Lữ Bố có thực Hữu dũng Vô mưu?
Lữ Bố là một vị dũng tướng có thật ở thời kỳ Tam quốc bên nước Trung Hoa, được tác giả La Quán Trung hư cấu thêm nhiều chi tiết để rồi xuất hiện như một chiến thần trong bộ tiểu thuyết Tam quốc Diễn nghĩa. Người thời ấy có câu “Nhân trung Lã Bố – Mã trung Xích thố” để ca ngợi về một tuyệt tác NGƯỜI – NGỰA trong thiên hạ có lúc tuy hai mà một này. Tuy nhiên cũng có ý kiến đánh giá rằng Lữ Bố cũng chỉ là hạng “Hữu dũng vô mưu” bởi vì Lữ Bố tuy đánh tay đôi rất giỏi, thậm chí một mình ông vẫn có thể đối đầu với cả ba anh em Lưu – Quan – Trương; nhưng khả năng cầm quân khiển tướng của Lữ Bố chỉ ở mức tầm thường thế nên cuối cùng sớm thất bại và tan rã. Thế nhưng rải rác trong vài câu chuyện ta vẫn nhận thấy một hình ảnh Lữ Bố không hề hữu dũng vô mưu như người đời thường nói, mà lại rất là “hữu mưu”. Tiêu biểu nhất trong số đó là chuyện “Lữ Bố bắn kích” xuất hiện tại hồi XVI trong bộ tiểu thuyết Tam quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung.
Lúc bấy giờ phía Lưu Bị chỉ là một thế lực khoảng độ vài nghìn binh mã đang đóng quân ở Tiểu Bái – một thành trì nhỏ nằm cạnh Từ Châu đang bị Lữ Bố chiếm giữ. Trong khi đó ở Hoài Nam, Viên Thuật từ lúc có được Ngọc tỷ truyền quốc thì luôn có ý dòm ngó, thôn tính các thế lực còn lại. Nhận thấy Từ Châu là một vùng đất rộng lớn, giàu có, lại nằm ở vị thế chiến lược nên Viên Thuật muốn xua quân chiếm lấy tuy nhiên vẫn còn e ngại vì có Lữ Bố đang ở đó. Vậy nên Viên Thuật bày ra kế trước đánh chiếm Tiểu Bái rồi sau đó sẵn đà tấn công Từ Châu; nhưng Viên Thuật cũng lường trước, ngại rằng Lữ Bố sẽ ứng cứu bèn sai người đem lương thực, của cải sang Từ Châu tiến biếu Lữ Bố. Lo liệu mọi việc đâu đấy, Viên Thuật sai Kỷ Linh phong làm đại tướng dẫn vài vạn quân sang tấn công Tiểu Bái.
Lưu Bị nghe tin quân Viên Thuật do Kỷ Linh dẫn đầu kéo theo hàng vạn quân mã, đông gấp chục lần toàn bộ số quân hiện có ở Tiểu Bái thì bồn chồn lo âu chưa biết làm sao. Bỗng sau lưng có vị tướng thét lớn, xin ra đánh:
“Binh ta tuy ít nhưng tôi xem chúng như bọn trẻ con mà thôi” – vị tướng ấy chính là Trương Phi. Lưu Bị liệu thế không xong, Tôn Càn mới bước lên can, khuyên rằng nên viết thư sai người đưa sang Từ Châu nhờ Lữ Bố.
Lữ Bố vừa mới hôm nào nhận 20 vạn hộc lương cùng của cải đút lót từ bên Viên Thuật thì nay lại nhận thư cầu cứu từ phía Lưu Bị. Bây giờ vấn đề giúp bên nào, bỏ bên nào được Lữ Bố cùng thuộc hạ đưa ra bàn bạc, soi xét. Lữ Bố nhận định:
“Mới rồi Viên Thuật đưa lương và gửi thư cho ta để cầu ta đừng cứu Lưu Bị. Nay Lưu Bị lại cầu cứu. Ta nghĩ Lưu Bị đóng ở Tiểu Bái vị tất có bao giờ hại được ta. Chứ như Viên Thuật nếu đánh được Lưu Bị, chắc nó lại liên kết với các tướng ở Thái Sơn để đánh ta, ta sẽ không yên được với nó. Không bằng đi cứu Lưu Bị.” Nói rồi liền điểm quân tức tốc ra đi.
Kỷ Linh từ Hoài Nam kéo sang đóng quân ở mé Đông, bên này Lữ Bố đem quân Từ Châu tiến lại đóng sát trại Lưu Bị ở mé Tây. Bị kẹp giữa hai cánh quân của Kỷ Linh và Lữ Bố chính là đội quân của Lưu Bị. Kỷ Linh thấy quân Lữ Bố đến, liền sai người đem thư trách rằng Lữ Bố thất tín. Lữ Bố xem thư xong thì cười ha hả bảo rằng:
“Ta đã có một kế làm cho Viên, Lưu không bên nào trách ta được” Nói rồi liền sai sứ sang mời cả Kỷ Linh và Lưu Bị cùng đến ăn yến.
