Thạch Bi Sơn – Núi Đá Bia

     Đất nước Việt Nam để có diện mạo “hình chữ S” như ngày hôm nay, tổ tiên chúng ta đã phải trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong hành trình ấy, cùng với những mốc thời gian là những địa danh đã trở thành lịch sử chứng minh về một thời oanh liệt đã qua. Và Thạch Bi Sơn tức núi Đá Bia ở phía Nam tỉnh Phú Yên là một trong những địa danh từng mang tính biểu tượng về một thời hào hùng như thế.

     Nhìn lại nước ta thời trước khi Lê Lợi khởi nghĩa giành thắng lợi năm 1428 là một quãng thời gian hơn 20 năm đất nước bị quân xâm lược nhà Minh giày xéo, tàn phá đến tận cùng lực kiệt. Cùng với trước đó, sự suy yếu nhanh chóng của nhà Trần rồi tiếp đến nhà Hồ, dù ra sức củng cố, ban hành nhiều chính sách cải cách nhưng nhà Hồ cũng chỉ là một xã hội đầy chia rẽ. Ấy là quãng thời gian mà người Chăm-pa lợi dụng tình hình thường xuyên gây hấn, đem quân đòi lại những vùng đất mà trước đây các vua Chăm đã dâng tặng làm sính lễ hoặc dâng nộp để xin chuộc mạng. Ngay cả đầu thời Hậu Lê, nhân lúc các đời vua tiếp nối Thái tổ Lê Lợi còn nhiều chuyện lục đục. Năm 1470, Trà Toàn – vua nước Chăm-pa đã một mặt sai người sang cầu viện nhà Minh, một mặt tự dẫn quân tiến đánh Đại Việt. Trà Toàn huy động lực lượng hơn 10 vạn quân – một con số rất lớn đối với quy mô nước Chăm-pa thời bấy giờ. Tướng giữ thành Hóa Châu là Phạm Văn Hiển chống cự không nổi, bèn dồn dân vào trong thành, đóng cổng cố thủ. Thế nhưng thật không may cho Trà Toàn cũng như toàn thể người Chăm-pa. Bởi vì sau thời gian dài suy yếu thì nay ở nước Đại Việt xuất hiện một vị vua hùng tài đại lược bậc nhất, ấy chính là Thánh Tông Lê Tư Thành cháu nội Thái tổ Lê Lợi.

     Vua Lê Thánh Tông (miền Nam gọi Lê Thánh Tôn) hay tin Hóa Châu nguy cấp, tức tốc đem 20 vạn quân thân chinh tiến xuống phía Nam theo đường biển đánh vào cửa Thị Nại (Quy Nhơn – Bình Định), cửa ngõ vương triều Chăm-pa. Lão tướng Thái sư Đinh Liệt, người theo Lê Lợi từ những ngày đầu kháng chiến, từng tham gia trận đại chiến Chi Lăng – Xương Giang chém chết tướng giặc Liễu Thăng năm nào và gọi Lê Lợi bằng cậu đã không cho quân Chăm-pa một cơ hội nào cả. Đoàn quân vua Lê Thánh Tông cùng Thái sư Đinh Liệt, Thái bảo Lê Niệm nhanh chóng đánh chiếm cửa biển Thị Nại mở đường tiến lên kinh đô Trà Bàn (Bình Định) bắt được Trà Toàn cùng vợ con và vô số binh lính Chăm-pa. 

Từ Bình Định, vua Lê Thánh Tông tiếp tục tổ chức một cuộc hành quân vượt dãy Cù Mông (ranh giới hai tỉnh Bình Định – Phú Yên) tiến về phía nam đến dãy núi Đại Lãnh (địa phận hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa). Tại đây, trên đỉnh một ngọn núi cao, tạo hóa đã dựng sẵn một tòa đá hùng vĩ chót vót; vua Lê Thánh Tông sai tạc vào đây bài văn thể hiện ranh giới mới giữa hai nước Đại Việt – Chăm-pa. Từ đó, trong dân gian lưu truyền tên gọi Thạch Bi Sơn tức núi Đá Bia khi nói về ngọn núi cao nhất, nơi có tòa đá cao ngút trời mây từng là mốc giới của nước Đại Việt năm xưa.

Kỳ quan Thạch Bi Sơn tại dãy núi Đại Lãnh nhìn từ phía Phú Yên (Ảnh: internet).

     Trước đây khi hầm đường bộ Đèo Cả chưa được khởi xây, lãng khách trên dọc đường thiên lý Bắc Nam khi qua đây đều rất dễ dàng phóng tầm mắt về phía Đông để ngước trông tòa Thạch Bi Sơn đứng sừng sững giữa mây – trời – gió – núi. Hoặc vào những ngày quang đãng, du khách cũng có thể trông thấy Thạch Bi Sơn từ đằng xa hàng chục ki-lô-mét nhìn từ đồng lúa Tuy Hòa – Phú Yên. Hơn năm trăm năm đã trải qua, núi vẫn đứng đấy nhưng có điều lạ là đoạn văn bia cụ thể thế nào thì ngày nay chúng ta không còn được thấy. Theo nhiều tài liệu chính thống chép lại thì vua Lê Thánh Tông đã cho tạc vào tòa đá đoạn văn có phần nội dung như sau:

“Chiêm Thành vượt qua, binh bại nước mất
An Nam vượt qua, tướng chết quân tan.” 

     Cho dù câu chuyện vua Lê Thánh Tông sai người tạc vào tòa đá thực hư như thế nào đi chăng nữa vì ngày nay không còn dấu vết; thì sự vươn dậy của vua Lê Thánh Tông đã chấm dứt quãng thời gian giằng co giữa hai nước Đại Việt – Chăm-pa bằng trận chiến đẫm máu người Chăm. Sau khi hạ thành Trà Bàn, vua Lê Thánh Tông không những thu hồi tất cả những vùng đất trước đây đã thuộc về Đại Việt mà ngài còn mở rộng lãnh thổ đến tận núi Đá Bia – Phú Yên; còn vương quốc Chăm-pa thì bị ngài chia thành ba tiểu quốc là Chiêm Thành, Hoa Anh và Nam Phan; tất cả đều phải xin thần phục Đại Việt. Riêng Trà Toàn, trên đường giải về Đông Kinh (Hà Nội) khi đến Nghệ An vì lo lắng mà sinh bệnh, chết.

Kể từ đây, đất nước Chăm-pa không bao giờ trở nên hùng mạnh đủ sức đương đầu Đại Việt như trước nữa. Ấy là dấu mốc lịch sử năm 1471 gắn liền tên tuổi vị vua hùng tài đại lược Thánh Tông Lê Tư Thành – vị vua trị quốc bình Chiêm.

Hai chữ “Đại Lãnh” (tức Dãy núi lớn) cùng quang cảnh mây – núi được chạm nổi trên bề mặt Tuyên đỉnh (Ảnh:hinhanhvietnam.com).

     Năm Minh Mạng thứ 16 tức 1835, nhà vua ra lệnh đúc bộ Cửu Đỉnh (gồm chín chiếc vạc lớn) đặt trước Thái miếu – Kinh thành Huế và được bảo tồn đến tận ngày nay. Bộ Cửu Đỉnh được đúc bằng đồng cùng những nét chạm trổ tinh vi đến mức tuyệt tác khắc họa nhiều chủ đề về cảnh vật, núi sông… Trong đó hình ảnh dãy núi Đại Lãnh, nơi có tòa Thạch Bi Sơn biểu tượng một thời là một trong các địa danh thiêng liêng được nhà vua chọn thể hiện trên bề mặt Tuyên đỉnh và đặt trước Thái miếu tồn tại đến tận ngày nay.