Đại Minh tấn công xâm lược Đại Ngu
Thế rồi việc gì đến cũng phải đến. Cuối năm 1406 Đại Minh kéo quân tấn công xâm lược Đại Ngu. Thật không may cho nhà nước Đại Ngu non trẻ khi bấy giờ “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” đều không đứng về phía cha con Hồ Quý Ly. Dù cho cha con họ Hồ đã tiên liệu từ trước đó khá lâu bằng việc xây dựng thành lũy Tây Đô vững chãi năm 1397; bằng việc Hồ Nguyên Trừng cải tiến chế tạo ra súng “Thần cơ Thương pháo” cùng thuyền Cổ lâu huyền thoại thì số phận của Đại Ngu cũng thật là bi thảm.
Đại Ngu (1400 – 1407) là quốc hiệu nước Đại Việt bị Lê Quý Ly đổi tên sau khi cướp ngôi từ tay cháu ngoại là Thiếu đế Trần Án. Bản thân Lê Quý Ly cũng đổi sang họ Hồ vì ông cho rằng tổ tiên có nguồn gốc họ Hồ – dòng dõi nhà Ngu bên Trung Quốc. Chữ “Ngu” cũng có nghĩa là an vui. Các triều đại về sau cho rằng Đại Ngu cùng Hồ Quý Ly là “ngụy quân – ngụy quyền” nên sử sách nhiều thời kỳ không công nhận Đại Ngu như là một nhà nước độc lập thống nhất.
Nhà Minh từ những năm cuối vương triều Trần đã bắt đầu dòm ngó, hăm he nước Đại Việt bằng những hạch sách cống nạp hết sức nặng nề và vô lý. Nhưng vì Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương cuối đời lo thu dẹp các thế lực chống đối nên chưa rảnh tay tiến đánh Đại Việt. Đến khi người con thứ tư của Chu Nguyên Chương là Yên vương Chu Lệ (Chu Đệ) lật đổ người cháu trai – con của người anh cả rồi ổn định các thế lực trong một cuộc nội chiến đẫm máu thì ở phương Nam bấy giờ nước Đại Việt đã được thay thế bằng nhà nước Đại Ngu. Và cũng thật là không may cho nhà nước Đại Ngu non trẻ đầy bất ổn khi ấy phải sắp đương đầu với đội quân bạo tàn được chỉ huy bởi những viên tướng thuộc hàng giỏi nhất từng tấn công xâm lược nước Việt đó chính là Trương Phụ và Mộc Thạnh.
Cuối năm 1406 hơn 20 vạn quân Minh cùng hàng chục vạn dân phu (khoa trương lên 80 vạn quân) chia làm hai đạo tiến đánh nước ta qua hai cửa ải Pha Lũy (Đồng Đăng, Lạng Sơn) và Phú Lệnh (Hà Giang). Quan quân nhà Hồ chống cự quyết liệt nhưng chịu không nổi, nhanh chóng thua trận phải lui xuống phía nam giữ thành Đa Bang (huyện Ba Vì, Hà Tây cũ) bên hữu ngạn sông Hồng. Thành Đa Bang là tuyến phòng thủ chiến lược hết sức kiên cố được cha con Hồ Quý Ly cho xây dựng để bảo vệ Đông Đô (Thăng Long) từ xa. Phải nói rằng Đa Bang còn thì Đông Đô còn; Đa Bang mất thì không những Đông Đô cũng mất mà số phận Đại Ngu chẳng khác nào đem gà vịt mà nhốt vào chuồng sư tử đói. Thế nên bên ngoài thành, bờ sông được che chắn bởi các bãi cọc vững chắc, thân thành đắp bằng đất khá cao, xung quanh được bao bọc bằng mấy tầng hào. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng còn cho xây dựng một tuyến phòng thủ dọc theo bờ nam của các con sông kéo dài hàng trăm cây số từ thành Đa Bang đến tận Phú Lương – Thái Bình. Ngoài ra Hồ Nguyên Trừng còn nghĩ ra một cách đánh mới khi cho đúc nhiều dây xích siêu to chăng qua những khúc sông hiểm trở, đặt hỏa pháo mai phục chờ thời cơ bất ngờ tập kích địch.
Thế nhưng hai tướng nhà Minh chỉ huy lần xâm lược này cũng chẳng phải dạng vừa đâu. Nhận thấy các bãi sông đều có rào cọc phòng thủ chắc chắn, thủy quân khó bề tiến công. Trương Phụ và Mộc Thạnh đã đưa ra một quyết định hết sức táo bạo – dốc toàn lực tấn công thành Đa Bang ngay và luôn; hạ được thành này thì các phòng tuyến xung quanh cũng lần lượt ngã theo như một hiệu ứng domino mà thôi. Trước đó khi tiến công xuống ngã ba sông Bạch Hạc (Phú Thọ), Trương Phụ và Mộc Thạnh đã cho khắc bảng kể tội nhà Hồ lên ván gỗ rồi thả trôi xuôi về hạ lưu, trong đó có nội dung hứa hẹn khôi phục nhà Trần. Binh lính nhà Hồ bắt được “truyền đơn”, nhiều người mất niềm tin không còn muốn chiến đấu, trong đó có Mạc Thuý và Đặng Nguyên đã vẽ bản đồ địa hình xin làm hướng đạo cho quân Minh đánh Hồ.
