Lý Tiểu Long và Sự thịnh hành của Côn nhị khúc – Nunchaku
Mỗi khi chúng ta nghĩ về một nhân vật anh hùng nào đó, ngoài dung mạo, tính cách thì vũ khí chính là thứ tô điểm cho hình ảnh nhân vật trở nên sinh động hơn. Chẳng hạn khi nhắc đến Trương Phi thì sẽ liên tưởng ngay đến Bát xà mâu, Chiến thần Lữ Bố uy dũng một phần nhờ Phương thiên Họa kích hay Giáo đầu Lâm Xung sở trường ở những đường Thương gia truyền. Nhưng có một điểm chung là chúng ta chỉ hình dung ra họ từ những bộ tiểu thuyết hoặc xem từ các tác phẩm điện ảnh qua sự thể hiện của các diễn viên cùng sự hỗ trợ của kỹ xảo. Ở thời hiện đại, khi bàn về một loại vũ khí tiêu biểu, chân thực và có tầm ảnh hưởng gắn liền với tên tuổi một nhân vật, đa phần chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Côn nhị khúc cùng huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.
Tôi chưa từng thấy ai gọi Lý Tiểu Long (tên tiếng Anh: Bruce Lee) là anh hùng nhưng chắc một điều rằng những nhân vật ông thể hiện trong phim thường là những nhân vật anh hùng. Cùng với Côn nhị khúc (Nunchaku) trong tay, ông đã khiến bao thế hệ thanh niên đam mê dòng phim võ thuật chết mê chết mệt với những đường côn chân thực đầy điêu luyện của mình.
Thời bấy giờ, côn nhị khúc là một thứ gì đó còn khá xa lạ với cả người luyện võ chứ nói gì tới những người tạm gọi là “ngoại đạo” trong xã hội. Sau này khi Lý Tiểu Long làm cho Côn nhị khúc trở nên phổ biến rộng rãi đặc biệt là ở châu Á thì nhiều người vẫn lầm tưởng rằng Côn nhị khúc có xuất xứ từ Trung Hoa. Tôi nhớ có lần đã xem một đoạn phim tài liệu trên kênh truyền hình HBO rằng lần đầu tiên Lý Tiểu Long tiếp cận côn nhị khúc là từ Dan Inosanto – một võ sư kiêm diễn viên gốc Philippines. Bạn nào từng xem bộ phim “Tử vong du hý” (tên tiếng Anh là The Game of Death) được dàn dựng và lồng ghép bằng diễn viên đóng thế năm 1978 sau khi Lý Tiểu Long đột ngột qua đời năm 1973 thì Dan Inosanto là diễn viên vào vai Ken – người sử dụng đôi đoản côn và côn nhị khúc đánh chặn Billy (do diễn viên đóng thế Lý Tiểu Long nhập vai) trước khi Billy chạy lên lầu đụng độ gã cao kều Hakim cao hơn 2 mét. Người Philippines có môn võ truyền thống gọi là Võ gậy Arnis đánh đôi đoản côn rất là ảo diệu, ngoài ra Dan Inosanto được người chú truyền dạy môn Karate truyền thống của vùng Okinawa – Nhật Bản, được biết đến là nơi phát minh ra loại vũ khí Côn nhị khúc – Nunchaku. Trong phim “Tử vong du hý” thì Ken (do Dan Inosanto thủ vai) đấu thua Billy nhưng thực tế thì chính Dan Inosanto là người đã giới thiệu và truyền dạy cho Lý Tiểu Long những bài bản đầu tiên của loại vũ khí độc đáo này.
Dan Inosanto và diễn viên đóng thế Lý Tiểu Long trong phim “Tử vong du hý” năm 1978.
Tương truyền tại vùng đảo Okinawa năm xưa, khi còn là tiểu vương quốc dưới sự cai trị hà khắc của đế quốc Nhật Bản thì tầng lớp thống trị đã nghiêm cấm, không cho dân chúng sử dụng những công cụ bằng kim loại có tính sát thương trong sinh hoạt cũng như trong lao động sản xuất. Okinawa là vùng đất có tinh thần thượng võ, được biết đến như là nơi sản sinh ra môn võ Karatedo nổi tiếng. Để phản kháng lại sự cấm đoán của chính quyền cai trị, người dân vùng này đã nghĩ ra việc dùng một đoạn dây thừng nối hai khúc gỗ ngắn lại với nhau tạo thành thứ mà ngày nay mọi người hay gọi là “Côn nhị khúc” – một loại vũ khí nhỏ gọn nhưng đáng sợ được sáng tạo từ sự lách luật của người dân bị áp bức.
