Thái tổ Trần Thừa – Thượng Hoàng Chưa Một Ngày Làm Vua
Triều đại nhà Lý bắt đầu từ năm 1010, khi Thái tổ Lý Công Uẩn được tôn lên ngôi vua và dời đô về Thăng Long. Đó là một giai đoạn đất nước phát triển mạnh mẽ, mở đầu thời kỳ thế nước vươn cao, từng oanh liệt đánh bại cuộc xâm lăng của nhà Tống. Thế nhưng những năm tháng cuối cùng của thời đại nhà Lý lại là những bức tranh u ám đối lập hoàn toàn với thuở sơ khai. Những vị vua sau tài đức hạn chế, đặc biệt Cao Tông hoang chơi sa đọa, con trai Thái tử Hạo Sảm u tối, nhu nhược. Đất nước Đại Việt bấy giờ lâm vào tình cảnh đầy rối ren.
Trong lúc vua cha Lý Cao Tông còn đang loay hoay đối phó loạn Quách Bốc thì Thái tử Lý Hạo Sảm trốn chạy về Thiên Trường trú nhờ nhà dân có nghề đánh cá. Thái tử Sảm thấy cô con gái Trần Thị Dung khỏe khoắn lại xinh đẹp bèn lấy làm vợ, rồi phong chức tước cho cha và cậu của vợ mới cưới. Từ đó, anh em họ Trần chiêu mộ binh sĩ giúp Thái tử Sảm về kinh trừng trị bọn Quách Bốc, đón vua cha Lý Cao Tông về lại kinh thành. Tuy nhiên, lúc này đất nước vẫn còn đang rối lắm. Lý Cao Tông về lại kinh thành làm vua thêm một năm nữa thì lâm bệnh nặng rồi băng hà ở tuổi 38.
Năm 1211, Thái tử Lý Hạo Sảm kế vị ngôi vua, lấy hiệu Huệ Tông. Bấy giờ các thế lực chống đối nổi lên như ong vỡ tổ, đói kém triền miên năm này qua năm khác; còn phía hậu cung thì mẹ chồng và nàng dâu Trần Thị Dung bất đồng sâu sắc. Nói chung cơ nghiệp mà Lý Huệ Tông kế thừa từ vua cha là một vương triều đang lâm vào thời kỳ suy thoái.
Huệ Tông lúc 15 tuổi đã bắt đầu thay vua cha chuyện triều chính mà tài đức thì hạn chế, tính tình lại nhu nhược nên mẹ là Đàm Thái hậu phải cùng ngồi nghe chính sự. Tháng 12 năm 1216, Trần Thị Dung được phong làm Hoàng hậu. Kể từ đó, anh em, thân thuộc họ Trần nắm hết các chức văn võ quan trọng trong triều. Trần Tự Khánh làm Phụ chính Thái úy, Trần Thừa làm Nội thị Phán thủ; đều là các anh trai của Hoàng hậu Trần Thị; đó là chưa kể còn người em họ Trần Thủ Độ và lực lượng đằng sau sẵn sàng hành động khác.
Vua Huệ Tông thì đau yếu luôn, không sinh được hoàng tử, lại gặp buổi loạn lạc nên bệnh tình của vua mỗi ngày một nặng; với mưu toan sâu xa của họ Trần, năm 1224 dưới sức ép của Trần Thủ Độ, vua Lý Huệ Tông chính thức nhường ngôi cho con gái là công chúa Chiêu Thánh lúc này mới 8 tuổi tức Lý Chiêu Hoàng, còn Huệ Tông thì lên chùa đi tu.
Lúc này Nội thị Phán thủ Trần Thừa có cậu con trai tên Trần Cảnh cũng tầm tuổi vua, lại có dáng vẻ khôi ngô. Thế là Trần Thủ Độ bày mưu cùng Trần Thừa đi một nước cờ thế. Năm 1225, Trần Cảnh được đưa vào cung làm Chính thủ phục vụ vua nữ, tạo đà cho nước cờ tiếp theo. Một hôm, triều đình ban lệnh đóng chặt cổng thành và các cửa cung, nội bất xuất ngoại bất nhập; Trần Thủ Độ họp các triều thần, dõng dạc tuyên bố:
“Bệ hạ đã có chồng rồi, chồng là quan Chính thủ Trần Cảnh.”
Chiêu Thánh là con gái của Hoàng hậu Trần Thị Dung; Trần Cảnh là con trai của Trần Thừa anh ruột Trần Thị Dung. Vậy đôi vợ chồng 8 tuổi này là anh em nhà Cô nhà Cậu. Cả triều sững sờ nhưng chẳng ai dám nói nên lời.
Một ngày mùa đông năm Ất Dậu 1225, vua Lý Chiêu Hoàng mở hội lớn tại điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy dưới sân. Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự, mời chồng là Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Sau đó một năm, Trần Thủ Độ đi ngang chùa thấy cựu vương Huệ Tông đang ngồi nhổ cỏ mà nói:
“Này, để ta bày cho. Nhổ cỏ thì phải nhổ tận rễ mới xong nghe chưa”.
Huệ Tông khẽ đáp: “Ta biết ý ngươi rồi”. Sau đó ra sau chùa treo cổ tự vẫn, chết lúc 33 tuổi.
Thế là trải qua chín đời vua tồn tại trong 215 năm từ 1010 đến 1225, triều đại nhà Lý kết thúc khi Trần Thủ Độ ép nữ hoàng 8 tuổi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, tạo nên một cuộc đổi ngôi không tốn một mũi tên hòn đạn, tránh được cảnh binh đao máu chảy đầu rơi thật độc đáo trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Trần Cảnh được họ Lý nhường ngôi làm vua, cho nên Trần Thừa là cha Trần Cảnh được tôn làm Thượng hoàng.
Trần Thừa sinh năm 1184 ở làng Tức Mạc, là con trưởng của Trần Lý (sau này giúp Lý Cao Tông dẹp loạn mà chết), là anh của dũng lược tướng quân Thái úy Trần Tự Khánh, Hoàng hậu Trần Thị Dung, anh họ Thái sư Trần Thủ Độ.
“Kể từ Trần Thừa trở về trước, người họ Trần ở làng Tức Mạc, Phủ Thiên Trường, nay là làng Tức Mạc, Huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, đời đời làm nghề chài lưới”.
Trần Thừa từ nhỏ đã theo cha và cậu đem quân về kinh dẹp giặc giúp vua Lý, sau lại cùng em là Trần Tự Khánh lập nhiều công lao đánh tan dư đảng giặc ngoài cõi nên được Lý Huệ Tông phong làm quan. Khi con thứ Trần Cảnh lên ngôi, Trần Thừa được tôn là Thượng hoàng trông coi việc nước, em họ Trần Thủ Độ làm Thái sư, tung hoành khắp miền Bắc đánh dẹp các thế lực còn chưa chịu khuất phục triều đại mới. Lúc này vua Trần còn quá trẻ nên trong khoảng mười năm đầu, mọi việc trong triều hai người đều bàn bạc với nhau.
Những năm làm quan triều Lý, kể cả khi ông đã là Thái úy phụ chính, ông vẫn ở phủ đệ Tinh Cương, mãi đến ngày Trần Cảnh lên ngôi vua rồi cho xa giá sai người đến đón ông mới chịu rời phủ về kinh. Trần Thừa có tính khiêm nhường và biết đánh giá đúng người, đúng việc. Khi cha là Trần Lý chết trận, đáng lý việc cầm quân thuộc về Trần Thừa nhưng ông thấy Trần Tự Khánh có tài thao lược hơn mình nên nhường cho em.
Trong chín năm ở ngôi Thượng hoàng, ông dung hòa mọi mâu thuẫn với các bậc cựu thần thời Lý để củng cố vương triều, tái thiết đất nước. Việc này rất gian nan và cấp bách, bởi bấy giờ đội quân Thát Đát Mông Cổ đã xâm lấn tới các quốc gia phía Nam Trung Hoa và đang lăm le dòm ngó Đại Việt.
Có thể chưa nói hết những công lao của ông với triều Trần, với dân tộc; nhưng với những việc kể trên chứng tỏ ông là người có công lớn trong buổi đầu khai nghiệp. Ông mất năm Giáp Ngọ (1234), thọ 51 tuổi. Sau khi ông mất , được truy tôn là Thái Tổ nhà Trần tức Trần Thái Tổ.
Nghe Audio trên Youtube: