Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng – Ông tổ nghề đúc Súng thần công Việt Nam
Trong số các triều đại phong kiến Việt Nam thì nhà Hồ là triều đại có thời gian tồn tại ngắn nhất, chỉ vỏn vẹn được bảy năm. Bởi vì nhà Hồ lên ngôi bằng việc năm 1400 Hồ Quý Ly phế truất cháu ngoại là Thiếu đế Trần Án khi mới vừa bốn tuổi rồi sau đó bảy năm đến lượt con trai là Hồ Hán Thương để mất nước vào tay giặc Minh nên người đời sau đã ít nhiều quên đi những con người, những đóng góp đáng ghi nhận của triều đại này trong quá trình xây dựng bảo vệ đất nước cũng như gồng mình chống giặc ngoại xâm mà tiêu biểu nhất trong số đó là Hồ Nguyên Trừng, một nhân vật đa tài trăm năm hiếm gặp.
Hồ Nguyên Trừng (1374 – 1446) là con trai cả của Hồ Quý Ly và ông được xem là cha đẻ của Súng thần công Việt Nam.
Hồ Quý Ly lên ngôi vua chưa được một năm thì theo cách thức trị nước của nhà Trần trước đó, nhường ngôi cho con và lên làm Thượng hoàng. Khi đó nhà vua đóng vai trò như “sinh viên thực tập” còn Thượng hoàng vẫn tham gia triều chính và đưa ra những quyết định quan trọng; thế nên các vị vua triều Trần thường có thời gian tại vị không lâu thì sớm nhường ngôi và lên làm Thượng hoàng. Hồ Quý Lý thăm dò cậu cả bằng việc ra một vế đối rồi nhận thấy khẩu khí của Hồ Nguyên Trừng không đủ khí khái của một bậc đế vương, vậy là Quý Ly nhường ngôi cho con trai thứ là Hồ Hán Thương còn Hồ Nguyên Trừng đảm nhiệm chức Tả tướng quốc. Thế nhưng Hồ Nguyên Trừng không vì việc bỏ trưởng lập thứ ấy mà tranh quyền đoạt vị một mất một còn như các con của Đinh Tiên Hoàng Đế trước đây hay như trường hợp của các cháu nội Lê Lợi về sau này.
Năm 1397, nhằm chuẩn bị cho mưu đồ lật đổ họ Trần, Hồ Quý Ly đã cho xây dựng thành Tây Đô (thành nhà Hồ) ở huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa. Đây là tòa thành rất quy mô, kiên cố và độc đáo tại Việt Nam từ ấy đến nay khi được ghép nối bởi rất nhiều tảng đá rất lớn so với sức người vào thời điểm ấy. Tư liệu lịch sử tỉnh Thanh Hóa ghi chép về thành nhà Hồ như sau: “Toàn bộ mặt ngoài tường thành và bốn cổng chính đều được xây bằng những phiến đá vôi xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các bức tường thành được ghép từ những khối đá lớn, có phiến dài hơn 6 thước, ước nặng 20 tấn…” Hãy khoan một chút! Các bạn hãy thử hình dung xem tòa thành vững chãi này được xây dựng trong thời gian bao lâu?
Một trong các cổng Thành nhà Hồ (Ảnh St)
Cho đến ngày nay, hơn 600 năm đã trôi qua cùng nhiều biến cố lịch sử, những phiến đá lạnh lẽo phủ đầy rêu bụi thời gian vẫn nằm trơ đó nhưng ít ai biết rằng thành Tây Đô được xây dựng dưới sự chỉ huy của vị Tổng công trình sư tài hoa Hồ Nguyên Trừng và thật ngạc nhiên khi biết rằng công trình này được hoàn thành trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 3 tháng từ tháng Giêng đến tháng Ba năm 1397.
Nếu như thành Tây Đô là đỉnh cao của sự vững chắc trong xây dựng hệ thống phòng thủ thì Hồ Nguyên Trừng còn được coi là người thiết kế ra thuyền cổ lâu (loại thuyền chiến có hai tầng) và ông tổ của nghề đúc súng thần công khi cải tiến các loại hỏa pháo trước đó để cho ra đời khẩu “Thần cơ Thương pháo” (còn gọi là “Thần cơ Sang pháo” – vì chữ “Thương” và chữ “Sang” cùng chung cách viết Hán tự), một loại súng có sức sát thương và công phá hơn hẳn các loại súng đương thời, bổ sung đáng kể cho sức mạnh vũ khí. Nhờ hai phát minh thuyền và súng này mà có lúc quân nhà Hồ đã chiếm được ưu thế so với Đại Minh trên cả hai mặt trận bộ binh lẫn thủy binh.
Hình ảnh về Súng thần công (Ảnh sưu tầm minh họa).
Sử nhà Minh chép: “Trong cuộc bình Giao Chỉ, nhà Minh đã bắt được súng thần, pháo thần của Giao Chỉ được coi là vũ khí nhất thiên hạ… Súng thần công có được gần đây dùng sắt làm tên, bắn đi bằng lửa, đi xa ngoài 100 bước, nhanh chóng kỳ diệu như thần, nghe thấy tiếng là lửa đã đến.”
Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần nên nhà Hồ không được lòng dân, lại phải đối đầu với thời kỳ cực thịnh của quân sự Trung Hoa nên đã nhanh chóng bị đánh bại. Điều đó đã được tiên đoán khi trước đây Hồ Quý Lý hỏi ý các đại thần về chủ trương nên hòa hay nên đánh thì Hồ Nguyên Trừng đã thốt lên một câu đầy day dứt: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Thật vậy, khi mà đã mất lòng dân thì cho dù có thành vững, súng mạnh, đạn dược đầy đủ đi chăng nữa cũng chỉ là một cơ đồ nghiêng ngả mà thôi.
Kho đạn đá nhiều chủng loại được tìm thấy tại Thành nhà Hồ (Ảnh St).
Hồ Quý Ly không có cái dũng khí tuẫn tiết của bậc đế vương nên cả ba cha con cùng Thái tử Nhuế và nhiều con cháu bị giặc Minh đuổi bắt rồi giải sang Kim Lăng (Trung Quốc), cuối cùng hoặc bị giết hoặc bị đày ải đến chết trên đất Minh. Riêng Hồ Nguyên Trừng được nhà Minh tận dụng khả năng chế tạo vũ khí mà tha chết, bắt đổi tên là Lê Trừng (vì Lê Quý Ly sau khi chiếm ngôi thì đổi họ thành Hồ Quý Ly) đến đời Minh Anh Tông được phong làm Tả thị lang bộ Công.
Không chỉ là thiên tài về khoa học xây dựng, công nghệ chế tạo vũ khí mà ông còn là một tài năng về văn học. Khi sống cuộc đời lưu vong ở Trung Hoa, Hồ Nguyên Trừng đã soạn ra cuốn “Nam Ông mộng lục” chép lại những giấc mộng của Nam Ông (tên hiệu của Hồ Nguyên Trừng). Đây là tập văn xuôi viết bằng chữ Hán đầu tiên mở đường cho khuynh hướng viết hồi ký trong trong văn xuôi tự sự Việt Nam.
Đánh giá công lao của Hồ Nguyên Trừng, Sử nhà Minh chép rằng “đánh thắng địch là dựa vào súng thần”. Sau khi ông qua đời, vua nhà Minh sắc phong làm “Thần hỏa khí”, mỗi khi tế súng đều phải tế Hồ Nguyên Trừng. Trong “Vân đài loại ngữ”, Lê Quý Đôn viết: “quân Minh khi làm lễ tế súng đều phải tế Trừng”.
Ngày nay cái tên Hồ Nguyên Trừng còn khá xa lạ với nhiều người cũng bởi tại ông là con của Hồ Quý Ly. Cái tội của Hồ Quý Ly là tội cướp ngôi của cháu ngoại rồi để mất nước vào tay giặc Minh. Trong 7 năm trị vì ngắn ngủi, nhà Hồ đã có những cải cách vượt bậc, cũng chăm lo đời sống nhân dân và gồng mình chống giặc ngoại xâm. Rước giặc về nhà là những gia nô mạo danh hậu duệ nhà Trần. Nhà Hồ suy vong cốt là ở chỗ không được lòng dân chứ có phải đâu họ buông xuôi, hèn hạ mà đem nước Việt dâng cho giặc!
Nghe Audio trên Youtube: