Hiến tông Mạc Phúc Hải
Xuất thân: Mạc Phúc Hải sinh năm 1517 ở thời Lê Sơ, là con trưởng của Thái tông Mạc Đăng Doanh; đồng thời là cháu đích tôn của Thái tổ Mạc Đăng Dung – người sáng lập vương triều Mạc.
Lên ngôi: Tháng Hai mùa Xuân năm Canh Tý 1540, Thái tông Mạc Đăng Doanh lâm bệnh qua đời; Thái tổ Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai lên Đông Kinh lập Mạc Phúc Hải lên làm vua, tức là vua Hiến tông của vương triều Mạc.
Vị thế: Vị vua thứ Ba vương triều Mạc.
Tên nước: Bắc triều – Đại Việt.
Kinh đô: Đông đô, tức Kinh thành Thăng Long.
Thời gian trị vì: 6 năm, từ năm 1540 đến năm 1546.
Niên hiệu: Bắc triều nhà Mạc ở thời Hiến tông chỉ dùng một niên hiệu là Quảng Hòa.
Việc nhà Minh: Sau khi sai Mao Bá Ôn và Cừu Loan đem quân áp sát biên giới Đại Việt năm 1537 và không ngừng gia tăng sức ép. Đến khi Thái tông Mạc Đăng Doanh vừa mới qua đời, Hiến tông Mạc Phúc Hải lên nối ngôi; thì nhân cớ đó, bọn quan quân nhà Minh ở biên giới càng đốc thúc Mạc Đăng Dung sang hỏi tội, chúng đe dọa nếu như Mạc Đăng Dung không tuân thì chúng sẽ xua quân tấn công Đông đô (Kinh thành Thăng Long) của Đại Việt. Vì lẽ đó cho nên cuối năm 1540, Thái tổ Mạc Đăng Dung để vua Mạc Phúc Hải ở lại giữ nước, còn bản thân dẫn cháu là Văn Minh cùng một số bề tôi ra ải Nam Quan tự trói mình, đi chân đất đến doanh trại Mao Bá Ôn chịu nhục. Tại đây, Mạc Đăng Dung đã dâng biểu xin hàng; nộp sổ sách ghi chép việc đất đai, nhân khẩu. Đồng thời dâng đất các động của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng cho nội thuộc vào đất Khâm châu, Trung Quốc. Từ đó phía Đại Minh không còn hăm he tấn công Bắc triều Mạc nữa, mà ngược lại còn coi Bắc triều như là đất bảo hộ. Cho nên sau đó vua Thế Tông nhà Minh phong Mạc Đăng Dung làm An Nam Đô Thống sứ, ban ấn bạc và cho quyền thế tập.
Mạc Đăng Dung qua đời: Sau hành động chịu nhục ở ải Nam Quan không lâu, Mạc Đăng Dung lâm bệnh rồi qua đời vào tháng 9 năm 1541. Cũng trong thời gian này, khi Mao Bá Ôn đem tờ biểu đầu hàng của Mạc Đăng Dung đi Yên Kinh dâng vua Thế Tông nhà Minh là Gia Tĩnh đế; được Gia Tĩnh đế ưng thuận, sai đúc ấn bạc phong cho Mạc Đăng Dung. Khi ấn bạc về tới Bắc triều Mạc thì phía nhà Minh mới hay Mạc Đăng Dung đã chết. Thế rồi Minh Thế Tông Gia Tĩnh Hoàng đế lại phải sai người đúc ấn bạc mới để trao chức An Nam Đô Thống sứ cho Mạc Phúc Hải, vua hiện tại của vương triều Mạc.
Việc chiến tranh với Nam triều: Tính đến lúc Mạc Phúc Hải lên ngôi vua, thì vương triều Mạc đã tồn tại được 13 năm. Tuy là một triều đại non trẻ nhưng nhờ vẫn còn đó một Mạc Đăng Dung uy vũ, rồi kế đến là Mạc Đăng Doanh cũng là một vị vua tài năng; cho nên triều nhà Mạc dần được xây dựng để trở thành một vương triều thịnh trị. Nhưng đến năm 1543, khi nhà Lê Trung Hưng ở Thanh Hóa bắt đầu những chiến dịch phản công nhằm giành lại đất đai cũng như quyền cai trị thì cũng là lúc vương triều Mạc dần bước vào cuộc chiến với thế lực ngày càng lớn từ phía nhà Lê Trung Hưng. Cụ thể trong năm này, danh tướng thống lĩnh quân đội nhà Lê Trung Hưng là An Thành hầu Nguyễn Kim tiến quân vây đánh thành Tây Đô (Thanh Hóa). Tướng nhà Mạc giữ thành Tây Đô là Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất liệu sức chống cự không nổi nên mở cửa thành xin đầu hàng. Đây là một dấu mốc quan trọng, là trận thắng lớn đầu tiên trong vòng 10 năm của nhà Lê Trung Hưng, kể từ lúc được dựng lên năm 1533.
Về phía nhà Mạc, tuy để mất thành Tây Đô nhưng nhà Mạc vẫn nắm giữ một vùng đất đai rộng lớn, trù phú phía Bắc. Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất đầu hàng nhà Lê Trung Hưng cũng chỉ là kế tạm thời. Về sau Dương Chấp Nhất bày mưu giết được Hưng Quốc công (tức An Thành hầu thuở trước) Nguyễn Kim, rồi quay về với Mạc Phúc Hải. Cho nên nhìn chung giai đoạn Mạc Phúc Hải làm vua thì phía Nam triều nhà Lê Trung Hưng vẫn chưa gây ra nhiều phiền toái lên phía Bắc triều nhà Mạc.
Việc thi cử: việc học hành thi cử ở thời Hiến tông Mạc Phúc Hải vẫn được tiếp nối và diễn ra đều đặn mỗi 3 năm tổ chức một kỳ, y như hồi thời vua cha là Thái tông Mạc Đăng Doanh trước đó.
- Khóa thi Tân Sửu năm 1541: chọn được 30 người đậu Tiến sĩ, trong đó Nguyễn Kỳ đỗ cao nhất, được phong Trạng Nguyên.
- Khóa thi Giáp Thân năm 1544: Đây là khóa thi lần thứ Năm của vương triều nhà Mạc kể từ lúc được thành lập. Nếu như ở các kỳ thi trước, lượng thí sinh cũng như số lượng Tiến sĩ chọn được không ngừng gia tăng, hoặc giữ mức ổn định quanh con số 30; thì ở kỳ thi lần này triều nhà Mạc chỉ chọn được 17 Tiến sĩ. Điều này phản ánh một thực tế rằng, uy quyền triều Mạc những năm này đã có phần suy giảm, đặc biệt từ sau cái chết của người sáng lập vương triều là Thái tổ Mạc Đăng Dung. Cũng như lòng người Đại Việt bấy giờ đã hướng dần sang phía nhà Lê Trung Hưng ở Thanh Hóa.
Có thể nói Hiến tông Mạc Phúc Hải là vị vua coi trọng nghề văn. Vì trong thời gian tại vị ngắn ngủi, ông vẫn giữ gìn tiếp nối chuyện học hành thi cử để chọn hiền tài giống như triều đại trước. Một mặt, dù bấy giờ nhà Lê Trung hưng đã có những chuyển biến nhưng vẫn chưa thực sự đủ mạnh để đe dọa đến kinh đô Đông Kinh. Cho nên Mạc Hiến Tông vẫn còn thời giờ cho những việc chăm lo phát triển đời sống văn hóa xã hội như là cải cách điền thổ, và đặt biệt là cho phát hành đồng tiền “Quảng Hòa thông bảo”, là đồng tiền lấy tên niên hiệu nhà Mạc thời vua Hiến Tông.
Qua đời: Sau thời gian 6 năm làm vua, đến tháng 5 năm 1546, Mạc Phúc Hải lâm bệnh qua đời, hưởng thọ 30 tuổi.
Triều nhà Mạc thời Hiến tông là một giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thời kỳ: ấy là các thời trước và sau khi Mạc Đăng Dung qua đời. Bởi vì tuy rằng Mạc Thái tổ chỉ ở ngôi vua 3 năm rồi nhường ngôi cho con, cho cháu; nhưng thực tế rằng trong 10 năm sau ấy, cho đến cuối đời thì tầm vóc và sức ảnh hưởng của Thái tổ Mạc Đăng Dung lên vương triều Mạc là rất lớn. Còn ở Thanh Hóa thì thế lực nhà Lê Trung hưng đang ngày một vươn lên. Cho nên sau thời Hiến tông Mạc Phúc Hải thì xung đột giữa hai miền Nam – Bắc triều sẽ không ngừng gia tăng.