Thái úy Lý Thường Kiệt – Đệ nhất mỹ nam
Dân tộc Việt Nam chúng ta coi chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền là sự kiện đánh dấu mốc chấm dứt thời kỳ Ngàn năm Bắc thuộc. Thế nhưng chỉ trong vòng 72 năm (938 – 1010) kể từ ngày Ngô Quyền giành lại nền độc lập từ người phương Bắc, nước Việt trải qua thêm nhiều lần thay ngôi đổi chủ nữa từ Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý cùng loạn cát cứ nổi lên khắp nơi; nước Việt chỉ thật sự lớn mạnh và có những bước tiến dài kể từ khi bước vào thời đại nhà Lý kéo dài hơn 200 năm bắt đầu bằng việc Thái tổ Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La và khai sinh kinh thành Thăng Long năm 1010. Và cũng trong thời đại này, nước Đại Việt đã sản sinh ra một vị anh hùng dân tộc rất đặc biệt, phải nói ngàn năm có một; một hoạn quan đưa quân đánh bại quân thù trên đất Trung Hoa, rồi đến năm 85 tuổi vẫn vác đao tế ngựa chinh chiến nơi sa trường thì hỏi trên đời này còn ai khác ngoài tướng quân Thái úy Lý Thường Kiệt.
Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) vốn họ Ngô húy là Tuấn, tự là Thường Kiệt, thuộc dòng dõi Ngô vương Ngô Quyền. Thường Kiệt lúc làm quan lập được công to nên được ban quốc tính, từ đó đời đời nhớ đến ông với tên gọi Lý Thường Kiệt. Thường Kiệt sớm mồ côi cha, được chồng bà cô ruột là Tạ Đức nuôi cho ăn học. Chàng trai trẻ sớm bộc lộ khí chất thông minh, lanh lợi lại là trai Hà Nội và… vô cùng đẹp trai. Thế là ông Tạ Đức đem cô cháu gái yêu là Thuần Khanh gả cho Thường Kiệt khi còn rất trẻ.
Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, Thái tử Lý Càn Đức lên nối ngôi lấy hiệu Nhân Tông khi mới 7 tuổi. Nhà Tống nhân cơ hội này muốn tính chuyện đưa quân chiếm lại Đại Việt, vùng đất mà trước đó 140 năm vẫn còn chìm trong ngày dài u tối dưới ách đô hộ ngàn năm của người phương Bắc. Hơn nữa, vào năm 981, tức chỉ 43 năm sau khi Ngô Quyền giành lại nền độc lập, quân Tống ngạo mạn dưới thời Tống Thái Tông đã một phen thảm bại ê chề trước đội quân thiện chiến của Hoàng đế Lê Đại Hành nước Đại Cồ Việt. Thế nên lần này nhà Tống quyết tâm đánh một trận rửa hận lấy lại thể diện “thiên triều” đồng thời dã tâm đưa Đại Việt trở thành thuộc địa như cũ.
Nắm được mưu đồ đó của Tống Thần Tông Triệu Húc, Lý Thường Kiệt cho rằng “Hừm. Ngồi im đợi giặc ư, chi bằng đưa quân ra trước chặn thế mạnh của giặc, đập tan âm mưu còn trong trứng nước”. Thế là năm 1075, Lý Thường Kiệt cùng Tôn Đản dẫn 10 vạn quân hăng hái chia hai đường thủy bộ tập kích đất Tống với mục tiêu chính là các căn cứ gần Đại Việt, đặc biệt triệt hạ bằng được thành Ung Châu, nơi tập trung binh lực chiến lược để tấn công Đại Việt trong toan tính của Tống Thần Tông. Lý Thường Kiệt dẫn đại quân lần lượt hạ Khâm Châu, Liêm Châu (đều thuộc Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay), sau đó tiến lên phía Bắc đi sâu vào nội địa đánh phá Bạch Châu, Dung Châu. Thế tiến công của đoàn quân Thái úy Lý Thường Kiệt rất mạnh mẽ, đánh tới đâu hạ thành tới đó. Tri châu Khâm, Tri châu Liêm cùng nhiều Tri huyện, Tuần kiểm… đã phải bỏ mạng dưới từng đường đao của Lý tướng quân.
Sau khi triệt phá nhiều châu, huyện ở phía Đông, thu nhiều vũ khí cùng lương thảo, Lý Thường Kiệt cho quân rẽ sang hướng Tây phối hợp với cánh quân của Tôn Đản tấn công trùm cuối Tô Giám tại thành Ung Châu. Đội quân Thái úy Lý Thường Kiệt uy vũ là thế, nay hợp thêm quân của Tôn Đản thì thế mạnh tựa cọp beo. Nhưng Ung Châu là thành trì rất kiên cố, lại được chiến tướng Tô Giám lão luyện trông coi. Quân Đại Việt đã kiên trì tấn công hơn một tháng rồi mà vẫn chưa hạ được thành, cuộc chiến công thành nhiều khi đi vào bế tắc. Nhưng Lý Thường Kiệt là con người đầy tham vọng, không chấp nhận từ bỏ, đến ngày thứ 42 thì thành Ung Châu hoàn toàn bị hạ.
Minh họa Thái úy Lý Thường Kiệt (Ảnh: Đuốc Mồi).
