Nhân Tông – Trần Khâm

Xuất thân: Vua Nhân Tông tên khai sinh Trần Khâm, là con trưởng của Trần Thánh Tông. Ông được sinh vào năm 1258, là năm mà quân Mông Cổ kéo sang xâm lược nước ta lần thứ Nhất, nhưng đồng thời cũng là lúc vương triều Trần đã củng cố xây dựng vững chắc vị thế của một vương triều mới trong lòng dân chúng cũng như các nước lân bang.

Vị thế: Vị vua thứ Ba của vương triều Trần.

Miếu hiệu: Nhân Tông.

Trị vì: Từ năm 1279 đến năm 1293.

Tên nước: Đại Việt, đóng đô tại Kinh thành Thăng Long.

Niên hiệu: Trong thời gian trị vì hơn 14 năm, nước Đại Việt thời Trần Nhân Tông có 2 niên hiệu:
Thiệu Bảo (1279–1284)
Trùng Hưng (1285–1293)

Nhân Tông - Trần Khâm.
Nhân Tông – Trần Khâm.

Việc chiến tranh: Ngay khi Trần Nhân Tông lên ngôi ở Đại Việt thì bên Trung Hoa đế chế Mông Cổ đã thôn tính nhà Tống và lập nên nhà nước Đại Nguyên do cháu nội của Thành Cát Tư Hãn là Hốt Tất Liệt làm Đại Hãn. Khi việc binh đao ở bên Trung Hoa đã có phần rảnh tay thì họ sẵn sàng xua quân xâm lược nước ta một lần nữa.

Tháng Một năm 1285, Hốt Tất Liệt sai con là Thoát Hoan đem 50 vạn đại quân chia làm ba mặt tấn công Đại Việt. Lường trước sức mạnh của giặc Mông Cổ, quân dân nhà Trần thi hành kế sách vừa đánh vừa rút lui nhằm bảo toàn lực lượng đợi thời cơ phản công. Trong những thời khắc lâm nguy, đã có những cá nhân, tướng lĩnh chấp nhận hy sinh cuộc đời, tính mạng để cứu lấy một quốc gia đang bên bờ vực thẳm, tiêu biểu như Công chúa An Tư, Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng . . . Nhưng đồng thời cũng có những tôn thất hoàng gia run sợ mà vội vàng đầu hàng rồi dẫn đường chỉ lối tiếp tay cho giặc; khiến cho vua tôi nhà Trần nhiều phen lao đao khốn đốn tưởng không còn đường thoát… Sau nhiều tháng nhường thế thượng phong, bấy giờ vua tôi nhà Trần nhận thấy quân giặc đã sinh trễ nải, sinh lực địch cũng dần tiêu hao; nên bắt đầu mở các chiến dịch phản công. Đến tháng Sáu năm ấy thì toàn bộ quân thù Nguyên Mông đã bị quân dân Đại Việt đánh đuổi hoàn toàn ra khỏi bờ cõi nước ta; riêng Trấn Nam vương Thoát Hoan phải co mình chui vào ống đồng rồi bắt lính nhanh chân khiêng chạy mới nhục nhã thoát thân về nước.

   Gần ba năm sau, cuối năm 1287, Trấn Nam vương Thoát Hoan một lần nữa đem 50 vạn quân tiến đánh phục thù Đại Việt. Thế nhưng lần trở lại này, Thoát Hoan không những không trả được nợ thất bại lần trước mà còn nhanh chóng thảm bại ê chề, đúng như tiên đoán của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn “Năm nay giặc đến dễ đánh!”. Còn Thoát Hoan khi về nước, bị Đại hãn Hốt Tất Liệt giận dữ đuổi ra Dương châu, suốt đời không cho gặp mặt!

Trong hai cuộc Kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Nhân Tông Trần Khâm không chỉ là lãnh đạo tối cao, mà còn là một vị tướng đích thân chỉ huy chiến đấu tại các trận ở Tràng An, Đại Mang Bộ, sông Bạch Đằng… Sau chiến thắng, Trần Nhân Tông đem bọn tù binh Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp cùng nhiều tướng giặc khác đến Chiêu Lăng – là nơi yên nghỉ của các vua Trần đã bị giặc Mông Cổ tàn phá trước đây, làm lễ hiến tế. Vua Nhân Tông bồi hồi xúc động đọc:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”

Dịch:
Xã tắc hai phen bon ngựa đá,
Non sông ngàn thuở vững âu vàng.”

Hình ảnh Trần Nhân Tông xuất du (Ảnh: Wikipedia).
Hình ảnh Trần Nhân Tông xuất du (Ảnh: Wikipedia).

Thoái vị: Sau hơn 14 năm làm vua, năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con rồi lui về phủ Thiên Trường làm Thái Thượng hoàng hơn 10 năm nữa.

   Cuối năm 1299, Thượng hoàng Nhân Tông lên núi Yên Tử tu hành. Ông sáng lập Thiền phái Trúc Lâm mang đậm tính chất của người Việt. Đến năm 1308, ông mất tại chùa Ngọa Vân trên núi Yên Tử, thọ 51 tuổi.

   Với những chiến công hiển hách trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, cùng những dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước; mở mang bờ cõi. Nhân tông Trần Khâm trở thành một vị vua nổi bật không chỉ riêng thời đại nhà Trần, mà còn xuyên suốt cả chiều dài lịch sử của dân tộc Việt.

Nghe Audio trên Youtube: