Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa – Nguyễn Chích hiến kế diệt quân Minh

     Đêm đã về khuya, Lê Lợi một mình trong trướng dưới ánh đèn hiu hắt, lòng trĩu nặng…

“…Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ.
Những trằn trọc trong cơn mộng mị,
Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi…”

(Đồ hồi: Mưu tính việc khôi phục)

     Thế là cũng đã sáu năm kể từ ngày “Dựng cần trúc, ngọn cờ phấp phới”. Sáu năm đã trôi qua, nghĩa quân Lam Sơn dẫu cố công vùng vẫy thế mà tầm hoạt động vẫn chưa ra khỏi một vùng Lam Sơn nhỏ hẹp. Nếu chẳng nhờ vùng núi Chí Linh hiểm trở đã nhiều phen là nơi che chở cho nghĩa quân nương náu và nếu như chẳng có những con người quả cảm cam lòng hy sinh cứu chúa như tướng quân Lê Lai cùng quân sĩ thì có lẽ nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi thống lĩnh đã không còn tồn tại để viết tiếp nên thiên anh hùng ca bất tử suốt những năm tháng về sau.

“…Vừa khi cờ nghĩa dấy lên,
chính lúc quân thù đang mạnh.
Lại ngặt vì:
Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
nhân tài như lá mùa thu…”

     Những ngày đầu xuân năm 1418, Lê Lợi đứng lên dựng cờ khởi nghĩa ở vùng núi Lam Sơn (Thanh Hóa), tự xưng Bình Định vương, ra lời kêu gọi nhân dân chung sức đánh đuổi giặc ngoại xâm. Bấy giờ “cơ đồ” mà Bình Định vương gánh vác ấy là một đất nước đang bị quân thù giày xéo suốt hơn 10 năm kể từ khi nhà Hồ để mất nước vào tay giặc Minh năm 1407. Mười năm, một quãng thời gian đủ dài để bọn giặc gieo rắc nỗi kinh hoàng chưa từng thấy ở nước ta cùng âm mưu “tiệt nòi dân tộc Việt”. Bởi thế mà sau này Nguyễn Trãi phải thốt lên trong tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” rằng:

“Bại nhân nghĩa nát cả đất trời…
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ.”

     Khi bắt đầu đặt ách đô hộ lên nước ta, giặc Minh đã vơ vét đến tận cùng lực kiệt, không những tài sản vật chất mà còn truy bắt rất nhiều thanh niên trai tráng, con dân ưu tú của nước Việt sang Tàu phục dịch, và dĩ nhiên không quên đặt ra đủ điều bóc lột nặng nề nhằm làm suy kiệt tối đa nguyên khí của một quốc gia. Vậy nên, con người sống trong tình cảnh ngặt nghèo này thì tồn tại được cũng đã là một điều phi thường chứ nói chi đến chuyện giải cứu một dân tộc, một đất nước đang trên bờ vực bị xóa sổ. Thế nên cũng thật dễ hiểu khi kết quả thu được trong sáu năm đầu khởi nghĩa (1418-1424) cũng thật là khiêm tốn. Lấy ít địch nhiều, nghĩa quân Lam Sơn thường giành chiến thắng ở những trận phục kích. Những lần bị địch phản công bao vây kín núi trong thời gian dài, nghĩa quân phải ăn cả cây cỏ cầm hơi, dựa vào rừng núi hoang vu hiểm trở để tồn tại và chiến đấu cho những tháng ngày bi hùng nhất trong cuộc đời của những người lính nghĩa quân.

     Khoảng những năm 1422 – 1424 bên Tàu, bộ tộc Thát Đát liên tục quấy phá khiến nhà vua là Minh Thành Tổ phải vất vả nhiều phen thân chinh đi đánh dẹp. Lợi dụng tình hình cai trị có phần lơi lỏng ở nước ta, mùa xuân năm 1423 Lê Lợi nghe lời các tướng, sai Lê Vận, Lê Trăn mang lễ vật đến gặp Tổng binh quân Minh là Trần Trí xin cầu hòa. Trong toan tính của mình, Lê Lợi cần thời gian để bí mật gầy dựng lực lượng sau những lần bị lâm vào tình thế cực kỳ nguy cấp; còn phía chính quyền đô hộ nhà Minh bấy giờ cũng không phải chịu nhiều áp lực từ Minh Thành Tổ đồng thời sau những lần bị tập kích, và đặc biệt là sau trận thua quân liều chết phá vòng vây của nghĩa quân Lam Sơn ở Sách Khôi cuối năm 1422 khiến quân Minh bị thiệt hại khá nặng thì quân Minh cũng cảm thấy mỏi mệt, cần nghỉ ngơi rồi từ từ dùng kế thu phục cũng không muộn. Vậy nên Tổng binh Trần Trí tạm thời chấp nhận ngưng chiến và không quên giữ Lê Trăn ở lại doanh trại làm con tin.

     Tháng 5 năm 1423, tận dụng thời gian hòa hoãn, Lê Lợi đưa quân về lại Lam Sơn âm thầm củng cố và phát triển lực lượng.

“…Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống.”

     Một ý chí sắt đá cùng hoài bão tiến quân về Đông Quan (Đông Đô – Hà Nội) luôn ngự trị trong tâm trí của Bình Định vương, điều đó đã được thể hiện nhiều lần qua các trận đánh mà nghĩa quân thua liểng xiểng rồi gượng dậy… đánh… rồi thua… rồi lại gượng dậy… Dẫu nghĩa quân Lam Sơn cũng đã gây ra nhiều thiệt hại cho quân giặc nhưng con đường dẫn về Đông Quan còn xa mờ mịt và đầy trắc trở lắm thay. Bởi vì để thống trị, hơn 10 vạn quân Minh luôn thường trực khắp nơi trên đất nước ta, nước láng giềng Ai Lao đã bị quân Minh đe dọa mua chuộc. Các ngả tiến về Đông Quan đâu đâu cũng thấy doanh trại, thành trì của giặc. Vậy thì trong thời gian hòa hoãn mong manh này, giới lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn suy nghĩ những gì và sẽ hành động như thế nào để thực hiện sứ mệnh mà cả dân tộc đang trông chờ, gửi gắm lên vai những người chí sĩ khi mà tương quan lực lượng giữa hai bên là một sự chênh lệch rất lớn? 

     “Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông. Tôi trước hay qua vùng này nên thông thuộc thiên văn địa lý. Nguyện làm tiên phong chém đầu tướng giặc…”

     Khi âm thanh vừa dứt, ánh mắt từ người thủ lĩnh nghĩa quân bỗng nhiên sáng rực và lóe lên một niềm hy vọng mà có lẽ từ ngày nổi dậy khởi nghĩa đến nay chưa bao giờ Bình Định vương Lê Lợi cảm thấy thật gần, thật tin tưởng đến như thế. Bởi vì vị quân sư, vị tướng vừa hiến kế và nguyện làm tiên phong kia chính là Nguyễn Chích, một danh tướng có lai lịch rất khác biệt so với phần còn lại của nghĩa quân Lam Sơn.

     Nguyễn Chích (1382 – 1448) quê ở xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thuở nhỏ hay thả diều chăn trâu ở vùng núi Hoàng, núi Nghiêu thuộc miền nam Thanh Hóa. Khi vừa lớn lên, chứng kiến cảnh đất nước loạn lạc cuối thời Trần rồi sau đó nhà Hồ để mất nước vào tay giặc Minh, đâu đâu cũng thấy bóng dáng quân thù tàn bạo lăm lăm giáo mác trên tay. Những điều ấy đã sớm hình thành trong ông một ý thức và thôi thúc ông phải hành động. Đau lòng trước cảnh lầm than, không chịu khuất phục, Nguyễn Chích đứng lên khởi nghiệp binh đao chống giặc Minh từ nơi gắn liền với tuổi thơ ông, vùng núi Hoàng – Nghiêu, nơi giáp ranh 3 huyện Đông Sơn, Nông Cống và Triệu Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Cuộc khởi nghĩa của ông kéo dài liền trong bốn – năm năm trời, tầm ảnh hưởng và uy danh của Nguyễn Chích rộng khắp một vùng từ miền Nam Thanh Hóa đến Bắc Nghệ An mà quân thù chưa làm gì được vì Hoàng – Nghiêu là căn cứ nằm ở vị trí rất hiểm, có thế sông thế núi rất vững chãi trong việc phòng thủ.

     Năm 1418, theo lời kêu gọi của Bình Định vương Lê Lợi, Nguyễn Chích đồng ý quy về dưới ngọn cờ chung Lam Sơn; tuy nhiên thời gian đầu lực lượng Nguyễn Chích vẫn đóng ở căn cứ Hoàng – Nghiêu cho đến cuối năm 1420 ông mới đem toàn bộ binh lực gia nhập cùng nghĩa quân của Lê Lợi. Như vậy có thể thấy rằng dưới ngọn cờ Lam Sơn, Nguyễn Chích không giống như những tướng quân khác bởi khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa thì Nguyễn Chích đã có lực lượng riêng, có nhiều năm kinh nghiệm chiến đấu với quân Minh và đã khẳng định tên tuổi khi “Hiệu lệnh của ông được thi hành ở các huyện Đông Sơn, Nông Cống và Ngọc Sơn” (theo Đại Nam nhất thống chí). Theo như những gì Nguyễn Chích giải thích thì Nghệ An là vùng đất rộng người đông, người dân ở đây lại có tinh thần dân tộc; về vị trí quân sự, thành Nghệ An nằm cách xa các căn cứ mạnh nhất của giặc là Tây Kinh và Đông Quan, lực lượng tiếp viện của địch sẽ mất nhiều thời gian để ứng cứu. Vậy nên hãy chiếm lấy Nghệ An làm nơi đứng chân rồi dựa vào nhân lực, tài lực ở đó mà ngược ra Bắc đánh dần tới đầu não Đông Quan thì ắt sẽ lấy lại được uy danh cố quốc.

     Không cần phải suy nghĩ nhiều, một sự am hiểu tường tận cộng với một bài thuyết minh ấn tượng của Nguyễn Chích đã khiến Lê Lợi không có lý do gì để chối từ.

Khoi-nghia-Lam-Son

Ảnh minh họa.

“Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay.”

     Tháng 12 năm 1424 từ Thanh Hóa, Lê Lợi đưa quân theo đường núi tấn công các đồn giặc ở miền Tây Nghệ An, sau đó tấn công dữ dội thành Trà Lân. Trong khi Cầm Bành – Tri châu miền Trà Lân dựa vào thành cao hào sâu mà gồng mình cố giữ thì Tổng binh Trần Trí đem quân từ Tây Đô vào giải cứu Nghệ An bị nghĩa quân Lam Sơn tập kích phản công dữ dội tại chân núi Bồ Lạp (trận Bồ Đằng) bị thua to phải lui về phòng thủ ở thành Nghệ An mà không dám đưa quân ứng cứu. Sau gần hai tháng vừa đánh vừa dụ, số binh lính rời bỏ hàng ngũ quân Minh ngày càng đông, bản thân Cầm Bành cũng là một người Việt, cuối cùng cũng mở cửa thành xin hàng.

     Sau khi chiếm được thành Trà Lân, Lê Lợi tiếp tục chia quân đi các hướng đánh phá đồn giặc, nơi nào quân giặc sơ hở, bố phòng lỏng lẻo thì hỏi thăm trước giải phóng đất đai, gia tăng áp lực lên các nơi có thành trì kiên cố. Tháng 6 năm 1425, Lê Lợi sai Đinh Lễ đem quân giải phóng Diễn Châu (Bắc Nghệ An) rồi cùng với viện binh của Lý Triện, Lê Sát… tiến ra đánh Tây Đô. Đến tháng Tám, Lê Lợi phái Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ, Lê Đa Bồ dẫn quân bộ, còn Lê Ngân, Lê Văn An, Phạm Bôi dẫn quân thủy theo hai đường thủy – bộ tiến sâu xuống phía Nam giải phóng Tân Bình (Quảng Bình), Thuận Hóa (Quảng Trị – Thừa Thiên Huế). Quân Minh ở Tân Bình, Thuận Hóa nghe tin toàn vùng Nghệ An được giải phóng, Tây Đô đang chao đảo còn nghĩa quân Lam Sơn đang hai mặt kéo đến thì vội vã lui về hai thành Tân Bình, Thuận Hóa cố thủ. Trước khí thế công thành hừng hực của nghĩa quân Lam Sơn, chịu không nổi nhiệt, chẳng bao lâu sau giặc phải đầu hàng và toàn bộ Tân Bình, Thuận Hóa được giải phóng.

     Như vậy, chỉ trong thời gian chưa đầy 2 năm (1424 – 1425) hành động theo kế sách chiến lược của Nguyễn Chích, nghĩa quân Lam Sơn đã nhanh chóng lớn mạnh, trở thành một đối thủ tiềm tàng đủ sức khiến chính quyền nhà Minh tại Yên Kinh (Trung Quốc) không thể thờ ơ như trước. Rồi đây, trên đường hành quân ra Bắc giải phóng Đông Quan, nghĩa quân Lam Sơn sẽ phải chạm trán thêm nhiều đối thủ ngày càng nặng ký. Dưới ngọn cờ chính nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn cùng những con người bền gan vững chí chiến đấu đến cùng dẫu cho “gan óc lầy đất” thì 5 vạn quân cứu viện của Vương Thông hay 10 vạn quân cứu viện của Liễu Thăng từ bên Tàu chỉ làm cho trường ca sử Việt thêm phần hào hùng bởi những trận đại thắng lịch sử Tốt Động – Chúc Động “thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”, Chi Lăng – Xương Giang “thây chất đầy đường, máu trôi đỏ nước…”

     Cuối năm 1427, Bình Định vương Lê Lợi ca khúc khải hoàn toàn thắng quân Minh. Đến tháng Tư năm 1428, đất nước sạch bóng quân thù, Lê Lợi chính thức lên ngôi vua lập nên nhà Hậu Lê. Lê Lợi – Lê Thái Tổ lấy niên hiệu Thuận Thiên, công bố Bình Ngô đại cáo, khôi phục quốc hiệu Đại Việt và kinh đô Đông Đô, đại xá thiên hạ. Ông mất năm 1433, làm vua được 5 năm, thọ gần 50 tuổi.

     Nguyễn Chích sau ngày toàn thắng được ban quốc tính nên có tên khác là Lê Chích, được phong tước Đình thượng hầu, đứng thứ 8 trong số 93 đại công thần. Ông sống đến đời Thái Tông rồi Nhân Tông, thêm nhiều lần đi đánh dẹp Chiêm Thành rồi mất năm 1448, thọ 66 tuổi. 

     Đánh giá về công lao của Nguyễn Chích, Lê Quý Đôn ca ngợi ông như sau:

     “Bầy tôi có ông khai quốc, kể về bậc tài trí cần lao không phải là hiếm nhưng sở dĩ vua Lê Thái Tổ đã bình định được cả nước là do mưu chước của Lê Chích… Không cần phải đánh mà được thành Đông Đô, lấy hoà hiếu để kết thúc chiến tranh, tuy là mưu kế của Nguyễn Trãi, nhưng trước hết làm cho căn bản mạnh để thu thắng lợi hoàn toàn thực chất là bắt đầu từ Lê Chích”.