Trương Phi – Hồi trống Cổ Thành
Lâu nay mỗi khi nhắc đến Trương Phi thì mặc nhiên người ta nghĩ ngay đến nhân vật có hình dáng dữ tợn, mặt mũi đen sì và đặc biệt là rất nóng tính. Thế nhưng với những ai quan tâm đến câu chuyện “Tam quốc” của những thế kỷ đầu Công nguyên bên Trung Hoa thì bộ tiểu thuyết “Tam quốc Diễn nghĩa” của La Quán Trung là một tác phẩm không hề xa lạ. Theo suốt câu chuyện, ở đó có nhân vật Trương Phi ngoài những đặc điểm kể trên thì còn có một Trương Phi đầy nhân nghĩa được thể hiện rất rõ nét tại Hồi thứ 28 gọi tắt là “Hồi trống Cổ Thành”.
“Hồi trống Cổ Thành” là trích đoạn diễn ra vào thời kỳ đầu của bộ tiểu thuyết khi mà thế chân vạc Tam Quốc (Tào Ngụy – Lưu Thục – Đông Ngô) chưa thực sự hình thành. Theo đó, lúc này ba anh em Lưu Bị – Vân Trường – Trương Phi chỉ là một thế lực nhỏ bé trong nhiều thế lực cát cứ phân tranh. Thế nên trước khi câu chuyện “Cổ thành” diễn ra thì Lưu Bị và Trương Phi đã bị phe Tào Tháo đánh cho tan tác, mỗi người tháo chạy một phương. Còn Quan Vân Trường dù võ công thâm hậu nhưng lại mang trọng trách bảo vệ gia quyến của đại ca Lưu Bị; nếu Quan Công quyết một trận tử chiến, nhỡ có việc chẳng may thì số phận nhị vị đại tẩu sẽ đi về đâu. Vì lẽ ấy, không còn cách nào khác đành chấp nhận tạm thời đầu hàng Tào Tháo nhưng với điều kiện “hàng Hán chứ không hàng Tào” và “nếu biết anh tôi (tức Lưu Bị) ở đâu thì ngay lập tức để tôi đi tìm”.
Tào Tháo vì muốn tin dùng Quan Công nên chấp nhận các điều kiện và nghĩ rằng sẽ tìm cách lấy lòng hòng chiêu dụ Quan Công về đội mình. Thế là Tào Tháo xin phong cho Quan Công tước Hán Thọ Đình hầu, rồi cứ “ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn”, đem vô số của ngon vật lạ ra tặng Quan Công nhưng ông đều chối từ, chỉ đến khi Tào Tháo ban tặng ngựa Xích Thố thì ông mới giữ lại cho riêng mình. Phải nói ở dưới trướng Tào Tháo, Quan Vân Trường chẳng thiếu thứ gì; có thiếu chăng là thiếu tin tức về các huynh đệ Lưu Bị, Trương Phi nên ông chỉ một niềm đau đáu là một ngày nào đó được gặp lại họ.
Một ngày nọ, Vân Trường hay tin Lưu Bị đang ở nhờ vùng Hà Bắc thuộc bên đất của Viên Thiệu. Tào Tháo biết rằng Vân Trường rồi cũng sẽ tìm mình để nói lời từ biệt nên Tháo tìm cách lảng tránh, không tiếp. Vân Trường không còn cách nào khác đành “treo ấn gói vàng” gửi trả rồi lặng lẽ ra đi về phía Hà Bắc tìm Lưu Bị. “Hồi trống Cổ Thành” thuật lại việc Quan Vân Trường trên đường lặn lội đi tìm Lưu Bị, không quản hiểm nguy “chém sáu tướng – phá ngũ quan”, khi về ngang Cổ Thành thì hay tin Trương Phi sau khi bị Tào Tháo đánh bại đã lưu lạc tới đây, tạm chiếm cổ thành này “mộ quân tậu ngựa, chứa cỏ tích lương” chờ ngày phục thù Tào Tháo. Quan Công hình dung ra cảnh tượng huynh đệ trùng phùng mà “mừng rỡ vô cùng” nhưng có ngờ đâu Trương Phi đã cho rằng Quan Công “bội nghĩa” mà hăm hở vác xà mâu quyết một trận sống mái với người anh em.
“Trung thần thà chịu chết chứ quyết không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ.”
Đây là câu nói thể hiện quan điểm rất rõ ràng, thẳng thắn nhưng cũng hết sức cảm động của Trương Phi khi cho rằng Quan Công đã quên tình nghĩa vườn đào năm xưa mà đầu hàng Tào Tháo; một Trương Phi đầy nhân nghĩa rất khác so với một Trương Phi dũng phu mà ta thường hay bắt gặp ở con người này. Cụ thể, trước đó khi Tôn Càn vào thành báo tin và mời Trương Phi ra đón Quan Công cùng hai chị, thì…
“Phi nghe xong, chẳng nói chẳng rằng, lập tức mặc áo giáp vác mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa Bắc.” Mặc áo giáp, đây là hành động, là tâm thế của kẻ chiến binh sẵn sàng lâm trận.
“Quan Công trông thấy Trương Phi ra, mừng rỡ vô cùng, giao long đao cho Châu Thương vác, tế ngựa lại đón.”
“Trương Phi mắt tròn xoe, râu vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công.” Trái hẳn với trạng thái ân cần chào đón của Quan Công, khi mà Quan Công đã “giao long đao cho Châu Thương vác” thì Trương Phi vẫn “hăm hở chạy lại đâm Quan Công”. Phản ứng rất bộc trực, thẳng thắn và rất… “Trương Phi”.
Mặc cho Quan Công từ tốn thanh minh, chỉ phản kháng bằng cách “tránh, đỡ đòn xà mâu”, xưng “huynh”, xưng “hiền đệ”; rồi thì hai phu nhân cũng lên tiếng, vén màn xe ra gọi “Chú Ba sao lại thế?… Khoan đã chú Ba, khoan đã! Chớ hấp tấp mà làm càn…” thì Trương Phi vẫn điên cuồng bỏ ngoài tai mà xưng “mày”, xưng “tao” và cho rằng Quan Công đến là để lừa bắt mình.
“Hừmm. Mày cũng nói láo, nó đâu có bụng tốt, nó lại đây là để bắt ta đó!” Trương Phi mắng sau khi Tôn Càn khuyên giải.
Không khuyên giải được, Quan Công đưa ra lý luận “Nếu ta đến bắt em, tất phải đem theo quân mã chứ!”
Cao trào của đoạn trích lên tới đỉnh điểm khi Trương Phi trỏ tay đằng xa nói: “Không phải quân mã là gì kia?”
“Quan Công ngoảnh đầu lại, quả nhiên thấy bụi bay mù mịt, một toán quân mã kéo đến, cờ hiệu phấp phới chính là cờ Tào. Trương Phi nổi giận nói:
– Bây giờ còn chối nữa thôi?
Rồi múa bát xà mâu hăm hở lại đâm Quan Công.
Quan Công vừa đỡ vừa can:
– Hiền đệ hãy khoan, xem ta chém tên tướng ấy, để tỏ lòng thực.”
Tới đây, cũng vẫn là một Trương Phi nóng nảy, bất bình như thường ngày. Nhưng có một chi tiết rất hay; Trương Phi tạm thời chấp nhận chờ Quan Công chém đầu tên tướng Tào đang kéo đến kia và bổ sung thêm điều kiện “Nếu mày có lòng thực, ta đánh ba hồi trống mày phải chém được tên tướng ấy”.
