Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (Phần 1)

Xuất thân: Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228; là con của An Sinh vương Trần Liễu cùng Thiện Đạo Quốc mẫu, và là cháu gọi Trần Thái Tông – vị vua đầu tiên vương triều Trần, là chú ruột.

Nếu xét rộng ra thì Trần Quốc Tuấn là cháu nội Trần Thừa – người về sau được truy tôn Thái Tổ của vương triều Trần. 

Sơ đồ các vị Tôn thất đầu thời Trần.

Chống quân Mông Cổ lần thứ Nhất: Trước nguy cơ Đại Việt bị người Mông Cổ tiến binh xâm lược, tháng Chín năm Đinh Tỵ (1257), vua Trần Thái Tông sai Trần Quốc Tuấn đem quân lên phía Bắc bày binh trấn giữ các nơi trọng yếu. Vài tháng sau đến cuối năm này, tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai kéo quân từ Vân Nam tràn sang nước ta. Bấy giờ Trần Quốc Tuấn đã tầm ba mươi, là độ tuổi đầy sung mãn. Tuy nhiên nếu xét về tầm vóc thì lúc này Trần Quốc Tuấn không thể nào bì với một Ngột Lương Hợp Thai đã làm mưa làm gió giày xéo tan nát nước Đại Lý ở Vân Nam. Do đó với lực lượng ít ỏi, Trần Quốc Tuấn chỉ biết vừa đánh vừa lui, tạm thời nhường cửa ải cho giặc rồi lui binh về Sơn Tây bảo toàn lực lượng chờ cơ hội phản công.

   Quân Mông Cổ tiến công chiếm được Kinh thành Thăng Long. Khi vào nhà ngục phát hiện sứ giả bị trói giam thì rất tức giận nên cho quân tàn phá Thăng Long rất nặng nề. Tuy nhiên quân giặc cũng chỉ chiếm được kinh thành vỏn vẹn chín ngày thì phải nhận các đợt phản công mạnh mẽ từ quân dân Đại Việt; đến nỗi khi rút chạy, quân giặc không còn tâm trí đâu mà nghĩ đến sự cướp bóc. Cho nên dân ta thời ấy mỉa mai gọi đoàn quân này là “giặc Phật” vì quá “hiền từ” khi rút quân. Sau chiến thắng, vua Thái Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Trần Hoảng, các thân vương chia ra các nơi gầy dựng lực lượng phòng khi hữu sự. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn về thái ấp ở Vạn Kiếp.

Thời thơ ấu: Trần Quốc Tuấn là con thứ Ba của An Sinh vương Trần Liễu; được mô tả tuấn tú khôi ngô, thông minh hơn người từ khi còn nhỏ. Đặc biệt sau sự kiện phản loạn bất thành của Trần Liễu năm Đinh Dậu 1237; dù được tha tội chết nhưng vì quá phẫn uất nên An Sinh vương Trần Liễu đã tìm thầy giỏi cả văn lẫn võ khắp nơi về đào tạo cho Quốc Tuấn hòng về sau đủ sức uy hiếp chi họ của Thái tông Trần Cảnh. Cho nên trước lúc lâm chung, Trần Liễu cầm tay Quốc Tuấn mà căn dặn: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.”

Thời Thánh Tông: Ngay sau khi đẩy lùi quân Mông Cổ ra khỏi bờ cõi nước ta vào đầu năm 1258, vua Thái Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông.

   Ở thời này do quân Mông Cổ đang ra sức tiêu diệt nhà Tống bên Trung Hoa cho nên tạm thời họ không rảnh tay để tiến xuống nước ta một lần nữa. Tuy nhiên để phòng bị, vua Trần Thánh Tông sai Trần Quốc Tuấn mở trường dạy võ nhằm đào tạo con em hoàng tộc và những người tài giỏi trong nước. Về sau, những anh hùng quả cảm, những tướng quân bách thắng như là Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Nguyễn Địa Lô… đều là những thường dân do Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn chiêu nạp và đào tạo.

Đặc biệt vì chuyện cũ của cha là An Sinh vương Trần Liễu cho nên tình cảm giữa vua Thánh Tông, Hoàng đệ Trần Quang Khải… và Trần Quốc Tuấn ban đầu không được êm đẹp cho lắm. Dần về sau này, chính Hưng Đạo vương là người chủ động tìm cách xóa bỏ những hiềm khích cá nhân, những bất đồng giữa hai nhà thúc bá để một lòng vì quốc gia đại sự.

Thời Nhân Tông: Ở thời Thánh Tông, nước Đại Việt nhìn chung thanh bình, ít giặc giã. Đến năm 1279, Thánh Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Khâm, tức vua Trần Nhân Tông; còn Thánh Tông lui về phủ Thiên Trường làm Thái Thượng hoàng. Lúc này người Mông Cổ cũng vừa tiêu diệt nhà Tống và thay bằng nhà nước Đại Nguyên do người Mông Cổ lãnh đạo, nên ta thường gọi là nước (quân) Nguyên Mông.

Tiên liệu rằng sớm muộn gì thì người Mông Cổ cũng đem binh sang xâm lược nước ta một lần nữa; cho nên ở đầu thời Nhân Tông quân dân Đại Việt hết sức lo việc phòng bị. Một hôm Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn từ thái ấp Vạn Kiếp đi thuyền về Kinh thành Thăng Long để bàn việc nước; Hoàng đệ Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải hay tin, liền cùng vài người tùy tùng ra ngoài đón rước rồi xuống thuyền thăm Hưng Đạo vương. Hai người bàn luận thật lâu tới hồi mỏi mệt nghỉ ngơi, biết Trần Quang Khải ít thích tắm gội, còn mình thì thích tắm thơm, Hưng Đạo vương ngỏ ý: “Thượng tướng mình mẩy bụi bẩn, xin được để tôi tắm dùm!” Nói rồi cởi áo tắm cho Quang Khải, vừa kỳ cọ vừa nói đùa: “Hôm nay hân hạnh được tắm cho Thượng tướng.”

“Hôm nay sung sướng được Quốc công tắm rửa cho.” – Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải vui vẻ đáp. Từ đó quan hệ giữa hai anh em trở nên thắm thiết hơn, tạo tiền đề cho sức mạnh đoàn kết của toàn dân sau này trong công cuộc chống giặc ngoại xâm Nguyên Mông.

 Hết phần 1.