Nước Việt Nam những năm cuối thời Ngàn năm Bắc thuộc

     Thời kỳ Ngàn năm Bắc thuộc ở nước ta được tính từ khi Thục Phán An Dương Vương để mất nước Âu Lạc vào tay Triệu Đà năm 207 TCN đến khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 và giành lại quyền độc lập cho dân tộc. Vậy thì ngoài tài năng quân sự, còn những yếu tố nào nữa để Ngô Quyền có thể lập được công lao ấy khi mà trước đây xuyên suốt quá trình bị đô hộ, anh hùng hào kiệt khắp nơi đứng lên nổi dậy ở nước ta cũng không phải là hiếm; tại sao muôn dân nước Việt phải đợi chờ thêm ngót nghét 900 năm nữa kể từ chiến thắng của Hai Bà Trưng năm 40 cho đến tận chiến thắng lịch sử của Ngô Quyền thì mới giành lại quyền độc lập cho dân tộc Việt?   

     Quay về những năm đầu thời kỳ mất nước, khi Triệu Đà xâm chiếm nước ta, Triệu Đà cho chia nước Âu Lạc thành hai quận Giao Chỉ (vùng Bắc Bộ) và Cửu Chân (vùng Bắc Trung Bộ ngày nay) rồi sáp nhập vào đất đai của nước Nam Việt – vùng đất phía Nam Trung Hoa do Triệu Đà thừa cơ đánh chiếm lúc Tần Thủy Hoàng vừa mới qua đời. Sang đời nhà Hán, nước Nam Việt bị chia thành 9 quận trực thuộc bộ Giao Chỉ (bộ Giao Chỉ gồm quận Giao Chỉ và các quận còn lại ngoại trừ 2 quận ở đảo Hải Nam) và đem sáp nhập vào vùng đất đai rộng lớn của nhà Hán, xóa sổ tên nước Nam Việt.

     Năm 106 TCN, nhà Hán đổi bộ Giao Chỉ thành Giao Châu gồm có 7 quận: Nam Hải, Hợp Phố (Quảng Đông), Uất Lâm, Thương Ngô (Quảng Tây), Giao Chỉ (Bắc Bộ), Cửu Chân (Bắc Trung Bộ) và Nhật Nam (Trung Trung Bộ). Mỗi quận được chia thành nhiều huyện. Theo đó, đứng đầu Giao Châu là một viên Thứ sử, đứng đầu mỗi quận là viên Thái thú coi việc chính trị và viên Đô úy trông coi việc võ bị. Từ đó về sau, qua nhiều thời kỳ cai trị khác, qua nhiều lần họp rồi lại chia, dù tên gọi mỗi thời mỗi khác thì nước ta vẫn là một vùng đất chịu sự đô hộ của người phương Bắc. Các chức quan to từ Thái thú cho đến Thứ sử thường được chính quyền đô hộ cử các viên quan người phương Bắc nắm giữ. Và chính sách cai trị của họ như thế nào chắc không cần phải nói. Bởi thế mà Tô Định – viên Thái thú Giao Chỉ đã ra tay sát hại Đặng Thi Sách – con trai một Lạc tướng người Việt ở huyện Chu Diên, chồng bà Trưng Trắc với lý do mình thích thì mình giết thôi. Cho dù sau đó hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị cùng đông đảo anh hùng hào kiệt khắp nơi nổi dậy khởi nghĩa giành thắng lợi năm 40; hay sau đó 500 năm đến lượt Lý Bí giành lại độc lập 58 năm cho dân tộc Việt thì những nền độc lập ấy cũng chỉ là những nền độc lập tương đối bởi vì yếu tố thống trị và đồng hóa đã ăn sâu bám rễ vào đời sống của muôn dân nước Việt.

     Cho đến một ngày năm 905…

     Bấy giờ triều đại nhà Đường đang trong cơn hấp hối, đất nước Trung Hoa sắp chuyển sang thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc đánh phá tranh giành lẫn nhau. Ở nước ta nhân dân đứng lên khởi nghĩa khắp nơi, tinh thần yêu nước và lòng căm thù chính quyền đô hộ được thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lúc này tên Tiết độ sứ ác bá cai trị nước ta là Độc Cô Tổn do không cùng phe cánh với quyền thân Chu Toàn Trung (Chu Ôn) đang thao túng quyền hành ở triều đình nhà Đường; hai hổ đánh nhau thì ắt một còn một mất, Độc Cô Tổn bị biếm chức và điều đi Hải Nam, chính quyền đô hộ như rắn mất đầu, chức Tiết độ sứ không có người nắm giữ. Lợi dụng tình hình đó, Khúc Thừa Dụ – một hào trưởng ở đất Hồng Châu tỉnh Hải Dương đã chớp lấy thời cơ đứng lên kêu gọi anh hùng hào kiệt các nơi hợp sức nổi lên đánh đổ bọn quan lại thống trị nhà Đường. Ông được nhân dân hết lòng ủng hộ tôn làm thủ lĩnh rồi cùng kéo quân giải phóng thành Đại La và các vùng rộng lớn khác.