Bản tánh của Trương Phi là bộc trực, là nóng nảy nên Trương Phi không đủ kiên nhẫn để chờ lâu; với lại Trương Phi cũng quá hiểu tài nghệ của Quan Công, Quan Công không cần lâu hơn thế. Lần này, trong cơn giận dữ của mình, Trương Phi vẫn còn một chút tình, một chút trọng đối với người Nhị Ca của mình. Nếu nhiều hơn ba hồi trống có nghĩa là hạ thấp tài năng của Quan Công; còn nếu chỉ một hồi trống thì quá nghiệt ngã cho người huynh khi tên tướng kia là Sái Dương, cũng chẳng phải dạng vừa.
Trương Phi cũng mong rằng những suy xét, lập luận của mình nhằm vào người anh là sai lầm, là hồ đồ nên gửi gắm vào những hồi trống ấy chút niềm tin mà trông chờ người huynh sẽ chém được đầu tên tướng Tào nên đánh ba hồi trống là đủ để chờ Quan Công chứng thực lòng trung của mình.
Về phía Quan Công thì ba hồi trống tại Cổ Thành ấy vừa là hồi trống thách thức mà cũng vừa là cơ hội không thể tuyệt vời hơn để Quan Công chứng tỏ rằng mình không “bội nghĩa” như “thằng đệ” Trương Phi đang hiểu lầm.
“Quan Công chẳng nói một lời, múa long đao xô lại. Trương Phi thẳng cánh đánh trống, chưa dứt một hồi, đầu Sái Dương đã lăn xuống đất.”
Lúc này Trương Phi không còn đòi đâm Quan Công nữa nhưng vẫn chưa tin hẳn, sau đó Quan Công đã có hành động nhanh trí và rất tinh tế khi “bắt một tên lính cầm cờ hiệu hỏi chuyện đầu đuôi, tên lính kể hết nông nổi từ đầu đến cuối, bấy giờ Trương Phi mới tin anh là thực.” Phải là tên lính Tào – một người ở phía bên kia chiến tuyến thuật lại mọi việc thì bấy giờ mới thuyết phục được lòng tin của Trương Phi.
“Phi mời hai chị vào thành.
Vào đến nhà, hai bà mới kể lại những việc Quan Công đã trải qua. Trương Phi nghe hết chuyện, rỏ nước mắt khóc, thụp xuống lạy Vân Trường. Hai anh em My Chúc, My Phương thấy vậy cũng động lòng thương cảm.”
Tượng Trương Phi cùng trượng Bát xà mâu huyền thoại tại Đền thờ Trương Phi, Trùng Khánh – Trung Quốc.
Nếu như tính cách của Trương Phi từ đầu đến cuối của bộ tiểu thuyết cũng như trong phần đầu đoạn trích này là nóng nảy, là bộc trực, là vội vàng, là thiếu kiên nhẫn thì trong quá trình chứng thực lòng trung, hóa giải mâu thuẫn, Trương Phi đã rất thận trọng, khác hẳn tính cách thông thường của Trương Phi. Bởi vì Trương Phi rất sợ tình nghĩa vườn đào năm xưa bị phá vỡ, Trương Phi rất mong mỏi Quan Công là kẻ giữ được lòng trung nghĩa cho nên cần phải có thời gian, cần những kiểm chứng xác thực, chặt chẽ để mang lại lòng tin tuyệt đối ở Trương Phi.
Cuối cùng “rỏ nước mắt khóc, thụp xuống lạy Vân Trường” là hành động hối hận, cảm phục và cũng là để tạ lỗi khi biết rằng anh mình đã vượt nhiều hiểm nguy, vất vả mới đến được nơi đây. Một nét mới mẻ ở hình tượng Trương Phi làm cho nhân vật thêm phần sinh động, hấp dẫn.
Theo ý kiến của mình thì chiến tích “chém sáu tướng – phá ngũ quan” của Quan Công thật kỳ vỹ; nhưng chiến tích khuất phục ông “tướng đen” này mới thật là kỳ công. Bởi thế kẻ địch mạnh thì cũng đáng sợ, nhưng đồng đội cố tỏ ra nguy hiểm cũng quả thật quan ngại lắm thay! 😀