Công chúa An Tư – Sự Hy sinh Thầm lặng
Lâu nay mỗi khi nhắc tới triều đại nhà Trần thì chúng ta thường nghĩ ngay đến công lao to lớn của các vị vua, hoàng tử cũng như nhiều chiến tướng anh dũng khác. Thế nhưng vào lúc thế nước nguy nan nhất, nếu như không có sự hy sinh thầm lặng mà đầy cao cả của một người phụ nữ thuộc dòng tông thất thì có lẽ vương triều Trần đã không còn tồn tại để tiếp nối những trang sử hào hùng đến tận ngày nay. Người phụ nữ ấy chính là Công chúa An Tư, con gái út của vua Thái Tông Trần Cảnh.
Vào những ngày đầu của cuộc Kháng chiến chống Nguyên Mông lần hai, 50 vạn quân Nguyên từ ba phía ào ạt tiến đánh nước ta. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cùng các Hoàng tử Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật trực tiếp cầm quân chặn giặc từ biên ải nhưng không nổi. Một số vương hầu tông thất khác thấy thế giặc quá to mà dao động rồi sớm đầu hàng, tiêu biểu như Hoàng tử Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, Chương Hiến hầu Trần Kiện… Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông phải rút khỏi kinh đô Thăng Long lui về Thiên Trường tìm cách thoát khỏi các gọng kìm ngày càng khép chặt của giặc.
Một ngày tháng Ba năm 1285, Thoát Hoan đưa quân tiến sát kinh thành Thăng Long. Ông ta kết các bè thành cầu phao cho quân qua sông Nhĩ Hà (đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội) đánh chiếm Thăng Long. Quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại nhưng không nổi, ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, thế nước lúc đó cực kỳ nguy cấp. Thượng hoàng, nhà vua và Hưng Đạo Vương tìm mọi cách nhằm trì hoãn sự truy đuổi của giặc, mà kế trì hoãn lúc đó không gì hơn mỹ nhân kế. Nhưng mỹ nhân mà Trấn Nam vương Thoát Hoan con trai Hoàng đế Đại Nguyên Hốt Tất Liệt thu nhận quyết không phải dạng vừa. Thượng hoàng nghĩ nát óc thấy mỹ nhân đó không ai có thể trọn vai trò ngoài cô em út thân yêu của mình đó là Công chúa An Tư. Vì nghĩa lớn đối với đất nước, An Tư sẵn sàng hy sinh đời mình, chấp nhận lời thỉnh cầu của vua anh Trần Thánh Tông và vua cháu Trần Nhân Tông.
An Tư (còn gọi là Thiên Tư – không rõ năm sinh, năm mất) là con gái út của vua Trần Thái Tông, em của Trần Thánh Tông, Trần Quang Khải, em họ Trần Quốc Tuấn và là cô của vua Trần Nhân Tông.
Sơ đồ các vị vua và tông thất nhà Trần.
Giữa lúc đang khẩn trương đưa quân hai mặt sắp sửa đuổi kịp vua Trần thì Thoát Hoan được tin vua Trần cử sứ bộ đến quân doanh. Trung Hiến hầu Trần Dương cầm đầu sứ bộ xin cầu hòa lập tức bị bắt giữ, còn cận thị Đào Kiên đem Quốc muội An Tư sang thì được tiếp đãi tử tế rồi cho về. Thoát Hoan sau đó bị lôi cuốn vào vòng đam mê khiến việc đuổi bắt vua Trần bị chậm hẳn đi một nhịp. Thừa cơ, hai vua Trần rút nhanh ra biển rồi khéo léo vòng vào Thanh Hóa thoát khỏi thế bị kẹp giữa hai gọng kìm của giặc.
Trong kế sách mà quan quân nhà Trần đề ra để kháng cự với giặc mạnh có nêu “thắng là thắng ở toàn cục” nên thời gian đầu quân ta chủ yếu kiềm hãm thế tấn công của giặc bằng những trận đánh nhỏ lẻ nhằm đưa đội quân Nguyên Mông vào cuộc chiến dài ngày bằng kế “thanh dã – vườn không nhà trống” chờ quân giặc suy yếu rồi mới tổng phản công nên thời gian này là những màn rượt đuổi nghẹt thở khắp vùng từ Thăng Long đến Thanh Hóa cả trên bộ lẫn trên biển. Nhưng giả sử nếu như không có những sự hy sinh anh dũng và cao cả của những con người làm nhiệm vụ “cản mũi” như Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng và Công chúa An Tư thì liệu quân đội nhà Trần có đi đến thắng lợi cuối cùng!
Công chúa An Tư trên bìa sách của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Sau chiến thắng, hoàng tộc nhà Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần nhưng không hiểu vì sao không ai nói đến An Tư. Không rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân. Cho dù thế nào đi nữa thì sự hy sinh của bà mãi mãi được hậu thế biết ơn và cảm phục.
Khoảng năm 1943, bằng tình cảm và lòng ngưỡng mộ của mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết nên cuốn tiểu thuyết lịch sử An Tư như để khỏa lấp một khoảng trống lịch sử (với nhiều câu chuyện, nhân vật hư cấu) đồng thời cũng để nhắc nhở hậu thế nhớ về sự hy sinh thầm lặng nhưng đầy cao cả của một người phụ nữ “lá ngọc cành vàng” năm xưa.