Nguyễn Lữ và Giai thoại Hùng Kê quyền

     Vương triều Tây Sơn là một vương triều được hình thành từ cuộc khởi nghĩa của ba anh em nông dân ở vùng núi huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định. Cho dù vương triều ngắn ngủi này chỉ tồn tại trong 25 năm nhưng sự xuất hiện của họ đã gắn liền với rất nhiều giai thoại. Ngoài những giai thoại về một hoàng đế Quang Trung thần tốc bách chiến bách thắng thì còn có những giai thoại về Nguyễn Lữ cùng sự ra đời của một bài quyền trứ danh được hậu thế lưu truyền đến tận ngày nay. Đó chính là bài quyền mang tên Hùng Kê quyền.

     “Đến như hổ như báo kia đã xưng hùng được chưa mà kê đã dám xưng hùng.”

     Một hôm Nguyễn Lữ đang ngồi trong trướng bàn đại sự cùng các huynh đệ thì một võ sư Thiếu lâm vì nghe uy danh của bài quyền Hùng Kê của ông mà đến khích bác hòng muốn kiểm chứng uy lực thật sự của bài quyền có đúng như thiên hạ đồn đoán. Lúc này Nguyễn Nhạc cũng vừa khởi binh, vốn đang chiêu hiền đãi sĩ, trong nhà đang có nhiều hào kiệt tứ phương; không muốn mất hòa khí đã gây dựng lâu nay nên khẽ bảo người em “Òh thì, hay là thôi đệ bỏ đi” nhưng vị võ sư kia vẫn cứ một mực muốn so tài cao thấp để tỏ thực hư thế nào. Nhận thấy tình thế ngày càng chèn ép, ức chế chịu hết nổi thanh niên Nguyễn Lữ nhận lời thách đấu, sẵn dịp thể hiện cho 500 anh em Tây Sơn chiêm ngưỡng luôn. Vào trận, vị võ sư kia liên tục tung ra những đường quyền cước sát thủ hòng áp chế đối phương còn Nguyễn Lữ thì vẫn cứ ung dung, lỳ lợm như một chiến kê với các thế lặn hụp, tránh né khiến võ sư Thiếu Lâm tiêu hao nhiều sức lực còn mình thì vẫn không hề hấn gì. Và trong khoảnh khắc nhận thấy đối phương sơ hở, Nguyễn Lữ liền nhập nội phản công. Chỉ với một chiêu duy nhất, trong tích tắc ông đã khiến cho đối thủ hoàn toàn choáng váng. Bị “Knock-out” đầy bất ngờ, khi đó vị võ sư Thiếu Lâm mới tỏ ra tâm phục khẩu phục.

Võ sư Ngô Bông - Hùng Kê quyền

Một thế đánh của Hùng Kê quyền (Võ sư Ngô Bông).

     Đông Định vương Nguyễn Lữ (1754 – 1787) là cậu út trong Tây Sơn Tam Kiệt gồm Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ – Nguyễn Lữ. Thuở hàn vi, cả ba anh em họ Nguyễn cùng bái thầy Trương Văn Hiến làm sư phụ để học cả văn lẫn võ. Sau ngày khởi nghĩa Nguyễn Nhạc lên ngôi vua, Nguyễn Huệ là danh tướng vĩ đại nhất của Tây Sơn, còn Nguyễn Lữ cũng là danh tướng của triều đại này.

