Thái tổ Mạc Đăng Dung (Phần 1)

Xuất thân: Mạc Đăng Dung sinh năm 1483 dưới triều vua Lê Thánh Tông ở thời kỳ Lê Sơ trong một gia đình ngư dân làng Cổ Trai, trấn Hải Dương (thuộc Thành phố Hải Phòng ngày nay); là cháu 7 đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần.

   Mạc Đăng Dung là người có sức khỏe, lớn lên được học môn võ vật và đạt độ tinh thông nên thi đỗ Đô lực sĩ dưới triều Lê Uy Mục. Đô lực sĩ là chức võ quan tương đương Trạng nguyên, được Lê Uy Mục khởi xướng và tổ chức thi tuyển lần đầu tiên nhằm tìm kiếm những người có sức khỏe để sung làm dũng sĩ. Mạc Đăng Dung sau khi đỗ Đô lực sĩ thì được vua Uy Mục bổ dụng làm Túc vệ chuyên cầm dù theo xe, sau đó tiến nhanh trên chốn quan trường.

   Năm 1508 dưới triều Lê Uy Mục, giữ chức Thiên Vũ vệ Đô Chỉ huy sứ.

  Năm 1511, được phong tước Vũ Xuyên bá; sau thăng Vũ Xuyên hầu trấn thủ Hải Dương.

   Năm 1516, giữ chức Trấn thủ Sơn Nam (nay thuộc các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, một phần Hưng Yên và Hà Nội).   

   Triều đình Lê Sơ sa sút nghiêm trọng ở thời Mạc Đăng Dung làm quan; vừa dứt “Quỷ vương” Lê Uy Mục, cứ tưởng Giản Tu Công lên thay sẽ là một bậc minh quân. Nhưng rồi theo vết xe đổ của triều trước, Giản Tu công tức vua Lê Tương Dực sa đọa háo sắc đến nỗi sứ nhà Minh gọi là “vua Lợn”. Bởi thế cho nên triều đình Lê Sơ bấy giờ chia năm xẻ bảy đánh phá lẫn nhau. 

   Đến thời Chiêu tông Lê Y năm 1518, cũng vì xâu xé nhau nên Chiêu Tông phải bỏ kinh đô chạy sang Gia Lâm, rồi sai người đến Hải Dương triệu Vũ Xuyên hầu Mạc Đăng Dung đem quân về cứu. Nhờ có công giúp vua Chiêu Tông nên đến năm 1522 được thăng Thái phó, Tiết chế nắm giữ binh mã tất thảy 13 đạo.

Sự chuyên quyền: vua Chiêu Tông thấy Mạc Đăng Dung ngày càng lấn át chuyên quyền nên lo sợ bèn đang đêm bỏ kinh đô trốn sang Sơn Tây. Vì cớ đó, năm 1522 Thái phó Mạc Đăng Dung ép triều thần lập em ruột Chiêu tông Lê Y là Lê Xuân lên làm vua, tức Lê Cung Hoàng rồi cho dời hành điện về Hải Dương; còn mình thì tự phong Bình chương quân quốc trọng sự Thái phó Nhân Quốc công.

Nhà Thái miếu trong Khu Tưởng niệm Vương triểu Mạc ở Tp.Hải Phòng.

Mạc Đăng Dung lập Lê Xuân làm vua nhưng thực tế mọi quyền hành đều do mình nắm giữ. Cung Hoàng đế Lê Xuân lúc này non trẻ nên cũng chỉ là quân cờ trong tay Mạc Đăng Dung.

Về phía Chiêu Tông Lê Y thì “cựu vương” được phe cánh của mình hộ giá về Thanh Hóa. Đến năm 1525, Mạc Đăng Dung đưa quân vào Thanh Hóa đánh bại quân Chiêu Tông, bắt “cựu vương” về kinh đô và giết không lâu sau đó.

Đầu năm 1527, Mạc Đăng Dung tự phong Thái sư An Hưng vương, đến tháng Bảy năm ấy thì cướp ngôi của Cung Hoàng đế Lê Xuân; vua và Thái hậu sau đó bị ép phải chết. Nhà Lê Sơ được Thái tổ Lê Lợi dựng nên năm 1428 trải 100 năm tới đây chấm dứt.

   Khi Mạc Đăng Dung tuyên bố truất ngôi nhà Lê, nhiều triều thần rất bất bình chửi mắng thậm tệ. Họ đã ném nhiều đồ đạc như nghiên mực, sỏi đá… thậm chí nhổ nước bọt về phía Đăng Dung. Những người ở xa có thế lực thì khởi binh chống đối, có người vì tôn kính mà quay về căn cứ Lam Sơn lừng lẫy năm xưa bái lạy rồi tự sát. Đã có rất nhiều trọng thần vì chống đối nên bị Mạc Đăng Dung giết, trong đó có các Thượng thư Bộ Lễ, Bộ Lại, Bộ Hộ cùng các quan phụ tá Thượng thư như là Tham chính sứ, Quan sát sứ, Tả thị lang, Hữu thị lang… kể nhiều khôn xiết.

Hết phần 1.
Xem tiếp Phần 2.

Nghe Audio trên Youtube: