Trường sa Thái thú Tôn Kiên Văn Đài (Phần 1)
Tôn Kiên có tên tự là Văn Đài; ông là Thủ lĩnh cát cứ vùng Giang Đông và là người đặt nền móng xây dựng nước Đông Ngô thời Tam Quốc bên nước Trung Hoa.
Khi Tào Tháo phát hịch kêu gọi các trấn nổi dậy thành lập liên minh chống quyền thần Đổng Trác thì Tôn Kiên trên cương vị Ô Trình hầu, Thái thú Trường Sa – là thủ lĩnh của một trong số mười tám lộ chư hầu tất thảy.
Đánh Dĩ Thủy quan: Sau khi liên minh chống Đổng Trác được thành lập và tôn Viên Thiệu làm minh chủ thống lĩnh mười tám lộ chư hầu thì Viên Thiệu hỏi ai dám đánh trận đầu, tấn công Dĩ Thủy quan – là cửa ngõ tiến vào kinh thành Lạc Dương, nơi đang bị Đổng Trác thao túng. Bấy giờ Thái thú Trường Sa Tôn Kiên hăng hái xin làm tướng tiên phong đánh trận đầu và được minh chủ Viên Thiệu ưng thuận “Phải đấy! Văn Đài hùng mạnh, có thể đảm đang chức ấy”, đồng thời sai em trai là Viên Thuật đảm trách nhiệm vụ cung ứng lương thảo cho quân Tôn Kiên.
Tôn Kiên mình mặc áo giáp bạc, đầu đội mũ chóp đỏ, cắp đao Cổ Dĩnh, cưỡi ngựa Hoa Tôn trỏ tay lên trên cửa quan mà mắng rằng: “Thằng tiểu nhân đi phò giặc kia! Sao không mau mau xuống hàng?” Nói rồi hai bên thúc quân xô xát, tướng của Tôn Kiên là Trình Phổ vác xà mâu tế ngựa giao chiến với Hồ Chẩn – là phó tướng giữ ải. Đánh nhau được vài hiệp, Phổ đâm một mâu vào cổ họng khiến Chẩn ngã ngựa lăn quay ra chết. Tôn Kiên thừa thế thúc quân xông đến trước cửa quan thì trên ải tên đá bắn xuống như mưa khiến Tôn Kiên chưa thể đánh gấp nên đành tạm lui binh về đóng ở Lương Đông rồi sai người đến chỗ Viên Thuật thúc giục tiếp ứng lương thảo chờ thời cơ đánh tiếp.
Bấy giờ trong quân Viên Thuật có người bàn rằng: “Tôn Kiên là một con hổ dữ ở đất Giang Đông. Nếu ta để cho nó phá được Lạc Dương, giết được Đổng Trác thì khác gì trừ được sói mà lại gặp hổ.” Thế là Viên Thuật nghe lời bàn tán, không chịu tiếp tế. Quân Tôn Kiên ở ngoài mặt trận lâu ngày dần cạn lương, lòng quân sinh rối loạn. Tướng giữ cửa Dĩ Thủy là Hoa Hùng thấy thời cơ đã đến bèn ra lệnh phản công, đem quân ra khỏi ải truy kích khiến Tôn Kiên đại bại quăng cả giáp mũ và thiệt mất một tướng Tổ Mậu.
Chiếm Ngọc tỷ:
Khi liên minh chống Đổng Trác uy hiếp đến kinh thành Lạc Dương thì Đổng Trác tự thân chinh và sai các tướng cùng chia nhau ra chống giữ. Nhưng sau khi tướng giữ ải Dĩ Thủy là Hoa Hùng bị giết và Lã Bố thất thế ở Hổ Lao quan thì Đổng Trác vô cùng lo lắng, liền sai tức tốc dời đô về Tràng An – là kinh đô cũ của nhà Hán trước đây. Tôn Kiên dẫn quân vào thành Lạc Dương, bấy giờ kinh đô đã thành ra hoang phế, bao nhiêu nhà cửa cung điện đều bị thiêu đốt nham nhở. Thái thú Trường sa Tôn Kiên sai quân thu dọn các đồ gạch ngói nơi đền đài lăng tẩm rồi dựng tạm các gian thờ, bày linh vị các vua cúng tế.
Một đêm nọ, Tôn Kiên cầm kiếm ra ngoài ngẩng mặt xem thiên văn thì có tên lính báo rằng “ở phía Nam điện này có hào quang năm sắc từ dưới đáy giếng bốc lên.” Tôn Kiên liền sai người đốt đèn xuống giếng tìm xem. Một lát sau quân sĩ mò đem lên một cái thây người đàn bà, dưới cổ có đeo một cái túi gấm; mở túi ra xem thấy có một cái hộp nhỏ màu đỏ son có khóa vàng; mở hộp ra mới thấy một cái ấn bằng ngọc chạm hình năm con rồng, bên cạnh có sứt một miếng phải lấy vàng bịt lại; mặt dấu khắc tám chữ triện: “Phụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương”. Tôn Kiên được ấn ngọc ấy, hỏi Trình Phổ thì Phổ nói ấy là ngọc tỷ truyền quốc, là điềm báo Tôn Kiên mai này sẽ làm vua. Nói rồi bàn nhau cùng bỏ thành Lạc Dương kéo về Giang Đông để tự mưu toan việc lớn.
Đánh nhau với Lưu Biểu: Minh chủ Viên Thiệu biết Tôn Kiên đoạt được ngọc tỷ truyền quốc, muốn thu hồi ngọc tỷ nhưng Tôn Kiên một mặt thề độc chối bỏ, một mặt có các chiến tướng hộ vệ nên Viên Thiệu dù oán giận nhưng cũng không làm gì được. Viên Thiệu bèn viết một phong thư đưa sang Kinh châu, sai quan Thứ sử Kinh châu là Lưu Biểu chận đường về của Tôn Kiên và đòi lại ngọc tỷ truyền quốc.
Thứ sử Kinh châu nhận được thư của Viên Thiệu liền sai ngay Khoái Việt và Sái Mạo dẫn một vạn quân ra đón đường chận đánh Tôn Kiên. Khoái Việt hỏi: “Ngươi đã làm tôi nhà Hán, sao được giấu ngọc tỷ truyền quốc? Đưa ngay ra đây, ta sẽ cho đi…” Tôn Kiên nổi giận, sai Hoàng Cái ra đánh. Đánh nhau được vài hiệp thì quân Kinh châu thua to phải quay đầu bỏ chạy. Bỗng nghe trong núi có tiếng chiêng trống rồi đích thân Lưu Biểu đem quân ra tiếp ứng. Lưu Biểu quát “Nhà ngươi giấu quốc bảo, muốn làm phản à?”. Tôn Kiên lại chối bỏ và thề độc như lần trước ở trại Viên Thiệu rằng: “Ta mà có của ấy, xin chết ở dưới mũi tên hòn đạn”. Lưu Biểu không tin, đòi khám xét thì Tôn Kiên mới nổi giận lên, không còn nể nang gì nữa, lớn tiếng quát lại: “Tài sức mày thấm vào đâu mà dám khinh tao!” Nói rồi quân hai bên đổ ra giao chiến. Quân Giang Đông của Tôn Kiên trận này vào vùng hiểm địa, trúng ổ mai phục nên các tướng Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương phải cố hết sức mới cứu được Tôn Kiên nhưng quân sĩ thì thiệt hại già mất nửa. Tôn Kiên thoát nạn, kéo hết quân trở về Giang Đông, nuôi mối thù Kinh châu cùng Lưu Biểu.
Hết phần 1. Xem tiếp Phần 2.