Thái Tông – Trần Cảnh
Xuất thân: Trần Cảnh sinh năm 1218 ở làng Tức Mặc phủ Thiên Trường trong một gia đình hào kiệt có công che chở Thái tử Lý Hạo Sảm khi vương triều nhà Lý rơi vào giai đoạn hỗn loạn, thoái trào. Trần Cảnh có người cô ruột tên Trần Thị Dung được gả cho Thái tử khi đó. Về sau, Thái tử Lý Hạo Sảm kế vị, tức vua Lý Huệ Tông thì Trần Thị Dung được phong làm Hoàng hậu. Ngoài ra, Trần Cảnh còn có cha là Trần Thừa lĩnh chức Nội thị Phán thủ, chú ruột là Trần Tự Khánh lĩnh tước Chương Thành hầu… đều dưới triều Lý Huệ Tông.
Vị thế: Vị vua đầu tiên của vương triều Trần.
Miếu hiệu: Thái Tông.
Trị vì: Từ tháng Một năm 1226 đến tháng Ba năm 1258.
Tên nước: Đại Việt, đóng đô tại Kinh thành Thăng Long.
Niên hiệu: Trong thời gian trị vì hơn 32 năm, nước Đại Việt thời Trần Thái-tông có 3 niên hiệu:
Kiến Trung (1225-1237).
Thiên-Ứng Chính-Bình (1238-1250).
Nguyên Phong (1251-1258).
Đánh Chiêm Thành: Lợi dụng lúc triều Lý rơi vào cảnh suy vi, người Chiêm Thành thường kéo quân đánh chiếm các vùng biên giới và theo đường thủy cướp bóc các vùng ven biển Đại Việt. Sang thời Trần tuy tình hình có thuyên giảm, nhưng do chính thể mới thành lập, vua Trần cũng còn trẻ nên Chiêm Thành vẫn không ngừng quấy nhiễu. Đến năm 1252, khi chuyện giặc giã trong nước tạm lắng, vua Thái Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, tiến quân đến tận kinh đô Trà Bàn, bắt được vương phi Bố Da La cùng nhiều cung tần trai tráng khiến Chiêm Thành trở lại thần phục như trước.
Đánh quân Mông Cổ lần thứ Nhất:
Năm 1258 khi thế lực của đế chế Mông Cổ liên tục bành trướng về phía Nam và sắp sửa xâm lấn đến Đại Việt thì đã có không ít người trong tôn thất nhà Trần đề nghị xin được “nhập Tống”, tức là đầu hàng. Nhưng có một người cứng rắn, dõng dạc tuyên bố rằng: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” – ấy chính là người đặc biệt Trần Thủ Độ. Nhờ lời nói ấy mà vua Thái Tông cùng các tướng lĩnh đã vững tâm trước sức mạnh như vũ bão của giặc Mông Cổ.
Lúc đầu, đoàn quân dưới sự chỉ huy của Ngột Lương Hợp Thai đã nhanh chóng vượt qua các cửa ải để tiến sâu vào chiếm đóng kinh thành Thăng Long. Nhưng bằng sách lược hợp lý cùng lòng quả cảm của những con người như Trần Quốc Tuấn, Lê Tần (Lê Phụ Trần)… mà quân giặc chỉ ở Thăng Long yên ổn được 9 ngày rồi phải tủi hổ rút lui lặng lẽ đến độ dân ta thời ấy gọi là “giặc Phật” vì quá “hiền lành”.
Chiến thắng quân Mông Cổ lần thứ Nhất năm 1258 là một cú giáng mạnh mẽ vào chủ nghĩa bá quyền của các hậu duệ Thành Cát Tư Hãn; cũng là một cú huých tinh thần, tạo dựng niềm tin vững chắc vào một triều đại mới huy hoàng thay cho những tháng ngày dài rối ren loạn lạc ở cuối triều Lý. Về sau, ở đời vua Trần Nhân Tông quân dân Đại Việt còn thêm hai lần hiển hách đánh thắng quân Nguyên Mông nữa. Nhưng tự hỏi rằng ví như ở lần đầu tiên năm 1258 nếu quân ta không giành được phần thắng hoặc vì e ngại trước sức mạnh quân thù mà vội vàng “nhập Tống” thì liệu rằng nước Đại Việt sẽ đi về đâu… Do đó, dù hai lần chiến thắng nhưng vua Trần Nhân Tông vẫn không quên công lao to lớn của bậc tiền nhân cũng như khắc họa đời sống xã hội lúc ấy vào câu thơ:
“Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”
(Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong) – Trần Nhân Tông.
Chú thích: Nguyên Phong – niên hiệu Nguyên Phong thời Trần Thái Tông.
Thoái vị: Ngay sau khi thắng quân Mông Cổ lần thứ Nhất mùa xuân năm 1258, Thái-tông Trần Cảnh nhường ngôi cho con là Thái tử Trần Hoảng rồi lui về Bắc Cung làm Thái Thượng hoàng thêm 19 năm nữa. Năm 1277, ông mất, thọ 60 tuổi.
Nghe Audio trên Youtube: