Bình vương Dương Tam Kha

     Trong cơn hấp hối, Tiền Ngô vương Ngô Quyền cho truyền Dương hậu cùng em trai là Dương Tam Kha đến bên mà trăn trối:

     “Phải khó khăn lắm chúng ta mới giành lại được dân tộc này, đất nước này từ tay người phương Bắc. Nay trẫm cảm thấy bất an, chẳng may có mệnh hệ chi, ta ủy thác tướng quân đưa con trai trưởng Ngô Xương Ngập của ta lên ngôi, gắng sức giữ lấy cơ đồ mà cha ông chúng ta đã nhọc công gầy dựng.”

     Dương Tam Kha (? – 980) là con của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ – người có công giành lại quyền tự chủ tiếp nối dòng họ Khúc ở nước ta năm 931. Với tất cả lòng căm hờn, quyết chí phục thù cho chủ cũ (dòng họ Khúc), từ Ái Châu (Thanh Hóa), Dương Đình Nghệ mở cuộc tiến công tổng lực nhắm thẳng kinh thành Đại La chém chết ngay lập tức tướng giặc giữ thành là Lương Khắc Trinh. Vua Nam Hán liền cử Trần Bảo đem quân sang cứu viện thì bị lực lượng Dương Đình Nghệ đánh cho đại bại, tướng giặc Trần Bảo cũng bị chém nốt. Năm ấy Ngô Quyền là chiến tướng và cũng là con rể của chủ tướng Dương Đình Nghệ. Năm 937, Dương Tam Kha là bộ tướng dưới trướng Ngô Quyền, cùng Ngô Xương Ngập dẫn quân tiên phong về thành Đại La diệt trừ phản tặc Kiều Công Tiễn – tên giả tử (con nuôi) giết hại chủ tướng Dương Đình Nghệ để cướp ngôi Tiết độ sứ; và sang năm sau, bộ đôi Tam Kha – Xương Ngập này còn đóng góp công lao to lớn vào chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng năm 938 của đoàn quân Ngô Quyền trước quân Nam Hán.

     Sau chiến thắng, Ngô Quyền lên ngôi vua xưng hiệu là Ngô vương, ông làm vua được 5 năm thì lâm trọng bệnh, qua đời khi chưa tròn 50 tuổi. Dương Tam Kha cậy mình có chị là Dương hậu – vợ của Ngô Quyền đồng thời là con của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ – chủ cũ của cả hai cha con Ngô Mân, Ngô Quyền nên sinh chuyên quyền cướp ngôi của Ngô Xương Ngập và tự xưng là Bình vương. Bình vương Dương Tam Kha ép con thứ của Ngô Quyền là Ngô Xương Văn nhận mình làm con nuôi để làm bình phong trước những làn gió chống đối sắp tới; còn Ngô Xương Ngập thì phải trốn chạy về Nam Sách Giang (thuộc Hải Dương) nương nhờ nhà Phạm Lệnh Công. Một hôm Dương Tam Kha dò tin biết được nơi lẩn trốn của Ngô Xương Ngập, liền cho binh lính đến nơi truy bắt nhưng Phạm Lệnh Công do thám được tình hình, nhanh chóng cho người đưa Ngô Xương Ngập vào núi trốn thoát.

     Năm 950, nhân sự việc các thế lực cát cứ ở hai thôn Đường, Nguyễn ở đất Thái Bình (thuộc Hà Nội ngày nay) nổi loạn, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn cùng các tướng Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đem binh đi đánh dẹp; khi vừa đến Từ Liêm, Ngô Xương Văn dừng ngựa, bảo các tướng rằng: 

     “Đức của Tiên vương ta thấm khắp lòng dân, phàm chính lệnh ban ra không ai không vui lòng nghe theo. Thế nhưng Tiên vương không may sớm lìa bỏ quần thần, Bình Vương tự làm việc bất chính cướp ngôi của anh em ta, tội không gì to bằng. Nay lại sai bọn chúng ta đi đánh ấp không có tội, may mà đánh được thì thôi, lỡ như họ không phục thì làm thế nào?”

     Lời Ngô Xương Văn vừa dứt, ai nấy cũng gật đầu cảm kích. Thế rồi hai tướng liền quay ngựa trực chỉ về hướng Cổ Loa – nơi đóng đô của nhà Ngô đang bị Dương Tam Kha giành lấy. Bình vương Dương Tam Kha từ lúc lên ngôi vua, ngoại trừ việc nhiều lần cho người truy bắt Ngô Xương Ngập thì không có ý sát hại những người con còn lại của Tiền Ngô vương thế nên cho dù có nhiều ý kiến khuyên rằng “nên trừ hậu họa về sau” thì Ngô Xương Văn vẫn tỏ ra nhân từ, nể tình cậu cháu mà không nỡ giết, chỉ giáng làm Chương Dương công, ban cho thực ấp Chương Dương, ăn lộc ở ấp ấy. Còn Ngô Xương Văn, sau khi truất quyền thi đấu của người cậu nổi loạn, liền sai người đi đón anh về cùng tham gia… gánh team. Ngô Xương Ngập “hân hoan” trở về mái nhà xưa, xưng là Thiên Sách vương; còn Ngô Xương Văn xưng là Nam Tấn vương. Cả hai anh em cùng chung làm vua, sử sách gọi là thời Hậu Ngô vương.

Duong Tam Kha

Minh họa trận chiến trên sông Bạch Đằng.

     Bàn về Dương Tam Kha thì dấu ấn đậm nét nhất mà ông để lại trên chính trường lịch sử nước ta chính là việc cướp ngôi của họ Ngô năm 945. Ông đã may mắn khi bị hạ bệ bởi người cháu nhân từ Ngô Xương Văn bởi vì lịch sử đã chứng minh số phận những kẻ cướp ngôi thường rất bi thảm nếu như bị phế truất. Thế nhưng điều may mắn của người này đôi khi lại là nỗi bất hạnh của nhiều kẻ khác; ở đây là nỗi bất hạnh của cả một đất nước khi toàn dân tộc sắp phải lâm vào thảm cảnh “nồi da nấu thịt”, thời kỳ mà sử sách gọi là “Loạn 12 sứ quân”. Bởi vì kể từ khi Dương Tam Kha cướp ngôi thì các thế lực cát cứ ngày càng nhiều hơn, những thế lực lớn hình thành từ trước nay thì đến đây có cơ hội để bộc phát vì cái cớ Dương Tam Kha cũng như không phục với cách hành xử của anh em họ Ngô. 

     Vì phụ lời ủy thác của Tiền Ngô vương, các nhà sử học thời phong kiến thường đánh giá khá gay gắt về Dương Tam Kha. Thế nhưng có một Dương Tam Kha rất khác giữa đời thường khi ông được cư dân các vùng Chương Dương (Hà Nội) và Cổ Lễ (Nam Định) tôn kính lập đền thờ suy tôn là Thành hoàng làng nhờ những công lao to lớn trong việc khai khẩn và tạo lập nên những vùng đất ấy trong suốt thời gian sau khi trả lại ngôi vua cho họ Ngô. Ngoài ra, trong dân gian còn lưu truyền nhiều câu chuyện ca ngợi về tài năng quân sự của ông mà thú vị nhất là câu chuyện ông chính là người trực tiếp chém chết tướng giặc Hoằng Thao ở trận chiến với quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 cùng đoàn quân Ngô Quyền. 

     Sau gần 30 năm xây dựng phát triển kinh tế – văn hóa ở các vùng đất mới Chương Dương – Cổ Lễ, năm 980 Dương Tam Kha trở lại quê cũ làng Giàng (Thiệu Dương, Thanh Hóa) và mất tại đây vào ngày mùng Mười tháng Tám cùng năm, để lại cho đời những câu chuyện đối lập gây nhiều tranh cãi chưa tới hồi kết.