Sau khi đánh bại quân nhà Hồ do Tả thần dực Nguyễn Công Khôi chỉ huy ở bãi Mộc Hoàn đối diện với thành Đa Bang bên tả ngạn, quân Minh bắt cầu phao vượt sông, huy động toàn lực tấn công mặt trận chính – thành Đa Bang. Cuộc chiến ở thành Đa Bang đã diễn ra hết sức ác liệt. Quân giặc tranh nhau lập công bằng việc dùng thang mây leo lên thành cao, quân nhà Hồ gồng sức kháng cự quyết liệt khiến quân giặc ngã rụng như sung. Xác giặc bị giết chất cao ngang mặt thành nhưng chúng không hề chùn bước – chùn bước thì cũng chết dưới tay Trương Phụ và Mộc Thạnh có khi còn thốn và nhục hơn thế nên chúng vẫn cảm tử leo lên thành. Bấy giờ tướng chỉ huy quân Thiên Trường của nhà Hồ là Nguyễn Tông Đồ nóng lòng đào thành xua voi ra đánh. Với vóc dáng uy nghi to lớn, sức càn quét của Tượng binh luôn là nỗi kinh hoàng trên chiến trường. Vậy nên thường thì Tượng binh là lực lượng bộ binh mạnh nhất rồi. Nhưng lần này đội quân non trẻ nhà Hồ phải chạm trán với một Trương Phụ dòng dõi chiến tướng, lão luyện trận mạc khi trước đây có công lớn trong việc dọn dẹp các thế lực nội phản giúp Chu Lệ. Thế nên ông ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình huống này khi tận dụng kinh nghiệm, thủ thuật và hỏa tiễn bắn dọa khiến voi sợ phải lùi lại và chạy ngược vào thành, quân Minh đông như kiến cỏ nhân đó theo voi đánh ùa vào. Thế là thành Đa Bang thất thủ, kéo theo tuyến phòng thủ Phú Lương do Hồ Nguyên Trừng chỉ huy cũng tan vỡ theo. Tiếp đó quân Minh tràn xuống tiến đánh Đông Đô, hai ngày sau thì đến lượt Đông Đô thất thủ, ấy là ngày 22 tháng 01 năm 1407.
Ảnh minh họa (Đuốc Mồi).
Tháng ngày tiếp theo là những cuộc truy lùng tìm bắt cha con Hồ Quý Ly; phía nhà Hồ trốn chạy và phản công nhưng hầu hết đều thất bại, trong đó có một trận phản công dữ dội tại bến Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên). Hồ Nguyên Trừng hội quân cùng với Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đưa binh từ Tây Đô ra (tổng cộng có 7 vạn khoa trương lên 21 vạn) tiến đánh quân Minh ở Hàm Tử. Trương Phụ và Mộc Thạnh bằng hai mặt thủy bộ ào ạt xông ra đánh. Tài liệu nhà Minh ghi rằng tên đạn trận đó hai bên bắn ra như sao sa, chớp giật. Kết cục quân nhà Hồ bị đại bại, cha con Hồ Quý Ly phải lui về giữ Thanh Hóa.
Trên đường trốn chạy, Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương gặp Ngự sử trung tán Ngụy Thức. Ngụy Thức thẳng thắn đưa ra lời khuyên: “Nước sắp mất, bậc vương giả không nên để chết trong tay kẻ khác. Xin Thượng hoàng và Bệ hạ tự thiêu mà chết đi còn hơn.” Quý Ly nghe thế nổi giận chém chết Ngụy Thức rồi cùng tùy tùng chạy vào Nghệ An. Quân Minh vẫn ráo riết truy đuổi. Trương Phụ, Mộc Thạnh, Lý Bân đuổi theo bằng đường bộ; Liễu Thăng và Hoàng Trung đuổi theo bằng đường thủy. Vậy là địch bủa vây từ muôn hướng, chịu không nổi nhiệt, tháng 6 năm 1407, Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt ở bãi Chi Chỉ; Hồ Nguyên Trừng bị bắt ở cửa biển Kỳ La; Hồ Hán Thương và con là Thái tử Nhuế bị bắt ở núi Cao Vọng (Hà Tĩnh). Thế là mất nước. Đất nước bắt đầu rơi vào thời kỳ u ám nhất lịch sử dân tộc Việt.
Cả 3 cha con Hồ Quý Ly, Thái tử Nhuế cùng nhiều con cháu liêu thuộc sau đó bị giặc Minh bắt giải sang Kim Lăng (Trung Quốc), cuối cùng hoặc bị giết hoặc bị đày ải đến chết trên đất Minh. Riêng người con trai cả Hồ Nguyên Trừng được nhà Minh tận dụng khả năng chế tạo vũ khí, tha chết, bắt đổi tên là Lê Trừng và đến cuối đời Minh Anh Tông được phong làm Tả thị lang bộ Công.
Cuộc kháng chiến của nhà Hồ mặc dầu đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng không phát động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia chiến đấu. Thêm vào đó ba cha con họ Hồ cùng tướng lĩnh triều Hồ chưa phải là những vị tướng tài giỏi xứng tầm với các đại tướng của Minh Thành tổ Chu Lệ – vị Hoàng đế được xem là kiệt xuất nhất triều đại nhà Minh. Vậy nên chỉ trong vòng nửa năm, cuộc kháng chiến đã nhanh chóng thất bại. Trận tử chiến ở thành Đa Bang là một trận đánh lớn khi quân nhà Hồ đã tung hết sức gồng mình chiến đấu chống lại đội quân tàn bạo Đại Minh. Thế nhưng vì nhà Hồ đã thất bại ở trận đánh then chốt này rồi sau đó để mất nước nên sử sách về sau ít nhiều đã làm vơi đi tầm vóc vốn có của một trận chiến kinh hoàng đẫm máu binh lính của cả đôi bên.