Thần cơ Thương pháo Hay Thần cơ Sang pháo?

     Đất nước Việt Nam từ cổ chí kim là một đất nước thường xuyên phải đương đầu với những thế lực hùng mạnh từ các quốc gia lân bang. Để làm nên chiến thắng, bên cạnh tài năng của người lãnh đạo thì một vấn đề mấu chốt khác nữa ấy chính là sức mạnh của vũ khí. Nếu như ở thời cổ đại, tướng quân Cao Lỗ đã chế tạo ra chiếc “Nỏ thần liên châu” cùng lúc có thể bắn ra hàng trăm mũi tên giúp Thục Phán An Dương Vương đẩy lùi đoàn quân xâm lược của Triệu Đà vào năm 208 TCN; thì vào thời kỳ trung đại, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã cải tiến chế tạo ra khẩu súng lớn với tên gọi “Thần cơ Thương pháo” – Khẩu súng đã khiến cho quân thù hết sức kinh ngạc nên sau khi đánh chiếm nước ta, quân Minh đã truy bắt gia quyến Hồ Nguyên Trừng đem về nước, buộc ông phải chế tạo vũ khí cho chúng.

     Vào năm 1407 khi tràn sang xâm lược nước ta, đoàn quân Đại Minh đã vấp phải sự kháng cự tương đối mạnh mẽ từ phía quân đội nhà Hồ. Bằng tài năng quân sự của mình, Hồ Nguyên Trừng đã tiến hành xây dựng, chế tạo rất nhiều công trình, vũ khí mới lạ mà nổi bật trong số đó chính là khẩu “Thần cơ Thương pháo” có sức mạnh vượt trội đến nỗi quân Minh cũng phải trầm trồ thán phục rằng “Diệu kỳ… Cách 100 bước, nghe thấy tiếng thì lửa đã đến”. Dẫu rằng cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ cuối cùng đi vào thất bại nhưng Thần cơ Thương Pháo mãi mãi là một biểu tượng quân sự cùng với “thuyền cổ lâu”“thành đá nhà Hồ” khi nói về một thời kỳ ngắn ngủi nhưng đầy dấu ấn trong lịch sử ngàn năm của nước Việt – ấy là thời kỳ nhà nước Đại Ngu của hai cha con Hồ Quý Ly – Hồ Hán Thương. Thế nhưng khi tìm hiểu về đề tài này, tôi nhận thấy nhiều tài liệu cũng chép rằng “Thần cơ Sang pháo” để ám thị cho loại súng lớn “diệu kỳ” mà Hồ Nguyên Trừng đã chế tạo nên. Vậy thì “Thần cơ Thương pháo” hay “Thần cơ Sang pháo”? Tên gọi nào mới thực sự chuẩn xác để nói về loại súng lớn mà Hồ Nguyên Trừng – người con cả của Hồ Quý Ly đã cố công chế tạo nên vào những năm đầu thế kỷ XV ở nước ta? Đây là câu hỏi mà chính tôi cũng đã từng vô cùng phân vân cho tới một hôm…

Mô phỏng súng thần công của vương triều Hồ. Ảnh: Lê Hoàng .

Mô hình khẩu  súng Thần cơ của nhà Hồ.

     Xin được phép giãi bày cùng quý bạn đọc một lần nữa rằng tôi lấy danh từ “Lão Bộc” đặt làm tên blog của mình, điều này không có nghĩa rằng tôi đã là một ông già mà ngược lại tôi đang là một thanh niên, một thanh niên thế hệ 8X thời kỳ kế cuối. Khi viết bài này thì tôi đang tự học chữ Hán được độ vài tháng…

     Một buổi nọ khi tôi không hề có ý định viết ra điều gì đó, mà tôi chỉ đang chăm chú vào bài học của mình. Theo đó, bài học Số 44 trang 155 sách “Toàn thư Tự học chữ Hán” của tác giả Trần Văn Chánh – Lê Anh Minh (tái bản lần thứ sáu – in năm 2020); trong bài Số 44 – chủ đề Binh khí, tác giả viết rằng: “Cổ thời binh khí, hữu qua mâu, hữu đao kiếm, hữu cung tiễn. Cận thời binh khí, đa dụng thương pháo. Năng cập viễn, năng công kiên.”

Dịch nghĩa: “Vũ khí thời xưa có qua, mâu, đao, kiếm, cung, tên. Vũ khí thời nay, phần nhiều dùng súng ống. Có thể bắn đến nơi xa, có thể đánh chỗ vững chắc.”

     Khi đọc tới hai chữ “thương pháo”, tôi cảm thấy hồ hởi như kẻ lang thang vừa lạc vào một khung trời mới. Tin rằng sẽ có điều gì đó hay ho, vui mừng tôi đọc tiếp đến phần từ vựng thì tác giả viết rằng:

Than-Co-Thuong-Phao

  • Thương (14 nét): Khẩu súng (cũng đọc là Sang).
  • Pháo (21 nét): Súng lớn.

Vậy thì đến đây câu chuyện về tên gọi của khẩu súng lớn mà Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng – người con trưởng của Hồ Quý Lý cố công chế tạo ra đã được làm sáng tỏ.

     Về phía Hồ Nguyên Trừng sau khi bị giải sang Trung Hoa sống cuộc đời lưu vong, ông bị buộc đổi lại họ cũ nên còn có tên gọi khác là Lê Trừng. Nhà Minh tận dụng khả năng của ông cho đến cuối đời, thăng đến chức Tả thị lang Bộ công. Sau khi ông mất, được truy tôn là “Thần hỏa khí – Mỗi khi tế súng, đều phải tế Trừng!” Còn tại quê hương Việt Nam, Hồ Nguyên Trừng được hậu bối xem như là ông tổ của nghề đúc súng thần công khi đã cải tiến nâng cấp các loại hỏa pháo trước đó để khai sinh ra một loại súng mới uy lực hơn hẳn, ấy chính là “Thần cơ Thương Pháo” hay còn được lưu truyền bằng tên gọi khác là “Thần cơ Sang Pháo”.