Thánh Tông – Trần Hoảng
Xuất thân: Thái tử Trần Hoảng sinh năm 1240 tại Kinh thành Thăng Long, là con trưởng của vua Trần Thái Tông.
Vị thế: Vị vua thứ Hai của vương triều Trần.
Miếu hiệu: Thánh Tông.
Trị vì: Tháng Ba năm 1258 đến tháng Mười Một năm 1278.
Tên nước: Đại Việt, đóng đô tại Kinh thành Thăng Long.
Niên hiệu: Trong thời gian hơn 20 năm trị vì, nước Đại Việt thời Trần Thánh Tông có 2 niên hiệu:
Thiệu Long (1258-1272)
Bảo Phù (1273-1278)
Trần Thánh Tông là vị vua nổi tiếng anh minh vừa nhân vừa dũng nên nước Đại Việt dưới thời Thánh Tông hầu như không có giặc giã, kinh tế chính trị được củng cố và ngày càng đi lên.
Vua Thánh Tông thường nói với người trong hoàng tộc rằng: “Thiên hạ là của ông cha để lại, nên để cho anh em cùng hưởng phú quý chung”. Với suy nghĩ như vậy nên khi bãi triều vua thường mời các vương hầu tôn thất vào trong điện cùng nhau ăn uống, trải gối kê giường liền nhau mà nằm thật là quý mến nhau. Còn những khi đương triều hoặc các việc công khác thì mới phân biệt ngôi thứ, cấp bậc cao thấp.
Kinh tế: Vua Thánh Tông xuống chiếu ra lệnh các hoàng thân quốc thích chiêu tập dân phiêu tán lưu lạc các nơi về khai hoang lập làm trang điền. Từ đó dân nghèo có ruộng để cày cấy, lúa ngô dồi dào, đời sống được an vui. Chế độ điền trang ở nước ta bắt đầu từ lúc ấy.
Giáo dục: Trước thời vua Trần Thánh Tông thì ở nước ta vẫn chưa có bộ quốc sử. Đến năm 1272 thì Lê Văn Hưu mới hoàn thành việc biên soạn bộ Đại Việt Sử ký chép từ thời Triệu Vũ Vương (Triệu Đà) đến Lý Chiêu Hoàng (vua cuối cùng triều Lý). Bộ sách gồm 30 quyển khai bút từ thời vua cha Trần Thái Tông qua hàng chục năm mới hoàn thiện. Nước Việt Nam ta có bộ quốc sử cũng từ thời ấy.
Đối ngoại: Những năm dân Đại Việt sống an vui dưới thời Thánh Tông thì bên Trung Hoa đế chế Mông Cổ đang ra sức tiêu diệt nhà Nam Tống nên cũng chưa rảnh tay để đem quân phục thù nước Việt. Nhận thấy nguy cơ người Mông Cổ sẽ sang cướp phá nước ta lần nữa nên vua Trần Thánh Tông bề ngoài thì tỏ ra mềm mỏng nhưng bên trong thì lo củng cố xây dựng lực lượng phòng bị. Nhà vua cho chế tạo vũ khí, đóng thêm chiến thuyền và tuyển đinh tráng các lộ làm lính, phân chia đội ngũ ra làm Quân và Đô, mỗi Quân có 30 Đô, mỗi Đô có 80 người, giao các hoàng tử và tướng lĩnh bắt phải luyện tập luôn.
Năm 1271, Hốt Tất Liệt hoàn thành việc tiêu diệt nhà Nam Tống rồi cải quốc hiệu thành Đại Nguyên, sai sứ sang dụ vua Trần Thánh Tông phải sang chầu ở Đại Đô (Bắc Kinh) nhưng nhà vua cáo bệnh không đi. Những năm sau đó, bên Đại Nguyên liên tục sai sứ giả sang đòi hỏi nhiều yêu sách như cống nạp tài vật, nhân sĩ hoặc vay lương, mượn đường mượn binh để đánh các thế lực, quốc gia lân cận. Vua Thánh Tông tỏ ý chần chừ, viện cớ rồi cống nạp một phần trong danh sách dài những điều khoản vô lý; riêng những yêu sách có tính xâm hại đến quốc thể thì ngài cương quyết cự tuyệt. Và nước ta đứng trước bờ vực chiến tranh với giặc Mông Cổ thêm một lần nữa.
Thoái vị: Năm Đinh Sửu 1277, cha Trần Thánh Tông vì tuổi cao qua đời ở quê nhà Tức Mặc nên sang năm 1279, vua Thánh Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Khâm rồi lui về phủ Thiên Trường làm Thái Thượng-hoàng. Tuy nói là rút lui nhưng trong các lần quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta vào các năm từ 1285 đến 1288 thì Thượng hoàng đều sát cánh cùng Thái tử Khâm (giờ là vua Nhân Tông). Trong cơn binh lửa ác liệt của cuộc chiến, cả vua Nhân Tông cùng Thượng hoàng nhiều phen lâm vào cảnh thập tử nhất sinh. Nhưng bằng kế sách hợp lý cùng lòng quả cảm của các hoàng tử, anh hùng tướng lĩnh khác mà cuối cùng quân dân Đại Việt đã thêm hai lần đánh bại đoàn quân cường bạo Nguyên Mông.
Năm 1290, không lâu sau khi đất nước sạch bóng quân thù xâm lược, Thánh-tông Trần Hoảng qua đời, hưởng thọ 51 tuổi. Từ đây vương triều Trần trải qua một thời gian dài hòa bình thịnh trị, đưa nước Đại Việt sang một trang sử mới, tiến lên một tầm vóc mới.
Nghe Audio trên Youtube: