Võ vương Nguyễn Phúc Khoát – Đỉnh cao và Vực sâu
Chúa Nguyễn là cách gọi chung của sử sách và dân gian về một dòng họ, một tập đoàn phong kiến được hình thành từ mối bất hòa và sự lấn át của dòng họ Trịnh đối với dòng họ Nguyễn vào những năm giữa thế kỷ XVI ở thời Lê Trung Hưng trong lịch sử nước ta. Sự nghiệp nổi bật nhất của các chúa Nguyễn chính là việc tiến một bước dài trong công cuộc mở đất về phương Nam cũng như là cội nguồn của các vị hoàng đế vương triều Nguyễn tại Phú Xuân – Huế về sau này. Nếu như sự việc Nguyễn Phúc Ánh (tức Nguyễn Ánh) – một hậu duệ của các chúa Nguyễn đánh bại vương triều Tây Sơn và lên ngôi hoàng đế năm 1802 là sự kiện đỉnh cao đánh dấu mốc cho sự khởi đầu của vương triều Nguyễn thì trước đó Võ vương Nguyễn Phúc Khoát – vị chúa thứ Tám của các đời chúa Nguyễn đã ghi dấu ấn riêng của mình bằng việc đạt tới đỉnh cao trong công cuộc chinh phạt về phương Nam. Giữa hai đỉnh cao thường làm chúng ta hình dung về một khoảng cách, một vực thẳm… Trong giai đoạn lịch sử này, giữa hai đỉnh cao của quyền uy là một cuộc khủng hoảng trong dòng tộc chúa Nguyễn dẫn đến một cuộc nội chiến thảm khốc chưa từng thấy kéo dài hơn 30 năm khởi nguồn từ những mâu thuẫn xã hội trong những năm cuối đời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đến khi người cháu nội của ông là Nguyễn Phúc Ánh thống nhất giang sơn thu về một mối.
Nguyễn Phúc Khoát (1714 – 1765) là con trưởng của Ninh vương Nguyễn Phúc Chú, theo di mệnh được tôn lên kế vị ngôi chúa năm 1738 trong hoàn cảnh xứ Đàng Trong nhìn chung thanh bình, thịnh vượng tiếp nối hàng chục năm liền từ các đời chúa trước.
Ngay sau khi lên kế ngôi, năm 1739 Nguyễn Phúc Khoát cho dời phủ từ Bác Vọng về lại Phú Xuân, xây dựng nhiều công trình đài các đình miếu quy mô bên cạnh phủ cũ; ngoài Chính dinh quay mặt về phía Nam như thể hiện sự tôn trọng, lòng tri ân các bậc tiền nhân trong công cuộc mở cõi, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát còn cho xây dựng các công trình mang tính chất thể hiện sức mạnh quân sự thời bấy giờ như là hiên Duyệt Võ, phủ Tập Tượng… Đến năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát bỏ danh hiệu Thái phó Quốc công, là vị chúa Nguyễn đầu tiên tự xưng vương, đúc ấn Quốc vương thay ấn cũ Tổng trấn Tướng quân. Bấy giờ phủ thành Phú Xuân trở thành kinh đô vừa có quy mô rộng rãi vừa xinh đẹp, tráng lệ. Phía trước Chính dinh là phố xá của dân, nhà cửa lợp ngói san sát, dưới sông thuyền bè buôn bán tấp nập. Các gia đình quý tộc, quan lại cao cấp cũng nhân đó xây dựng dinh thự la liệt hai bên bờ thượng lưu sông Phú Xuân và con sông nhỏ ở Phủ Cam, họ đua theo lối sống vương giả, xa hoa chưa từng thấy ở các đời chúa trước.
Thời bấy giờ, quốc gia lân bang của xứ Đàng Trong là vương quốc Chân Lạp có biến, trong vòng 10 năm giữa thế kỷ XVIII, nội bộ hoàng tộc tranh giành quyền lực đánh giết lẫn nhau liên miên dẫn đến việc họ nương nhờ các thế lực ngoại bang. Bấy giờ giới hoàng tộc Chân Lạp chia làm hai phe, một phe thân xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn, phe còn lại thân Xiêm La – một quốc gia hùng mạnh thời bấy giờ. Năm 1757, vua nước Chân Lạp là Nặc Nguyên chết; Nặc Nhuận, rồi Nặc Hinh đánh giết tranh nhau làm vua nhưng cuối cùng thì Nặc Tôn mới là người yên vị trên ngôi báu khi chạy sang Hà Tiên lánh nạn và nhờ Đô đốc Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ cầu cứu với chúa Nguyễn. Năm 1758 sau khi lên ngôi, để tỏ lòng hòa hiếu, Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu tương ứng với Châu Đốc, Sa Đéc ngày nay) để tạ ơn chúa Nguyễn đồng thời cắt thêm đất ở năm phủ Hương Ức, Cần Vọt, Chân Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh để tạ ơn Mạc Thiên Tứ. Sau đó Mạc Thiên Tứ đem những đất ấy hiến cho triều đình chúa Nguyễn. Võ vương cho đặt năm phủ đó vào trấn Hà Tiên, tiếp tục giao Mạc Thiên Tứ nắm giữ. Cùng với việc trước đó, năm 1756 vua Nặc Nguyên đã xin hiến đất hai phủ Tầm Bôn, Lôi Lạp (vùng Tân An, Gò Công ngày nay) và nạp bù lễ cống ba năm còn thiếu để chuộc tội hà hiếp người Côn Man (tộc người của nước Chiêm Thành trước kia được sáp nhập vào lãnh thổ của chúa Nguyễn) thì đến cuối thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, toàn vùng Nam Bộ ngày nay hoàn toàn yên vị trong xứ Đàng Trong.
Ảnh minh họa.
Vậy là kể từ ngày chúa Tiên Nguyễn Hoàng đem gia quyến cùng thuộc hạ vượt dãy Hoành Sơn (đèo Ngang) đi về phía Nam với mục đích ban đầu nhằm tránh xa sự dòm ngó của thế lực họ Trịnh thì dần về các đời chúa Nguyễn tiếp theo, tư tưởng trong công cuộc “tìm chốn dung thân” không đơn thuần chỉ là tìm kiếm sự tồn tại mà được phát triển dần thành tư tưởng của kẻ chinh phạt. Đúng 200 năm (1558 – 1758), qua tám đời chúa Nguyễn thì diện mạo xứ Đàng Trong được định hình tới tận cực nam như ngày nay; thế nhưng chỉ mất 20 năm trượt dài từ đỉnh cao Nguyễn Phúc Khoát, cơ nghiệp trăm năm của các đời chúa đã tới hồi thảm bại. Ấy là quy luật muôn đời của tạo hóa: Mầm mống diệt vong được hình thành từ đỉnh cao chiến thắng.
Những năm cuối đời của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, ông bị chính người cậu ruột là Trương Phúc Loan dẫn vào con đường tửu sắc, dàn dựng một mối tình vụng trộm trái đạo đức với bà Ngọc Cầu – con gái Nguyễn Phúc Điều, là chú ruột của Võ vương. Nguyễn Phúc Khoát mê muội trong cuộc tình, để mặc Trương Phúc Loan hoành hành chính sự và mặc sức đục khoét. Trương Phúc Loan tự xưng Quốc phó, cho các con trai của mình lấy các công chúa con của Võ vương, từ đó thâu tóm mọi quyền hành mặc sức nhũng nhiễu, vơ vét của cải chất đầy túi tham. Có năm lụt sớm vào mùa thu, Phúc Loan đem châu báu ra phơi, ánh vàng sáng chói cả sân. Năm 1765, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát mất. Bấy giờ chính trường của xứ Đàng Trong chỉ còn là sân khấu riêng của quyền thần Trương Phúc Loan. Một trong những việc đầu tiên mà Phúc Loan thực hiện sau khi chúa mất đó là đưa Nguyễn Phúc Thuần, cậu bé 12 tuổi kết quả của cuộc tình trái đạo giữa Võ vương với bà Ngọc Cầu lên ngôi chúa, tức Định vương – vị chúa Nguyễn thứ Chín. Nhưng vấn đề ở chỗ Võ vương đã có ý định truyền ngôi cho anh (khác mẹ) của Phúc Thuần là Nguyễn Phúc Luân nên đã sớm giao cho Nội hữu Trương Văn Hạnh – một thầy giáo giỏi, chuyên lo giảng dạy hoàng tử Luân. Nếu chiếu theo di mệnh mà thực hiện thì bây giờ hoàng tử Luân đã ngoài 30 tuổi, vô cùng thông minh và đĩnh đạc, điều này không có lợi cho Trương Phúc Loan. Thế là Phúc Loan sửa di mệnh của Võ vương, bắt giam Nguyễn Phúc Luân vào ngục; mấy tháng sau, vì lo buồn, sinh bệnh mà chết. Một hôm, Trương Phúc Loan cho truyền Nội hữu Trương Văn Hạnh vào cung rồi ngầm sai võ sĩ mật phục giết nốt. Từ đó về sau, Trương Phúc Loan nắm mọi quyền hành trong tay, không việc gì là y không dám làm. Nạn nhũng nhiễu diễn ra ngày càng trầm trọng, nhà nước cần thứ gì thì đặt ra thứ thuế ấy để thu, đẩy dân chúng ngày càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng xã hội bắt đầu từ những năm cuối thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát.
Từ sau cái chết oan uổng, tức tưởi của Nội hữu Trương Văn Hạnh, một môn khách của ông vì oán hận quyền thần Trương Phúc Loan cũng như sợ bị liên lụy bèn khăn gói xuôi về phương Nam. Một hôm trên đường hành tẩu, người môn khách phát hiện băng đảng cướp phá nhà cửa của một vị phú gia ở đất Bình Định bèn ra tay ứng cứu. Cảm kích ân tình của người môn khách, vị phú gia mở trường ở đất Tuy Viễn cho ân nhân dạy học. Tiếng lành đồn xa, một ngày nọ có vị phụ huynh dẫn theo ba người con đến nhờ người môn khách dạy kiêm văn võ. Ba người này về sau đã làm rạng rỡ bầu trời nước Việt bằng những chiến công lưu danh sử sách. Ấy chính là Tây Sơn Tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ; còn người môn khách kia chính là người mà dân gian thường gọi là thầy giáo Hiến (tức Trương Văn Hiến).
Năm 1771 tại vùng Tây Sơn – Bình Định, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đứng lên kêu gọi nhân dân trong vùng nổi dậy chống quyền thần Trương Phúc Loan. Trước sức ép ngày càng tăng của các thế lực chống đối khắp cả nước, nhận thấy cơ nghiệp hơn 200 năm của tiền nhân sắp đi vào hồi kết, Định vương Nguyễn Phúc Thuần cùng các cận thần bày mưu bắt trói Trương Phúc Loan rồi giao nộp cho danh tướng của chúa Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc – vị tướng hot nhất đang hô mưa gọi gió tại chiến trường Đàng Trong. Trương Phúc Loan bị giải về Thăng Long một năm sau đó, gặp tiết mùa đông, Phúc Loan lâm bệnh mà chết trên đường ra Bắc; toàn bộ nhà cửa, của cải bị dân, quân cướp phá không chừa một thứ gì. Về phía tập đoàn chúa Trịnh thì sau khi bắt được Trương Phúc Loan, họ không hề có ý định nhượng bộ, rút quân khỏi Đàng Trong mà tiếp tục thổi sức nóng về phía tập đoàn chúa Nguyễn. Định vương Nguyễn Phúc Thuần như ngồi trên đống lửa, vội vã bỏ kinh đô Phú Xuân chạy về phía nam đèo Hải Vân. Tại đó Nguyễn Phúc Thuần phong cho Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương (con của Nguyễn Phúc Hiệu – người được Võ vương lập làm Thế tử nhưng không may bị bệnh chết sớm) làm Đông cung trấn thủ Quảng Nam để lo việc chống lại quân Trịnh, còn mình thì đem gia quyến cùng Nguyễn Phúc Ánh xuống thuyền chạy vào Gia Định.
Hai thế lực Trịnh – Nguyễn giằng co nhau suốt 200 năm, đánh nhau chín lần bất phân thắng bại; đến lần thứ mười, phần thắng đang nghiêng về chúa Trịnh thì danh tướng Hoàng Ngũ Phúc già yếu, mất. Bấy giờ phong trào Tây Sơn được nhân dân hưởng ứng, nhanh chóng lớn mạnh, không lâu sau thì tiêu diệt luôn cả Trịnh lẫn Nguyễn. Cuối năm 1776, Nguyễn Phúc Dương cầm cự không nổi ở miền Trung nên rút vào Gia Định, dựa vào phe cánh cùng danh nghĩa “Hoàng tôn” nên tự lên kế vị ngôi chúa, tự xưng Tân Chính vương, tôn Định vương Nguyễn Phúc Thuần làm Thái thượng vương cùng chung sức đánh Tây Sơn nhưng chẳng bao lâu sau thì cả hai đều bị quân Tây Sơn bắt giết. Tân Chính vương bị bắt ở Ba Việt rồi bị đem về Gia Định giết tháng Chín năm 1777; qua tháng sau, Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần bị quân Tây Sơn bắt ở Long Xuyên rồi cũng bị đem về Gia Định giết nốt. Vậy là các đời chúa Nguyễn bắt đầu từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng năm 1558 đến đời Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương tiếp nối 10 đời, trải dài hơn 200 năm, đến năm 1777 thì hoàn toàn chấm dứt. Nhiều tướng Nguyễn và hoàng thân quốc thích bị quân Tây Sơn tàn sát đẫm máu; duy nhất chỉ có người con trai mạng lớn của Nguyễn Phúc Luân là Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát khỏi lưỡi gươm tử thần của nghĩa quân Tây Sơn.
Rồi đây bầu trời Đại Việt cuối thế kỷ XVIII sẽ lại chứng kiến thêm một cuộc nội chiến nữa; nhưng khác với cuộc nội chiến kéo dài hàng trăm năm với dòng họ chúa Trịnh, cuộc nội chiến lần này gói gọn 30 năm nhưng khốc liệt, đẫm máu và tàn bạo hơn bất kỳ cuộc nội chiến nào khác, được hậu duệ chúa Nguyễn là thanh niên 15 tuổi Nguyễn Phúc Ánh nung nấu mang theo trong những ngày trốn chạy khỏi sự truy kích đúng nghĩa “thập tử nhất sinh” của đội quân Tây Sơn.