     Lại nói lúc bấy giờ chính trị bên Trung Hoa có sự biến động lớn khi triều đại Mãn Thanh lên nắm chính quyền. Dòng người Hoa mang tư tưởng “Phản Thanh phục Minh” di tản sang nước Nam ta rất đông mà vùng Tây Sơn – Bình Định này có cửa biển Thi Nại (tức Thị Nại ngày nay) hoặc xa hơn một chút về phía Quảng Nam có cửa biển Hội An là nơi giao thương kinh tế – văn hóa sầm uất bậc nhất vùng Đàng Trong. Vì thế đã có một dòng người Hoa định cư và truyền bá văn hóa của họ ở đây mà trong đó võ thuật là một trong những nét văn hóa đặc sắc của họ. Nguyễn Lữ nhận thấy võ thuật Trung Hoa thường hay lấy hình tượng của các con vật như Rồng, Hổ, Hầu, Xà… mà sáng tạo ra các thế đánh, bài quyền mang hình – ý của các con vật ấy. Tương truyền một hôm Nguyễn Lữ xem trận đá gà trên quê hương ông, tận mắt chứng kiến những thế đánh nhanh nhẹn, hiểm hóc của một chiến kê rất xuất chúng ngày hôm ấy. Từ cảm hứng đó ông về suy ngẫm và sáng tạo nên bài Hùng Kê quyền rất độc đáo, đặc sắc và đặc biệt phù hợp với thể tạng của ông cũng như đa số binh sĩ Tây Sơn thời đó.   

Đông Định vương Nguyễn Lữ

Tượng Nguyễn Lữ tại Bảo tàng Quang Trung (Ảnh Wikipedia).

     Sau thất bại của nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn lên ngôi đã truy sát rất dã man và triệt để những gì liên quan đến triều đại này. Trải qua hơn 200 năm thăng trầm cùng lịch sử tưởng chừng như bài quyền này đã mãi mãi bị vùi chôn theo sự sụp đổ của nhà Tây Sơn thì năm 1993 lần đầu tiên bài Hùng Kê quyền được võ sư Ngô Bông trình diễn tại Hội nghị chuyên môn về võ thuật cổ truyền toàn quốc tại Sài Gòn. Bài quyền sau đó được Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam đưa ngay vào danh sách các bài quyền quốc gia cùng các bài Lão Hổ Thượng Sơn, Tứ Linh Đao, Roi Thái Sơn ở lần bình xét đầu tiên. Sau này năm 2004 tại Hàn Quốc, lão võ sư Ngô Bông một lần nữa đã làm ngỡ ngàng toàn thể 70 môn phái trên toàn thế giới khi biểu diễn lại những nét tinh hoa độc đáo của bài quyền này dù cho năm đó ông đã tầm 80 tuổi.

Hùng Kê Quyên - Võ sư Ngô Bông

Lão võ sư Ngô Bông thi triển các thế hiểm của bài Hùng Kê quyền.

     Điểm đặc trưng dễ nhận biết nhất của bài quyền này là dùng các ngón tay cứng cáp linh hoạt có khi chớp nhoáng như một mỏ gà, khi thì uy lực như những cựa gà để tấn công “mổ” vào mắt, “đâm, xỏ” vào yết hầu và những nơi yếu hiểm trên cơ thể. Lão võ sư Ngô Bông thị phạm bài quyền này vô cùng thần thái bởi những ngón tay của ông “cứng như những chiếc cựa sắt”, kết quả của thời gian dài khổ luyện Thiết Sa Chưởng – loại võ công dùng bàn tay, ngón tay đâm – thọc – bấu vào cát, sỏi đang đun nóng.

     Nhà Tây Sơn dĩ nhiên không chỉ có mỗi bài quyền Hùng Kê nhưng bài quyền này là những miếng đánh, thế võ không thể thiếu trong quá trình rèn luyện quân sỹ góp phần tạo nên sức mạnh khủng khiếp của binh lính, quân đội Tây Sơn đã được chứng minh qua các chiến thắng Xiêm La, Mãn Thanh vang danh kim cổ. Người sáng tạo ra bài quyền được ghi nhận là Đông Định vương Nguyễn Lữ; còn người gìn giữ, phát huy và giới thiệu rộng rãi đến công chúng mộ điệu là cố Lão võ sư Ngô Bông – một người con của đất Quảng Ngãi, điều đó nói lên sự thăng trầm của lịch sử, của bản thân bài quyền khi trôi dạt và được gìn giữ ở vùng đất mà nó không được sinh ra.

     Mời mọi người cùng xem võ sư Ngô Lâm thị phạm bài Hùng Kê quyền kèm lời thiệu dưới dạng bài thơ gồm 9 câu dưới đây nhé.