Gọi là “côn nhị khúc” đơn giản bởi vì cấu tạo chính của vũ khí này gồm hai khúc gỗ được nối với nhau qua một đoạn dây chắc chắn. Thực ra nếu hiểu theo nghĩa trên thì “côn nhị khúc” rất là phong phú về hình dáng. Ở Việt Nam và Trung Hoa có nhiều loại vũ khí được cấu tạo “nhị khúc” kiểu như vừa mới nói với các tên gọi nhiều khi còn nhập nhằng lẫn lộn. Nào là Thiết lĩnh côn, Mẫu tử côn, Lưỡng tiết côn… Điểm khác biệt lớn nhất của các loại vũ khí vừa nêu là sự chênh lệch đáng kể về độ dài của mỗi một đoạn (khúc) trong một bộ hoàn chỉnh gồm hai khúc. Bài viết này chỉ đề cập đến loại “Côn nhị khúc” là thứ vũ khí mà huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long thường sử dụng, được thế giới biết đến với tên gọi Nunchaku.
Một số biến thể của côn nhị khúc.
Lần đầu tiên các bạn tập luyện côn nhị khúc là như thế nào? 🙂
Tôi nhớ vào khoảng thời gian đầu của thời sinh viên, một anh bạn học cho tôi mượn cái đĩa DVD có bộ phim Long tranh Hổ đấu (tên tiếng Anh: Enter the Dragon) năm 1973 của Lý Tiểu Long. Khi xem tới đoạn Lee (Lý Tiểu Long đóng) chiến đấu trong ngục tối. Theo đó, vì Lee tìm cách điều tra các hoạt động mờ ám của ông trùm Han mà vô tình phát hiện ra nhà ngục bí mật, nơi giam giữ tù nhân và cũng là nơi sản xuất ma túy của ông trùm. Sau khi chiến đấu và nhanh chóng hạ gục từng tên trong đám lính canh (Thành Long đóng); với đoản côn trong tay, Lee dễ dàng tước đoạt vũ khí của tên lính cuối cùng. Và rồi bằng chính thứ vũ khí vừa tước đoạt ấy, Lee đã khiến cho đối phương phải trố mắt kinh ngạc khi thể hiện màn diễu võ dương oai – đó là đoạn quyền côn nhị khúc kinh điển gắn liền loại vũ khí này với tên tuổi Lý Tiểu Long. Vì quá ấn tượng với cảnh ấy, ngay lập tức tôi cố tìm tòi cách tạo ra một cây côn nhị khúc để bắt chước theo họ Lý (vì tự tập nên rất quan ngại với côn gỗ). Cây “côn nhị khúc” đầu tiên của tôi được tạo ra bằng cách… cuộn chặt những cuốn tạp chí lượm lặt ở đâu đó thay thế cho những khúc gỗ cứng đầy nguy hiểm. 😀 (Ngày nay thật không khó để kiếm cho mình những cây côn nhị khúc có chất liệu mềm nhẹ và an toàn với người mới tập chơi. Bạn nào quan tâm thì tự tìm hiểu nhé).
Với côn nhị khúc trong tay, các nhân vật do Lý Tiểu Long thể hiện hầu như đều chiến thắng mọi đối thủ. Trong bộ phim nổi tiếng “Mãnh long quá giang” đoạn quay ở Ý xuất hiện một chi tiết khá thú vị. Sau khi Đường Long (Lý Tiểu Long đóng) đánh te tua cả bọn xã hội đen nước ngoài bằng thứ vũ khí lạ lẫm côn nhị khúc; quá tức tối và tò mò, trong cơn loạng choạng, một anh béo trong đám xã hội đen ấy đã vớ lấy cây nhị khúc mà Đường Long trước đó quăng ra. Trong sự bối rối của anh chàng châu Âu lần đầu tiếp cận loại vũ khí kỳ lạ này, những đường côn mà anh chàng tung ra, càng cố tấn công thì anh ta càng thu về những đòn tự hại thân mình. Thật vậy, côn nhị khúc trong tay người biết sử dụng thì nó là thứ vũ khí ảo diệu vô cùng lợi hại nhờ lực ly tâm phát ra rất lớn khi vung đòn; ngược lại nếu vào tay người không biết sử dụng thì nó chỉ là thứ đồ chơi hiền lành với đối thủ mà nguy hiểm với chính người chơi mà thôi 😀
Ở Việt Nam ngày nay phải nói không có loại vũ khí nào được mọi người yêu mến và tập luyện nhiều hơn côn nhị khúc. Thậm chí tại các thành phố lớn có cả những hội, nhóm được lập ra chỉ để tập luyện, giao lưu mỗi môn côn nhị khúc. Thật khó chấp nhận nếu như bạn tập luyện một môn binh khí hoặc vũ khí của võ phái khác nhưng với côn nhị khúc thì điều đó cũng không có gì là quá đáng phải không nào.
Bây giờ mời các bạn xem lại cảnh Lý Tiểu Long (Bruce Lee) diễu võ dương oai với côn nhị khúc trong phim Long tranh hổ đấu nhé!