     Đến đây, công lao của Khúc Thừa Dụ có điểm gì đặc biệt so với những bậc tiền nhân trước đó khi mà đã không ít lần dân ta cũng từng giành lấy quyền độc lập từ tay chính quyền đô hộ phương Bắc? Điều đặc biệt ấy chính là việc Khúc Thừa Dụ đã không xưng “vương” hay xưng “đế” như cách mà Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế hay Mai Hắc Đế trước đây đã từng làm. Ông âm thầm xây dựng gốc rễ của nền độc lập tự chủ bằng việc tiếp nối chức Tiết Độ Sứ – một chức tước mà trước đây chỉ do các viên quan người phương Bắc nắm giữ. Nói thêm rằng, năm 679 đầu thời kỳ bị nhà Đường đô hộ, nước ta có tên gọi là An Nam đô hộ phủ nhưng đến năm 866, Cao Biền – một viên quan người Trung Quốc rất nổi tiếng với thuật phong thủy đã tâu triều đình xin đổi tên “An Nam đô hộ phủ” thành “Tĩnh Hải quân tiết trấn”. “Quân” là đơn vị hành chính được xem trọng hơn “phủ”. “Tĩnh Hải quân tiết trấn” còn có dụng ý là muốn được sóng yên biển lặng vì chính quyền đô hộ nhà Đường lo sợ trước các cuộc đấu tranh của nhân dân ta cũng như từ các cuộc đánh phá của các quốc gia lân cận mà đặc biệt là nước Nam Chiếu – vương quốc của người Bạch và người Di nằm trong khu vực tỉnh Vân Nam Trung Quốc và vùng Tây Bắc Việt Nam ngày nay. Cao Biền sau khi đánh đuổi quân Nam Chiếu rút chạy về nước, trên cương vị Tiết độ sứ đầu tiên ở Tĩnh Hải quân, ông ta đã cho xây đắp thêm thành lũy, chỉnh trang nhiều công trình kiến trúc với thuật phong thủy, yểm bùa nổi tiếng còn lưu truyền đến tận ngày nay.

     Trở lại với việc Khúc Thừa Dụ giành lấy quyền tự chủ. Bấy giờ, sau khi giải phóng thành Đại La và được anh hùng hào kiệt khắp nơi đồng lòng hưởng ứng thì việc xưng vương hay xưng đế thông thường sẽ là động thái tiếp theo của bậc thủ lĩnh. Nhưng không. Khúc Thừa Dụ đã không hành động như thế, ông tự xưng mình là “Tiết độ sứ” để tiếp quản vị trí cao nhất của chính quyền đô hộ nhà Đường. Trên danh nghĩa thì ông là người của chính quyền đô hộ nhưng thực tế thì ông đã thực hiện một màn cướp chính quyền công khai, đưa quyền tự chủ về tay người Việt nắm giữ. Bằng cách này, ông đã quy định lại các thể chế, xóa bỏ những chính sách cai trị hà khắc của nhà Đường, thư giảm nhiều khoản sưu thuế tạp dịch cho dân chúng. Để giữ thể diện và tỏ ra còn chút uy quyền, đầu năm 906, vua Đường Ai Tông đành phải xuống chiếu chấp nhận để cho Khúc Thừa Dụ giữ chức Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ. Còn về phần mình, Khúc Thừa Dụ tuy bề ngoài vẫn nhận chiếu thư của nhà Đường nhưng thực tế thì… nhận rồi để đó cho dzui, mọi chiếu thư chỉ thị cùng những khoản cống nộp đều bị ông hủy bỏ hết. Nhà Đường cũng đành nuốt giận làm ngơ vì bấy giờ vương triều này đang lâm vào những ngày cuối cùng của giai đoạn suy vong. 

     Tháng 3 năm 907, quyền thần Chu Toàn Trung lật đổ Đường Ai Tông, lập nên nhà Hậu Lương. Lương Thái Tổ Chu Toàn Trung phong Lưu Ẩn làm Nam Bình vương kiêm Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân, trực tiếp hăm he giành lại quyền cai trị nước ta. Khúc Thừa Dụ biết chuyện đó nhưng cương quyết không cho Lưu Ẩn đến nước ta nên chức Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ của Lưu Ẩn chỉ là hữu danh vô thực, mọi việc trong nước vẫn do Khúc Thừa Dụ và muôn dân đất Việt quyết định tất cả. Khúc Thừa Dụ nắm quyền được 2 năm, đến ngày 23 tháng 7 năm 907 lâm trọng bệnh mà mất. Chiếu theo thông lệ cha truyền con nối trước đó của chính quyền đô hộ, Khúc Hạo lên nắm quyền thay cha.

     Thời điểm Khúc Hạo lên nắm quyền cai quản và tự xưng Tiết độ sứ với chính quyền phương Bắc cũng là thời điểm nhà Hậu Lương vừa chiếm ngôi lật đổ nhà Đường và nung nấu ý đồ chiếm lại quyền cai trị nước ta. Tranh thủ lúc nhà Hậu Lương còn đang lo việc củng cố và ổn định tình hình trong nước; tiếp nối cơ nghiệp của cha, Khúc Hạo ra sức thực thi nhiều chính sách cải cách quan trọng, một mặt tỏ ra mềm dẻo với chính quyền phương Bắc. Nhờ thế mà nước ta giữ vững được nền tự chủ và bước một bước tiến dài trong 10 năm nắm quyền của Khúc Trung chúa (tức Khúc Hạo).

     Năm 917, Khúc Hạo qua đời, con ông là Khúc Thừa Mỹ lên thay, vẫn tự xưng là Tiết độ sứ tiếp tục duy trì nền tự chủ do cha và ông đã kỳ công gầy dựng từ thuở trước. Bấy giờ Lưu Cung em của Lưu Ẩn Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân (chức hờ) trước đây đã chiếm đóng vùng đất Quảng Châu và lập nên nước Nam Hán năm 917. Trước tình thế lưỡng đầu thọ địch, Khúc Thừa Mỹ cử sứ thần sang thần phục nhà Hậu Lương với hy vọng dựa vào nhà Hậu Lương để chống lại nước Nam Hán. Chẳng may thay, năm 923, nhà Hậu Lương sụp đổ. Bảy năm sau, vua Nam Hán là Lưu Cung sai đem quân sang xâm lược đánh chiếm thành Đại La. Khúc Thừa Mỹ chống cự không nổi, bị bắt đưa sang Quảng Châu. Lưu Cung cử Lý Tiến sang làm Thứ sử Giao Châu cùng Lương Khắc Trinh đóng quân chiếm giữ. Đến đây, nền độc lập tương đối được dòng họ Khúc tạo dựng năm 905 cơ bản chấm dứt ách đô hộ hơn 1000 năm của các triều đại phương Bắc, tồn tại trong 25 năm, đến năm 930 lâm vào nguy cơ bị mất trở lại vào tay nhà Nam Hán.

     Nhà Nam Hán tuy trên danh nghĩa chiếm được nước ta nhưng thực tế thì quyền lực của Lý Tiến không ra khỏi phủ thành Đại La. Ở nhiều nơi trong nước, các tướng lĩnh cũ của dòng họ Khúc và các hào trưởng vẫn giữ vững nền tự chủ ở từng vùng. Dẫu vậy nếu chúng ta không hành động thì sớm muộn gì nhà Nam Hán cũng sẽ đem quân qua đàn áp và số phận của nền tự chủ còn non trẻ ở nước ta cũng chẳng biết sẽ đi về đâu. Nếu tạm hình dung rằng trong 25 năm giữ quyền tự chủ của dòng họ Khúc (905 – 930) là giai đoạn chuẩn bị và ươm mầm thì giai đoạn từ năm 931 về sau là giai đoạn sinh sôi nảy nở đầy sinh động bắt đầu từ “hạt giống” mang tên Dương Đình Nghệ.

     Dương Đình Nghệ (? – 937) người Dương Xá, Ái Châu (Thanh Hóa), một thuộc tướng cũ của Khúc Trung Chúa – Khúc Hạo. Ngay khi hay tin thành Đại La thất thủ, ông đã chiêu tập nghĩa binh đứng lên mở cuộc phản công vào phủ thành Đại La. Vua Nam Hán sai Trần Bảo đem quân sang ứng cứu nhưng đến nơi thì thành Đại La đã bị hạ, tướng giặc Lương Khắc Trinh bị giết tại trận. Trần Bảo cho quân vây thành Đại La hòng chiếm lại thì Dương Đình Nghệ mở cổng thành xông ra chém nốt, còn Thứ sử Lý Tiến phải trốn chạy về phương Bắc. Đất nước tiếp tục duy trì được quyền tự chủ. Noi gương họ Khúc, Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ và toàn quyền quyết định mọi việc trong nước. Ông cử Đinh Công Trứ (thân phụ Đinh Bộ Lĩnh) giữ chức Thứ sử Hoan Châu (Nghệ An), Ngô Mân làm Thứ sử Ái Châu (Thanh Hóa) cùng con là Ngô Quyền trông coi việc phòng vệ Ái Châu. Dương Đình Nghệ lấy lại quyền tự chủ và giữ vững thêm 7 năm trước khi biến cố xảy ra. Lần này giặc không đến từ các thế lực ngoại xâm mà đến từ tên Việt gian Kiều Công Tiễn – một hào trưởng vùng Phong Châu vì muốn chiếm đoạt chức Tiết độ sứ mà nhẫn tâm ra tay giết hại chủ tướng của mình. 

     Nếu như trước đây họ Dương đã cùng nhân dân anh dũng đứng lên đánh đuổi quân ngoại xâm Nam Hán để tiếp nối nền tự chủ của dòng họ Khúc thì liệu bấy giờ anh hùng hào kiệt khắp nơi có chấp nhận để yên cho một tên phản phúc như Kiều Công Tiễn yên vị trên vai trò Tiết độ sứ? Chắc chắn là không. Và đây chính là thời cơ, cũng là thời kỳ mà người anh hùng dân tộc vươn vai thể hiện tài năng quân sự kiệt xuất của mình. Người anh hùng dân tộc ấy chính là Ngô Quyền con trai Thứ sử Ái Châu và cũng là con rể của chủ tướng Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ.

Chiến thắng Bạch Đằng

Minh họa Trận chiến trên sông Bạch Đằng (Ảnh sưu tầm).

     Năm 938, vua Nam Hán là Lưu Cung được tên Việt gian cầu cứu, nghĩ rằng thời cơ chiếm lại đất Việt đã đến bèn phong con là Lưu Hoằng Thao làm Giao Vương (vua Giao Châu), sai dẫn đại quân theo đường thủy sang xâm chiếm nước ta, còn Lưu Cung tự mình cầm quân đóng ở Hải Môn (Quảng Đông) sẵn sàng tiếp ứng cho Hoằng Thao. Khi đoàn quân Nam Hán còn đang ngoài biên giới thì từ Ái Châu (Thanh Hóa), đoàn quân Ngô Quyền đã ào ạt tiến thẳng vào thành Đại La, giết ngay tên phản bội Kiều Công Tiễn trả thù bố vợ rồi cắt đầu đem bêu trước cổng thành cho trăm họ đi qua, nhìn thấy mà hả cơn căm giận. Hào kiệt khắp nơi nghe tin Ngô Quyền diệt trừ nội phản, đang ra sức tổ chức lực lượng chống giặc ngoại xâm, nhiều tướng cũ của Dương Đình Nghệ cũng nổi lên hưởng ứng đã nô nức kéo nhau về Đại La cùng Ngô Quyền chung lo cứu nước, trong đó có cả Kiều Công Hãn, cháu nội của gian thần Kiều Công Tiễn.

     Chiến thắng lịch sử năm 938 ghi danh tài năng quân sự Ngô Quyền với thứ vũ khí kỳ dị mà tôi ngẫu hứng tạm gọi là “Những chiếc Đại bút chết chóc” cắm xuống lòng sông Bạch Đằng – thứ vũ khí độc đáo cùng chiến thuật tài tình này còn được các đời sau làm rạng danh dân tộc Việt thêm vài lần nữa. Sau chiến thắng, Ngô Quyền xưng Vương và dời đô về Cổ Loa như nhắc nhở chúng ta về cội nguồn dân tộc đồng thời cũng gửi đi thông điệp độc lập của một quốc gia tưởng chừng như đã bị chìm vào quên lãng sau hơn ngàn năm dưới ách đô hộ phương Bắc.

     Chiến công hiển hách của Tiền Ngô vương Ngô Quyền lập được và giữ vững trong thời gian dài không để đất nước rơi vào tay giặc ngoại xâm âu cũng là nhờ nền móng vững chắc mà hai dòng họ Khúc, Dương đã dày công tạo dựng trong 32 năm liền từ 905 đến 937 nên mỗi lần nhớ về Ngô Quyền cũng như những chiến công của ông thì chúng ta hãy nhớ về công lao có phần thầm lặng của hai dòng họ Khúc, Dương này nhé.