Tào Tháo rợn lên dựng hết cả dậy. Thế là không còn nghi ngờ gì nữa, Tháo cùng Trần Cung mang gươm tìm ra sau nhà điên cuồng giết hại chẳng chừa một ai. Đến khi hai người lần mò phát hiện ra một con lợn đang bị trói chổng vó trong chuồng chờ chọc tiết thì họ mới chợt bừng tỉnh nhận ra rằng mình đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Sự việc đã lỡ, bây giờ hối hận cũng đã muộn màng, Tào Tháo cùng Trần Cung chỉ còn biết nhanh chóng phóng ngựa rời đi. Đi được độ hai dặm đường thì đằng xa có tiếng lốc cốc vọng về trong đêm trăng mờ ảo. Thì ra là âm thanh va vào nhau từ hai chiếc bình rượu treo trên cổ con lừa được Lã Bá Sa đem về cứ vang đều theo từng nhịp chân chậm rãi. 

– “Hiền điệt với sứ quân sao lại ra đi?” – Lã Bá Sa ngỡ ngàng hỏi Tháo cùng Trần Cung. Tào Tháo bảo rằng:

– “Tôi là người có tội, không dám ở lâu”.

– “Ta đã dặn người nhà làm thịt con lợn rồi. Sứ quân với hiền điệt ngại gì một đêm. Xin quay ngựa lại cho.”

     Bấy giờ Tào Tháo thầm nghĩ mình đã lỡ lầm ra tay sát hại cả nhà Lã Bá Sa rồi, nếu bây giờ để ông cụ về thấy cảnh tượng thương tâm thì làm sao cầm lòng cho được, rồi có khi lại đi báo quan tố cáo mình. Thế là Tào Tháo lại lừa ông lão:

– “Ai theo sau bá phụ thế?” – Tào Tháo giả vờ hỏi.

Lã Bá Sa bèn ngoảnh đầu đưa mắt nhìn về phía sau thì Tháo liền rút gươm chém ngay ông lão lăn xuống đất, chết.

     Thương thay cho quan Tri huyện Trần Cung, trước đây vì ngưỡng mộ khí chất khẳng khái trượng phu mà bao che Tào Tháo, rồi rũ áo bỏ mũ từ quan nguyện cùng Tháo dựng nên nghiệp lớn, ấy là lật đổ quyền thần, tận trung báo quốc. Thế nhưng sau khi chứng kiến cảnh Tào Tháo ra tay tàn sát cả nhà bá phụ, Trần Cung không khỏi bàng hoàng, thảng thốt than rằng:

– “Mạnh Đức ơi! Ta đa nghi quá. Giết hại người tử tế rồi.”  

Lúc này Tào Tháo phân bua rằng: “Ta thà phụ người chứ không để người trong thiên hạ phụ ta…”

     Nói về sự đa nghi của Tào Tháo thì quả không khó để dẫn dụ thêm nhiều câu chuyện minh chứng thuyết phục khác trong bộ tiểu thuyết “Tam quốc Diễn nghĩa” của La Quán Trung. Thế nhưng câu chuyện đầy cảm động về việc sát hại cả nhà Lã Bá Sa cùng câu nói bất hủ “Ta thà phụ người, không để người phụ ta” cũng đủ kinh điển để minh chứng cho câu thành ngữ đã in sâu vào tiềm thức trong dân gian “Đa nghi như Tào Tháo.”