Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng

     Sau khi thất bại ở lần đầu tiên xâm lược nước Đại Việt năm 1258, đế chế hùng mạnh Nguyên Mông chuẩn bị thêm gần ba mươi năm nữa cho mục tiêu xóa sổ một quốc gia nhỏ bé nằm xa xôi về phương Nam.

     Bấy giờ đội quân Mông Cổ đã trở thành nỗi lo thật sự của các vùng lân cận trải dài từ châu Á tới các quốc gia Đông Âu. Trước khi xuất chinh sang Đại Việt lần hai, đội quân Thát Đát Nguyên Mông đã càn quét một vùng rộng lớn khắp Trung Hoa ngày nay. Đại hãn Hốt Tất Liệt truyền rằng: “Nói chung nước nào nằm trên đường tiến xuống Đại Việt thích thì mình đánh thôi.”

     Cho rằng thất bại ở lần xâm lược thứ nhất “chỉ là một tai nạn”, sau gần ba mươi năm tung hoành khắp các chiến trường và rút kinh nghiệm thì tóm gọn Đại Việt chỉ là việc một sớm một chiều dễ như trở bàn tay. Thế nên Sài Thung năm 1281 sang sứ nước ta đòi lễ vật, đến kinh thành không những không xuống ngựa mà còn nghênh mặt kiêu ngạo, quất roi, cưỡi ngựa phi thẳng vào thành. Vua sai Hoàng tử Thượng tướng Trần Quang Khải đến sứ quán tiếp Thung thì hắn nằm khểnh không ra – không tiếp vì không phải là người hắn thích.

Đó chỉ là một trong vô số điều phi lý mà nhà nước Nguyên Mông áp đặt lên Đại Việt nhằm hăm he, thể hiện sức mạnh khủng khiếp của chúng. Những yêu sách của chúng ngày càng trắng trợn, đã xâm phạm đến quốc thể và an ninh quốc gia như: đòi con em vua sang làm con tin, mượn đất, mượn lương để lấy đường tấn công các quốc gia lân cận. Trước tình thế cấp bách đó, Thượng hoàng Trần Thánh Tông tổ chức Hội nghị Diên Hồng năm 1284 tại kinh thành Thăng Long để trưng cầu ý dân xem nên hòa hay đánh khi cường địch kéo qua đây.

     Để hiểu hơn về lực lượng lần này của giặc, chúng ta hãy hồi tưởng một chút về trận chiến nổi tiếng Ngọc Hồi – Đống Đa mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 khi Hoàng đế Quang Trung thần tốc hành quân ra Bắc đánh tan 30 vạn quân Mãn Thanh. Hay xa hơn, trước triều đại nhà Trần khoảng 1000 năm ở thời kỳ Tam Quốc bên Tàu xuất hiện trận đánh siêu kinh điển Đại chiến Xích Bích. Trận chiến này tác giả La Quán Trung hư cấu lên thành 80 vạn quân Tào Tháo nhưng thực tế sử sách ghi nhận khoảng chừng 20 đến 25 vạn quân Tào, tính tổng các bên thì cũng chưa tới 30 vạn quân.

     Những ngày cuối năm Giáp Thân (cuối tháng Một năm 1285), 50 vạn quân Nguyên Mông theo hai hướng ào ạt tấn công Đại Việt từ biên giới phía Bắc đánh xuống và Chiêm Thành đánh ngược lên (một con số khổng lồ – gấp 10 lần số quân kéo sang xâm lược ở lần thứ nhất). Trước tình hình đó, một số binh tướng, tôn thất nhà Trần như Hoàng tử Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, Chương Hiến hầu Trần Kiện đã lung lay ý chí, sợ hãi mà nhanh chóng đầu hàng giặc; Trần Di Ái con trai Thái tổ Trần Thừa, chú Thượng hoàng Thánh Tông còn nhanh hơn, sớm đầu hàng giặc từ khi vua Trần cử ông đi sứ sang Mông Cổ. Thế nhưng có một vị dũng tướng dù không thuộc dòng dõi tôn thất nhà Trần nhưng rất kiên cường chống giặc, đến khi bị bắt, sa vào tay giặc vẫn thể hiện tinh thần hiên ngang bất khuất, để lại hậu thế một trong những câu nói nổi tiếng nhất trong lịch sử hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm. Người anh hùng ấy không ai khác chính là Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng.

     Trần Bình Trọng quê xã Bảo Thái, lộ Lý Nhân (nay thuộc Thanh Liêm, Hà Nam), dòng dõi vua Lê Đại Hành. Do ông nội làm quan đời Trần Thái Tông có công được ban quốc tính nên đổi họ thành Trần. Bản thân lập được công trạng, ông được phong tước Bảo Nghĩa hầu. Thế nhưng để khẳng định cha mẹ ông là ai thì đó là một câu chuyện truyền kỳ chưa thật sự sáng tỏ.

     Vào lúc cam go của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ Nhất, sau khi đánh bại quân ta trấn giữ tại biên giới, quân Mông Cổ ào ạt tiến xuống phía Nam gặp quân ta do đích thân vua Trần Thái Tông chỉ huy ở Bình Lệ Nguyên. Hai bên đánh nhau dữ dội; ngay lúc quân ta hơi núng thế, hoàng đế ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Tần một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không. Lê Tần không quản hiểm nguy hộ tống Thái Tông lui quân về phía sông Lô, quân thù bắn tên loạn xạ, mãnh tướng lấy ván thuyền che chở Thái Tông khỏi trúng tên giặc. Sau chiến thắng, triều đình luận công, ban danh xưng danh giá “Phụ Trần” cho dũng tướng họ Lê nên về sau được gọi là Lê Phụ Trần.

     Về phía Thái Tông Trần Cảnh sau khi được Nữ hoàng 8 tuổi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi, họ chung sống với nhau hơn 10 năm vẫn chưa có con. Người chú họ, Thái sư Trần Thủ Độ lo không có người nối dõi nên ép Trần Cảnh lập Công chúa Thuận Thiên (chị của Chiêu Hoàng) đang có mang 3 tháng với Trần Liễu (anh ruột Trần Cảnh) làm Hoàng hậu; Chiêu Hoàng bị giáng trở lại thành Công chúa Chiêu Thánh (lúc này mới 19 tuổi) sống đời cô độc trong hơn 20 năm. Lê Tần ngoài việc được ban danh “Phụ Trần” còn được Thái Tông đem vợ cũ là Chiêu Thánh gả cho (lúc này bà đã 40 tuổi). Hai người chung sống với nhau 20 năm, sinh được một trai, một gái. Tương truyền người con trai ấy chính là Trần Bình Trọng.

Trần Bình Trọng

Danh tướng Trần Bình Trọng – Tranh của Tú Duyên (Ảnh từ: nghiencuulichsu.com)

     Cuối tháng Hai năm 1285, quân Nguyên Mông sau khi chiếm được kinh thành Thăng Long liền chia hai đường thủy bộ ráo riết đuổi theo hai vua Trần đang rút lui về hướng phủ Thiên Trường. Trần Bình Trọng được Hưng Đạo Vương giao giữ vùng Đà Mạc (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) chặn giặc. Gặp quân giặc, ông chỉ huy quân sĩ chiến đấu hết sức dũng cảm, nhưng do quân giặc quá đông, cuối cùng ông bị sa vào tay giặc. Tướng giặc tìm mọi cách dọa nạt, dụ dỗ nhưng ông kiên quyết không khuất phục. Chúng hứa sẽ tâu xin vua Nguyên phong cho tước vương nếu ông chịu đi theo chúng. Ông đã lớn tiếng quát: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Không dụ dỗ được, bọn giặc đã giết ông lúc mới 26 tuổi. Vua Nhân Tông nghe tin vô cùng đau xót tiếc thương, truy phong ông tước Bảo Nghĩa vương.

     Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng hy sinh là một mất mát lớn đối với vua tôi nhà Trần, nhưng trận đánh chặn địch quả cảm của ông là một thắng lợi cực kỳ quan trọng về mặt chiến lược với toàn cuộc kháng chiến. Bởi kể từ đó, sau nhiều ngày, nhiều lần ráo riết truy đuổi, quân Nguyên hoàn toàn bị mất phương hướng, không biết Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông của Đại Việt đang đóng quân ở đâu để mà truy kích.

     Ngày nay, để tưởng nhớ công ơn của ông đối với dân tộc, hầu như tại khắp các thành phố lớn trên cả nước đều có những con đường, trường học mang tên ông. Thậm chí trong lịch sử bảo vệ biển đảo, đã từng xuất hiện một soái hạm mang tên HQ-5 Trần Bình Trọng – con tàu đã anh dũng chiến đấu khi đối đầu đông đảo quân thù xâm lược giống như cái cách của người anh hùng năm xưa!

Nghe Audio trên Youtube:

One Comment