Lý Thường Kiệt được người đời nhớ đến như là danh tướng vĩ đại một đời tận tụy với quốc gia, dân tộc trong công cuộc phá Tống bình Chiêm mà đỉnh cao là trận chiến thành Ung Châu và phòng tuyến sông Như Nguyệt. Công lao to lớn của ông đối với dân tộc đời đời dân Việt ghi nhớ nhưng có một điều bí ẩn là tại sao ông lại trở thành hoạn quan khi tuổi đời còn rất trẻ. Chính sử ghi chép Lý Thường Kiệt được sung chức Hoàng môn chi hậu (một chức hoạn quan) khi tuổi mới 23. Có rất nhiều giả thiết được đưa ra nhưng thuyết phục nhất là câu chuyện thâm cung bí sử giữa ông và Dương Hồng Hạc, người sau này là Nguyên phi của Thái tử Lý Nhật Tôn (tức vua Lý Thánh Tông, cha của Lý Nhân Tông sau này). Một thanh niên Hà Nội quá đẹp trai và tài giỏi lại có mối quan hệ người yêu cũ với vợ của Thái tử; để thể hiện sự trung thành, tận hiến cho quốc gia, dân tộc, người đàn ông này đã chọn con đường đau đớn nhất nhưng cũng đầy tham vọng nhất: tĩnh thân.
Lý Thường Kiệt là con người có phần mềm mỏng với nhân dân nhưng với quân thù, ông là con người quyết đoán, cứng rắn đến mức có phần tàn bạo. Năm 1069, ông cùng vua Lý Thánh Tông thân chinh đánh dẹp Chiêm Thành sau nhiều năm bị quấy phá. Lý Thường Kiệt thần tốc tiến thẳng vào kinh đô Trà Bàn (Bình Định) chém chết tướng Chiêm là Bố Bì Da La, rượt đuổi vua Chiêm là Chế Củ đến tận biên giới Chân Lạp rồi bắt sống đưa về kinh thành Thăng Long. Vua Chiêm Chế Củ khiếp vía mà dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (Quảng Bình và Bắc Quảng Trị ngày nay) để xin chuộc mạng. Đối với nhà Tống, trận công phá thành Ung Châu nằm ngoài sức tưởng tượng của Tống Thần Tông và Nhà cải cách Tể tướng Vương An Thạch. Trước khi Lý Thường Kiệt xuất hiện tại cổng thành Ung Châu, có lẽ Tô Giám cũng chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình phải tự tay kết liễu 36 người thân rồi tự thiêu mà chết kể cả trong cơn ác mộng của hắn. Trên đất Đại Việt những năm 1075-1076, dưới sự chỉ huy tài tình của lão tướng Lý Thường Kiệt, quân và dân ta đã đánh cho 30 vạn đại quân nhà Tống do Quách Quỳ chỉ huy phải đại bại ngay tại phòng tuyến sông Như Nguyệt, cửa ngõ tiến vào kinh thành Thăng Long. Chiến thắng ấy đã khiến cho “thiên triều” phương Bắc khiếp vía từ đời này qua đời khác kéo dài gần 200 năm không còn dám động đến nước ta cho đến tận thời nhà Nguyên của người Mông Cổ.
Vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt gia nhập quân ngũ từ năm 18 tuổi, đến năm 85 tuổi vẫn vác đao tế ngựa đi dẹp loạn Lý Giác ở Diễn Châu và thu phục Chiêm Thành. Cuộc đời binh nghiệp trải qua 3 đời vua: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông; lập nhiều công lao to lớn, được ban quốc tính, được lập Thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua), đảm nhiệm nhiều chức vụ tối cao, quan trọng. Sau khi đánh Chiêm trở về, giữa năm 1105, Lý Thường Kiệt tạ thế, đại thọ 86 tuổi – Cả đời tận hiến cho quốc gia, dân tộc.
Có một điều thú vị rằng, nếu bỏ qua thời kỳ nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn sau này thì có lẽ Lý Thường Kiệt là tên vị anh hùng dân tộc hiếm hoi xuất hiện trong các bài quyền thế võ của dân tộc Việt còn được lưu truyền đến tận ngày nay. Tôi xin kể về bài quyền binh khí Đại đao Lý Thường Kiệt để quý vị chiêm nghiệm thêm về vị danh nhân này nhé.
Nữ võ sư Hồ Hoa Huệ – đệ tử môn phái Tân Khánh Bà Trà và Chưởng môn Tinh Võ Đạo có lần kể trên truyền hình như sau: “Khi tôi vừa dứt bài quyền Đại đao Lý Thường Kiệt, tất cả những người tham dự đồng loạt vỗ tay tỏ ý mến phục, giáo sư Trần Văn Khê xúc động đến mức đánh rơi cả gậy bước lên sân khấu ôm choàng lấy tôi. Đó là sự kiện nhân Lễ kỷ niệm 300 năm Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh do Hội người Việt Nam tại Pháp tổ chức ở Paris năm 1998.”
Ngàn năm đã trôi qua, thực hư về bài quyền Đại đao Lý Thường Kiệt không rõ nguồn gốc thế nào nhưng chắc cũng có cơ sở riêng của nó. Cho dù thế nào đi chăng nữa thì bài quyền này thể hiện sự tôn trọng, mến phục của người đời với tiền nhân, góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt.
Mời quý vị cùng xem môn sinh phương Tây biểu diễn bài quyền Đại đao Lý Thường Kiệt này nhé.