Thường Sơn Triệu Tử Long – Phần 1: Anh hùng lộ diện
Mỗi khi nhắc đến hình ảnh nhân vật Lưu Bị, sẽ không ít người dễ dàng nghĩ ngay đến hình ảnh của những nhân vật xung quanh ông. Đó là một Trương Phi nóng nảy, dữ tợn; một Quan Vũ võ nghệ tuyệt luân đến mức có phần kiêu ngạo. Thế nhưng có một vị mãnh tướng dù tầm ảnh hưởng và hình ảnh được khắc họa không được rõ nét như nhị vị Quan – Trương nhưng ông lại là người chiến đấu hết sức cẩn trọng và bền bỉ. Nếu như cả Quan Vũ lẫn Trương Phi đều phải chết tức tưởi trước cả “người anh lớn” Lưu Bị khi mà cuộc chiến vẫn còn dang dở thì ông – Triệu Tử Long vẫn miệt mài chinh chiến từ những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa và chỉ chịu khuất phục bởi mệnh trời lúc tuổi cao sức yếu rồi mất ở thời Lưu Thiện – con trai Lưu Bị. Thế nên có thể nói rằng Thường Sơn Triệu Tử Long là mãnh tướng chiến đấu bền bỉ nhất không chỉ riêng ở thời Lưu Bị mà của cả thời đại nhà Thục Hán nói chung – nhà nước do Lưu Bị sáng lập nên ở thời kỳ Tam Quốc bên nước Trung Hoa.
Những đọc giả mến mộ bộ tiểu thuyết Tam quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung thì có lẽ ít nhiều cũng đã từng nghe danh “Ngũ hổ tướng” của phe Lưu Bị. Dù còn nhiều tranh cãi về trình độ võ nghệ cũng như thứ bậc của các vị “hổ tướng”, thế nhưng có một điều chắc chắn rằng người đầu tiên về với Lưu Bị sau Quan Vũ, Trương Phi đó chính là Triệu Vân.
Ở Hồi thứ Bảy của bộ tiểu thuyết, sau khi liên minh gồm mười tám lộ chư hầu tan rã vì không tìm được tiếng nói chung trong công cuộc diệt trừ “Quốc tặc” Đổng Trác. Một hôm, phe Viên Thiệu cạn lương nên bèn lập mưu cùng Công Tôn Toản hợp sức đánh chiếm Ký Châu – một vùng đất giàu có, lắm lương. Quan mục Ký Châu là Hàn Phức nghe tin Công Tôn Toản đem quân nước Yên, nước Đại kéo đến đông lắm; lại có thêm ba anh em Lưu Huyền Đức giúp sức nên lo lắng biết không thể nào địch nổi, liền sai người mời Viên Thiệu tiếp quản Ký Châu. Vậy là Viên Thiệu không cần phải đánh mà được Ký Châu, còn Công Tôn Toản biết mình đã bị Viên Thiệu lừa nên sai em là Công Tôn Việt đến nơi Thiệu, giục Thiệu phải chia đất như lời giao ước ban đầu. Viên Thiệu không những không cắt đất mà còn trở quẻ sai người giả dạng, mật phục giết luôn em của Toản. Từ đó hai phe từng là đồng minh, giờ đây quay mũi giáo kịch liệt chống nhau.
Công Tôn Toản hay tin em mình bị Viên Thiệu bày mưu ám hại, đùng đùng nổi giận liền đem hết cả quân bản hậu kéo sang Ký Châu. Viên Thiệu thấy Công Tôn Toản kéo quân đến cũng liền dẫn quân ra; hai bên mắng nhiếc lẫn nhau. Toản mắng Viên Thiệu là “Thằng bội nghĩa! Trước đây ta nghĩ ngươi là con nhà dòng dõi Tam Công nên mới bầu làm Minh chủ. Ngờ đâu bây giờ mới biết chẳng qua ngươi cũng chỉ là loài sài lang.” Thiệu nghe thế giận lắm, bèn thét lớn “Ai vào lôi cổ nó ra đây cho ta!”
Thiệu nói chưa dứt lời thì Văn Xú vác giáo, thúc ngựa đuổi Toản phải lui vào giữa trận, Xú tung ngọn giáo tả xung hữu đột như vào chỗ không người. Lúc ấy trong quân của Toản có bốn tướng giỏi, liền kéo ùa cả ra đánh nhau với Văn Xú. Xú đâm trúng một người ngã ngựa, còn ba người kia đều bỏ chạy tán loạn. Sẵn thế, Văn Xú rượt đuổi Công Tôn Toản chạy dài ra đằng sau trận. Toản chợt trông thấy một cái hẻm núi, toan chạy vào đó trốn thì Văn Xú thúc ngựa đuổi rát khiến Toản hồn siêu phách lạc, cung tên rơi lả tả, cái mũ trên đầu cũng rơi xuống đất, đầu tóc tả tơi cứ thế mà phi ngựa chạy quanh rặng núi. Chạy được một hồi, chẳng may ngựa của Toản đuối sức hai chân vấp vào nhau ngã quỵ khiến Toản cũng ngã lăn quay xuống bờ núi. Trong tích tắc, Văn Xú hăm hở vác ngọn giáo sấn tới đâm. Bỗng đâu từ phía sau hòn đá cao, một thanh niên dáng vẻ tuấn kiệt vác ngọn giáo phi ngựa ra chực đâm Văn Xú…
Công Tôn Toản hoàn hồn lẻn trèo lên sườn núi đứng trông, xem chừng chàng thanh niên ấy mình cao tám thước, mày rậm mắt to, mặt rộng má bầu, uy phong lẫm liệt. Hai người thúc ngựa đâm giáo quần nhau năm, sáu mươi hiệp mà chưa rõ bên nào thua bên nào được. Hai bên còn đang đánh hăng thì quân cứu viện của Toản kéo đến khiến Văn Xú phải quay ngựa bỏ chạy, chàng thanh niên toan giục ngựa truy kích thì Công Tôn Toản gọi lại để tạ ơn…
Tôn Toản mừng rỡ chạy đến, vội vàng xuống ngựa cảm tạ, hỏi rõ họ tên người anh hùng. Vị tướng trẻ chấp hai tay vái một vái thưa:
“Tôi là người ở Chân Định, xứ Thường Sơn, họ Triệu tên Vân, tự là Tử Long. Nguyên tôi là người ở địa hạt của Viên Thiệu, nhân thấy Thiệu không có bụng trung vua cứu dân nên tôi bỏ xứ ấy đến đây theo ngài. Không ngờ lại gặp ngài ở chỗ này!”
Như vậy, nhờ sự xuất hiện kịp thời như thần của Triệu Vân mà Công Tôn Toản thoát được mũi giáo của mãnh tướng Văn Xú trong gang tấc. Vậy thì sau phen chết hụt, liệu Thái thú Bắc Bình Công Tôn Toản với binh hùng tướng mạnh, có dám đánh nhau một trận nữa với Viên Thiệu; và vì sao người đời thường chỉ nhớ đến Thường Sơn Triệu Tử Long như là một viên mãnh tướng dưới trướng Lưu Bị…?
Hết phần Một. Xin mời xem tiếp phần sau!