Lưu Bị ở gần hơn nên đến trước, chào hỏi đâu đó xong xuôi thì Lữ Bố vỗ về bảo rằng “Nay tôi đến đây để gỡ nạn cho ông. Ngày khác ông đắc chí, đừng quên tôi nhé!” Rồi Kỷ Linh cũng đến, vừa bước vô trại trông thấy Lưu Bị ngồi đợi sẵn, sau lưng lại có Vân Trường, Trương Phi tay lăm lăm khí giới đứng hầu thì giật nảy mình, mất vía chạy ra. Ôn hầu Lữ Bố thấy thế bèn ra tay kéo lại như kéo một đứa trẻ con. Bấy giờ Lưu Bị ngẩn người chưa hiểu việc gì, còn Kỷ Linh cũng hồn bay phách lạc vì tưởng bị mắc mưu. Lữ Bố mới khảng khái lên giọng:
“Tính tôi không hay đánh nhau, chỉ muốn làm cho thôi đánh nhau. Tôi nay định giải hòa cho hai ông. Nay tôi có một phép, nhưng còn tùy lòng trời!” Lưu Bị vẫn không nói năng gì nhưng Kỷ Linh thì tỏ ra không vừa ý. Rượu được vài tuần mà vẫn chưa bên nào chịu nhường bên nào. Kỷ Linh với quân số đông đảo nếu phải bãi binh thì sợ đắc tội, không biết nói sao với chủ công Viên Thuật của mình; còn phía Lưu Bị thì Trương Phi một mực lăm lăm đòi đánh. Can mãi chẳng được, Lã Ôn hầu nộ khí xung thiên, nổi giận lên mà truyền rằng:
“Quân đâu! Đem kích ra đây!” Ngay lập tức quân sĩ vác thanh Phương thiên Họa kích uy danh thiên hạ của Lữ Bố đem ra, cả Kỷ Linh lẫn Lưu Bị chẳng biết chuyện gì đều sợ mất vía. Lã Bố lại nói:
“Ta can hai bên mãi không nghe. Vậy để tùy lòng trời định quyết việc này!” Không ai hiểu Lữ Bố định làm gì. Lữ Bố sai quân mang họa kích ra ngoài cửa nha môn, cắm tận đằng xa cùng kiệt, rồi ngoảnh lại bảo hai người rằng:
“Từ đây ra đấy, cách một trăm năm mươi bước. Ta xin bắn một phát tên, nếu trúng vào ngạnh kích thì hai bên phải bãi binh; nhược bằng nếu bắn không trúng thì mặc ý hai bên đi mà đánh nhau. Ta định như thế, ai không nghe thì ta gồm sức với bên kia để đánh.” Kỷ Linh thấy kích cắm xa thế mười phần chắc cả mười rằng Lữ Bố tài đến đâu cũng không sao bắn trúng được, liền ưng ý theo; còn Lưu Bị thế yếu hơn nên ngay từ đầu chỉ mong việc hoãn binh.
“Lữ Bố vén tay áo bào, đặt mũi tên, giương hết sức cung. Dây cung bật đánh tạch một tiếng, tên ra vùn vụt, mười mắt nhìn theo; chớp mắt một cái tin ngay ngạnh kích. Các tướng trên trướng dưới thềm đều reo ầm vỗ tay.” Lữ Bố bắn trúng ngạnh kích rồi miệng cười ha hả, vứt cung xuống đất, cầm tay Lưu Bị và tay Kỷ Linh nói rằng: “Ấy là trời bắt hai bên phải bãi binh đó!”
Mỗi khi nhắc về Ôn hầu Lã Bố thì người trẻ thường trầm trồ thán phục tài năng võ nghệ phi thường; còn người lớn tuổi thì đa phần chê trách Lữ Bố là con người bội nghĩa, chẳng chịu nghe lời can gián để rồi sớm rước tai họa vào thân khi mà cuộc chiến phân tranh giữa các thế lực vẫn đương hồi sôi nổi. Vậy nên cuộc đời Lữ Bố có thể xem như là một bức tranh pha lẫn giữa hai màu sáng – tối, và ở đó câu chuyện “cửa nha môn Lữ Bố bắn kích” như là một điểm sáng nổi bật lóe lên giữa không gian đầy những mảng màu đối lập ấy.
Người đời sau có thơ khen rằng:
Ôn hầu bắn giỏi thật diệu kỳ!
Từng ở nha môn gỡ được nguy.
Trời rụng quả nhiên hơn Hậu Nghệ!
Vượn kêu hơn hẳn sức Do Cơ.
Dây gân hổ kéo cung căng thẳng,
Tên cánh diều bay vùn vụt đi.
Đuôi báo lung lay xuyên ngạnh kích,
Hùng binh mười vạn có làm chi?