Hoành Sơn Nhất Đái, Vạn Đại Dung Thân

   Nhà nước Hậu Lê kể từ khi được thành lập năm 1428 trải hơn 100 năm, đến năm 1545 thì xảy ra một sự kiện khiến cho thế lực họ Trịnh nổi lên ức hiếp một dòng họ khác phải lâm vào thế nguy hiểm; ấy chính là họ Nguyễn – một dòng họ có tầm ảnh hưởng không kém họ Trịnh trong công cuộc gầy dựng và khuông phò nhà Hậu Lê.

   Câu chuyện Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài đằng đẵng hằng trăm năm cùng hàng chục trận chiến lớn nhỏ đã đưa con dân nước Việt nhiều phen vào cảnh khốn đốn xuất phát từ sự việc An Thành hầu Nguyễn Kim không may bị hàng tướng đầu độc mà qua đời năm 1545. Bấy giờ Trịnh Kiểm trên cương vị Đô tướng Tiết chế, đồng thời cũng là con rể của An Thành hầu đã thừa thế mà dần chiếm đoạt binh quyền của cha vợ vào tay mình. Trước sự lấn át ngày càng lớn của anh rể, những người con của Nguyễn Kim mà tiêu biểu là Nguyễn Hoàng buộc phải tìm kế sách để đối phó với thế lực ngày càng lớn mạnh phía bên họ Trịnh.

Tượng đài Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm. (Ảnh: Wikipedia)

   Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) sau khi đỗ Trạng Nguyên thì làm quan qua nhiều đời vua. Đến cuối đời được phong tước Trình Quốc-công nên dân gian gọi ông là Trạng Trình. Với tài học rộng, sự hiểu biết cùng tầm ảnh hưởng, khi được Nguyễn Hoàng xin chỉ giáo kế sách đối phó Trịnh Kiểm thì Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy rằng: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” nghĩa là khuyên Nguyễn Hoàng rời xa kinh thành Thăng Long, vượt qua dãy Hoành Sơn (đèo Ngang) mở đất dựng nghiệp thì có thể tồn tại lâu dài.

   Hoành Sơn Nhất Đái – Vạn Đại Dung Thân: Một vùng Hoành Sơn, muôn đời yên sống.

   Năm 1558 được ghi nhận là năm Nguyễn Hoàng đưa binh lính cùng gia quyến xuôi thuyền vượt biển về phía Nam, để rồi trải qua Chín đời chúa Nguyễn cùng hơn 200 năm gầy dựng, một triều đại mới đã được dựng lên năm 1802 bởi một hậu duệ tên là Nguyễn Ánh; ấy chính là triều đại Nguyễn Gia-long đóng đô tại kinh thành Phú Xuân – Huế.