Đặng Dung – Dưới trăng bao độ tuốt gươm mài

     Người ta cứ mãi nói về việc Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần để rồi mất nước vào tay giặc Minh mà coi ông như một tội nhân của dân tộc. Thực tế thì nhà Trần vào lúc cuối triều cũng chỉ là chuỗi ngày dài nhạt nhòa u ám. Nội bộ gia tộc chia rẽ, một bộ phận tôn thất hèn kém; thế rồi mất nước. Mất nước vì rước giặc về nhà đã đành, nay mất nước khi cố gắng chống giữ nhưng vì nhận định và hành động sai lầm mà để mất nước thì càng cay đắng hơn. Đó là câu chuyện của thời kỳ mà sử sách gọi là nhà Hậu Trần xảy ra vào tháng Ba năm 1409.

     Việc đầu tiên mà nhà Minh thực hiện sau khi đánh bại cha con Hồ Quý Ly năm 1407 không phải là khôi phục vương triều Trần như đã hứa mà là đổi tên nước Đại Ngu thành quận Giao Chỉ, đặt chính sách cai trị đô hộ, đồng thời truy lùng ráo riết những tôn thất nhà Trần nào còn chưa chịu thần phục. Lúc này, Trần Ngỗi (con Trần Nghệ Tông) nổi lên như tia nắng hiếm hoi cuối ngày le lói chút hy vọng cứu vớt gia nghiệp Trần gia. Trong lúc lẩn trốn sự truy lùng của chính quyền đô hộ nhà Minh ở Ninh Bình, do là hậu duệ nhà Trần, ông được thổ hào và nhân dân vùng này tôn làm hoàng đế – xưng là Giản Định đế. Cuộc khởi nghĩa sau khi nổi lên đã đánh thắng bọn ngụy quan, giải phóng được một số làng xã nhưng ngay lập tức bị bọn tướng nhà Minh đem quân đánh dẹp. Giản Định đế bị thua phải chạy vào Nghệ An. Lúc này tướng quân Đặng Tất và bạn là Nguyễn Cảnh Chân đang tạm thời đầu hàng quân Minh, nghe tin hậu duệ nhà Trần khởi nghĩa bèn chém tướng nhà Minh rồi đem toàn bộ binh lực gần một vạn người xin theo Giản Định đế, được Giản Định đế phong làm Quốc công, giao thống lĩnh nghĩa quân. Dưới sự phò trợ đắc lực của hai chí sĩ này, lực lượng nghĩa quân nhà Hậu Trần lớn mạnh nhanh chóng, liên tiếp chiến thắng, uy hiếp chính quyền đô hộ nhà Minh. Thế rồi câu chuyện kinh điển muôn thuở xảy ra. Tháng Ba năm 1409, Giản Định đế Trần Ngỗi nghe lời gièm pha của hoạn quan. Vốn đã tức giận Đặng Tất không nghe theo ý mình, nay thêm bọn tay chân xu nịnh khoét sâu mối bất hòa, Giản Định đế liền bày trò cho truyền Tất và Chân đến thuyền ngự rồi sai lực sĩ bóp cổ giết chết. Nguyễn Cảnh Chân cố thoát, bơi thuyền vào bờ nhưng bị bọn lực sĩ đuổi theo giết nốt. Bất bình trước hành động thiếu sáng suốt và độc ác của vua, Đặng Dung (con Đặng Tất) và Nguyễn Cảnh Dị (con Nguyễn Cảnh Chân) bỏ hàng ngũ, tìm cháu nội Nghệ Tông Trần Phủ là Trần Quý Khoáng (tức Trần Quý Khoách – con của Mẫn vương Trần Ngạc) rước vào Nghệ An, tôn lên ngôi vua tháng Tư năm 1409, hiệu là Trùng Quang đế, đứng đầu cuộc khởi nghĩa mới. Dưới sự phò trợ của hậu nhân hai nhà Đặng – Nguyễn, lực lượng Trùng Quang đế ngày càng lớn mạnh còn lực lượng Giản Định đế thì ngày càng suy yếu. Cuối cùng Giản Định đế bị quân Minh bắt giải về Kim Lăng (Trung Quốc) rồi giết chết năm 1409 – làm vua hơn 1 năm.

     Đầu năm 1410, lợi dụng lúc Trương Phụ phải về nước theo lệnh Minh Thành tổ Chu Đệ để đối phó quân Nguyên Mông đang quấy rối, lực lượng nghĩa quân Trùng Quang đế dưới sự phò trợ của Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị và Nguyễn Súy đã nổi dậy rất mạnh mẽ. Bắt đầu từ Thanh Hóa, họ tiến binh ra Bắc tới tận vùng Hải Phòng, Hải Dương… đốt phá gần hết thuyền trại của giặc, giải phóng cả một vùng rộng lớn chưa từng thấy dưới thời bị nhà Minh cai trị. Trương Phụ vì thế, sau khi dẹp yên quân Thát Đát thì giữa năm 1411 tức tốc đem binh trở lại Giao Chỉ, lực lượng nghĩa quân lúc này phải lui dần xuống phía nam về vùng Hóa Châu (Thừa Thiên Huế). Trương Phụ là dòng dõi chiến tướng nhà Minh, cha Trương Phụ là trợ thủ đắc lực từng giúp Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương chấm dứt thời kỳ hưng thịnh Nguyên Mông ở Trung Hoa. Trương Phụ từng đánh bại thành Đa Bang kiên cố của cha con Hồ Quý Ly. Thế nhưng, trước sự lớn mạnh của nghĩa quân Trùng Quang đế cùng với địa thế hiểm trở của Hóa Châu, Trương Phụ tỏ ra khá dè chừng. Mộc Thạnh sợ phía nam biển rộng núi cao, lam chướng hiểm trở, khuyên Trương Phụ chỉ nên chiếm giữ từ Nghệ An trở ra. Trương Phụ đang suy tính thì… con virus gây nạn dịch bán nước vẫn còn đang hoành hành. Tên Việt gian Phan Liêu vừa được quân Minh ban cho chức Tri phủ Nghệ An thay cha hắn vừa chết, đã ton hót, nói rõ địa thế, tình hình lực lượng nghĩa quân ở phía nam. Chỉ chờ có thế, Trương Phụ quyết định lập tức đưa quân đánh thẳng đến Hóa Châu.

     Tháng Tám năm 1413, Trương Phụ đem quân vượt biển đánh vùng Nhật Lệ (Quảng Bình), sau đó hội quân cùng Mộc Thạnh ở Thuận Châu (Quảng Trị) bàn kế hoạch tiêu diệt nghĩa quân. Đặng Dung cùng Nguyễn Súy quả là những bậc anh hùng hảo hán thời này của dân tộc Việt. Lúc này nước ta đã bị nhà Minh giày xéo ngót nghét 5 năm trời, nghĩa quân khổ sở, thiếu thốn trăm bề. Dù không có hỏa lực mạnh mẽ, thành cao, hào sâu như nhà Hồ trước đó nhưng họ đã làm được điều mà nhà Hồ không làm được: đánh cho Trương Phụ khiếp vía mà trối chạy. Không chờ giặc đến Hóa Châu, tháng Mười năm ấy tại Thuận Châu, Đặng Dung cùng Nguyễn Súy đã hành động hết sức bất ngờ và táo bạo – đem tàn quân tập kích giặc dữ. Đặng Dung cho nghĩa quân dùng thuyền nhỏ bất ngờ đánh thẳng vào thuyền trại của Trương Phụ đậu trên sông Ái Tử. Nếu chẳng vì trời đêm quá tối không nhận diện được thì có lẽ tướng giặc Trương Phụ đã bỏ mạng trên đất Việt khi tướng quân Đặng Dung đã nhảy lên tới tận thuyền Trương Phụ. Tiếc thay! Lợi dụng đêm tối, trong cơn kinh động hắn đã nhảy sang thuyền nhỏ trốn thoát. Khi trời sáng ngoảnh lại thấy nghĩa quân không đông, Trương Phụ liền huy động quân Minh đánh quật trở lại. Đặng Dung lực lượng mỏng không đủ sức đối phó, trong khi Nguyễn Súy vướng cánh quân Mộc Thạnh không kịp ứng cứu nên cuối cùng cả hai đem quân lui vào rừng núi cố thủ.

     Trong cơn điên cuồng của mình, Trương Phụ quyết tâm truy lùng cho bằng được những kẻ đã làm hắn khốn khổ. Đến cuối năm 1413, những chí sĩ anh hùng cuối cùng nhà Hậu Trần đều bị bắt. Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bị bắt ở sách Bồ Cán trong rừng Thuận Châu, còn Trùng Quang đế và Nguyễn Súy bị bắt ở sách Cập Môn (nay thuộc Khăm Muộn, Lào). Lúc bị bắt, Nguyễn Cảnh Dị mắng chửi giặc thậm tệ nên bị Trương Phụ giết ngay và moi gan ăn sống; còn Trùng Quang đế, Đặng Dung, Nguyễn Súy đến tháng Tư năm 1414 bị chúng giải sang Kim Lăng, dọc đường đã nhảy xuống sông tử tiết.

Đăng Dung

“…Thù trả chưa xong đầu đã bạc. Dưới trăng bao độ tuốt gươm mài.”

     Vậy là nhà Trần tồn tại trong 175 năm, từ năm 1225 đến 1400 trải qua 12 đời vua (không tính Dương Nhật Lễ); nhà Hậu Trần tồn tại từ 1407 đến 1414 trải qua 2 đời vua thì chấm dứt. Từ đây gia tộc họ Trần không còn bất kỳ một tôn thất đủ sức lập nên một “Hậu Trần tiếp nối” nào nữa cho đến năm 1428, khi Lê Lợi ban bố kháng chiến toàn thắng lập ra nhà Hậu Lê.

     Đặng Dung ngoài gương trung dũng bất khuất, còn lưu mãi với hậu thế bài Thuật hoài đầy khí phách hiên ngang

Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chúa hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.

Bản dịch thơ của Phan Kế Bính (nguồn: thivien.net)

Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.