Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân
Nhà nước Hậu Lê do Thái tổ Lê Lợi thành lập năm 1428 truyền đến đời thứ Ba dưới triều Lê Nhân Tông thì gặp một biến cố hy hữu. Nửa đêm mùa đông năm 1459 trong lúc đang ngủ say thì người anh cả là Lê Nghi Dân hợp mưu cùng một số thuộc hạ bắc thang trèo tường vào cung sát hại Nhân tông cùng Thái hậu Nguyễn Thị Anh rồi sau đó tự lập lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thiên Hưng. Đây là một sự kiện gây chấn động hoàng triều nhưng thật ra cũng không quá bất ngờ. Vậy mục đích của hành động này đơn thuần chỉ là sự thoán đoạt cướp ngôi hay còn có một nguyên nhân sâu xa nào khác?
Lê Nghi Dân (1439 – 1460) là con trưởng của vua Thái tông với Hoàng hậu Dương Thị Bí, sớm được lập làm Thái tử ngay từ lúc mới sinh ra. Tuy nhiên vì sau đó do mẹ mắc tội mà cả hai đều bị phế truất; Hoàng hậu Dương Thị Bí giáng làm Chiêu Nghi, còn Thái tử Lê Nghi Dân giáng thành Lạng Sơn vương. Mùa hạ năm 1442, vua Lê Thái Tông đột nhiên qua đời trong vụ đại án Lệ Chi viên khi tuổi đời còn quá trẻ – chưa đầy 20 tuổi. Bấy giờ theo di huấn được lập trước đó, hoàng tử Lê Bang Cơ con bà Nguyễn Thị Anh được đưa lên kế vị, trở thành vị hoàng đế thứ Ba của nhà nước Hậu Lê với niên hiệu Nhân tông. Do Nhân tông Lê Bang Cơ lên ngôi vua khi còn quá bé, chỉ mới 2 tuổi nên mẹ là Thái hậu Nguyễn Thị Anh phải buông rèm nhiếp chính trong hơn 10 năm đầu. Vấn đề ở đây là tại sao vua Lê Thái Tông phải chết sớm ở Lệ Chi viên; và ai nhà nhân vật bí ẩn, là chủ mưu thật sự đứng đằng sau cái chết của vua Thái tông mà không phải là Nguyễn Thị Lộ – một ái thiếp của danh thần Nguyễn Trãi?
Ngày nay, ngày càng có nhiều chứng cứ, lập luận cho rằng chính bà Nguyễn Thị Anh mẹ của Bang Cơ mới là nhân vật chủ mưu thực sự của vụ án giết vua Thái tông tại Lệ Chi viên. Một mặt khác vua Nhân tông bị đồn đoán rằng không phải là con của Thái tông mà là con của bà Nguyễn Thị Anh đã có mang với người khác trước khi bà được đưa vào cung làm vợ Thái tông. Về chuyện này, cựu thần Đinh Liệt có một bài thơ như sau:
Nhân Tông sáu tháng đã ra hoa,
Dòng máu ai đây quý báu à?
Núp bóng Thái Tông làm linh dược,
Thị Anh dùng ngón đổi dòng cha.
Như vậy, uất ức vì bị mất ngôi Thái tử về tay người em khác mẹ này cũng như những lời đồn đoán về dòng máu ngoại tộc của vua Nhân tông mà Lê Nghi Dân đã ra tay sát hại cả Nhân tông cùng Thái hậu Nguyễn Thị Anh vào năm 1459, tức 17 năm sau sự cố bi thảm tại vườn Lệ Chi.
Câu chuyện Lê Nghi Dân sát hại em là Nhân tông Lê Bang Cơ có phần nào đó giống câu chuyện Nghệ tông Trần Phủ hạ bệ vị vua đương nhiệm Dương Nhật Lễ những năm 1370 giữa thời nhà Trần. Ấy đều là những câu chuyện binh biến kinh động khiến máu hoàng gia đã đổ thắm nơi hoàng cung.
Lê Nghi Dân tự tiện việc phế lập, làm trái di mệnh của vua cha Thái tông trước đó; thế lực của Nghi Dân cũng chưa đủ tầm ảnh hưởng, chưa đủ khả năng để đương đầu cùng các cựu thần sót lại từ thời khởi nghĩa Lam Sơn như là Đinh Liệt, là Nguyễn Xí… Như trứng chọi đá, sau một buổi chầu tháng Bảy năm 1460, Thiếu bảo Nguyễn Xí hô lớn hai tiếng “khởi sự” giết chết những kẻ đồng đảng, bắt Lê Nghi Dân giáng làm Lệ Đức hầu; sau đó lập Lê Tư Thành, người con thứ Tư và cũng là con út của vua Thái tông đưa lên ngôi, lấy niên hiệu Lê Thánh Tông hay còn được biết đến với tên Lê Thánh Tôn, mở ra một chương mới đầy rực rỡ không những riêng thời Hậu Lê mà cả chiều dài lịch sử nước Việt nói chung.