Thái tông Mạc Đăng Doanh

Xuất thân: Mạc Đăng Doanh sinh năm 1500 ở thời Lê Sơ; là con trưởng của Thái tổ Mạc Đăng Dung và bà Nguyễn thị – con gái của Thông Quận công Nguyễn Thì Ung. Đến năm 1527, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập nên nhà Mạc thì Mạc Đăng Doanh được chọn làm Thái tử.

   Trước đó, ở thời Lê Chiêu Tông thì Mạc Đăng Doanh được vua Lê phong tước Dục Mỹ hầu.

Lên ngôi: Mùa xuân năm 1530, Thái tử Mạc Đăng Doanh được vua cha nhường ngôi, trở thành vua Mạc Thái tông; còn Mạc Đăng Dung lui về quê nhà Cổ Trai, Hải Dương làm Thái Thượng hoàng, nhưng vẫn giữ quyền quán xuyến các việc hệ trọng.

Vị thế: Vị vua thứ Hai vương triều Mạc.

Tên nước: Bắc triều – Đại Việt.

Kinh đô: Thăng Long.

Thời gian trị vì: 10 năm, từ năm 1530 đến năm 1540.

Niên hiệu: Bắc triều nhà Mạc ở thời Thái tông chỉ dùng một niên hiệu là Đại Chính.

Thái tông Mạc Đăng Doanh
Thái tông Mạc Đăng Doanh.

   Từ khi Thái tổ Mạc Đăng Dung chấm dứt giai đoạn Một nhà nước Hậu Lê (tức Lê Sơ) và sáng lập nên vương triều Mạc năm 1527, cho đến trước năm 1533 ở thời Thái tông Mạc Đăng Doanh thì toàn cõi Đại Việt chỉ tồn tại một thể chế chính trị, ấy chính là vương triều Mạc. Tuy nhiên, sau nhiều năm lẩn tránh và gầy dựng lực lượng; đến đầu năm 1533, một cựu thần thời Lê Sơ là Hữu vệ Điện tiền tướng quân An Thành hầu Nguyễn Kim trở về Thanh Hóa tìm Lê Duy Ninh – là con vua Chiêu Tông thuở trước, rước sang căn cứ của Nguyễn Kim bên Sầm Hạ, nước Ai Lao (thuộc Lào ngày nay), lập làm vua Trang Tông. Nhờ sự giúp đỡ của vua Ai Lao là Xạ Đẩu cho nên thế lực của An Thành hầu Nguyễn Kim ngày càng trở nên lớn mạnh, rồi sau đó đem lực lượng trở về Thanh Hóa – là quê hương đất tổ nhà Hậu Lê, gây dựng sự trung hưng, cho nên sử gọi giai đoạn Hai của nhà Hậu Lê là thời Lê Trung-hưng.

   Như vậy ở Đại Việt bấy giờ tồn tại hai thể chế chính trị: từ Thanh Hóa trở ra thuộc nhà Mạc, do Thái tông Mạc Đăng Doanh cai trị; phần còn lại từ Thanh Hóa trở vào thuộc nhà Lê Trung-hưng, do Trang tông Lê Duy Ninh cai trị. Bởi vì cùng tồn tại hai thế chế, cho nên thời này còn được gọi là thời Nam triều – Bắc triều trong lịch sử Đại Việt.

Chính sách cai trị: Ở đầu thời Mạc Thái tông, một số cựu thần nhà Lê vì bất bình mà nổi dậy khởi binh chống đối; tuy có lúc cũng tạo được tiếng vang nhưng rồi nhanh chóng bị quân triều đình nhà Mạc dập tắt. Sau đó đến lượt nhà Lê trung hưng ở Thanh Hóa, tuy nhiên nhà Lê bấy giờ cũng chưa đủ sức để gây khó khăn cho nhà Mạc. Bởi vậy Thái tông Mạc Đăng Doanh có đủ thời giờ cho việc chăm lo củng cố vương triều nhà Mạc.

Nhận thấy đất nước bây giờ nhiều tệ nạn, bọn du thủ du thực lộng hành trộm cướp; Thái tông Mạc Đăng Doanh ra lệnh cấm, không cho mang các đồ khí giới giáo dài dao nhọn khi ra ngoài đường. Từ đó trộm cướp giảm hẳn; người buôn bán, kẻ đi đường không cần phải mang vũ khí tự vệ, còn các giống gia súc vật nuôi thả rông không ai dám bắt. Trong mấy năm liền đất nước được mùa bội thu, đời sống nhân dân được ấm no yên ổn cho nên của rơi ngoài đường không ai nhặt, tối ngủ chẳng cần đóng cổng; ấy là một thời hưng thịnh trên đất Bắc triều nhà Mạc.

Thi cử: Nếu như Mạc Đăng Dung – người sáng lập vương triều Mạc, ghi dấu ấn trong sử Việt bằng tài năng sức mạnh và võ nghệ; thì Mạc Đăng Doanh tỏ ra là người coi trọng chữ nghĩa. Cho nên ở thời Thái tông Mạc Đăng Doanh, triều đình đều đặn mỗi ba năm mở các khoa thi Hương, thi Hội. Nhờ đó nhà Mạc chọn được nhiều nhân tài xuất sắc, mà tiêu biểu nhất ở thời này có ông Nguyễn Bỉnh Khiêm.

   – Ở khóa thi đầu tiên năm Nhâm Thìn 1532, chọn được 27 Tiến sĩ; ông Nguyễn Thiến người Canh Hoạch, Thanh Oai được chọn đỗ Trạng Nguyên.

  – Khóa thi tiếp theo năm Ất Mùi 1535, đông đảo thí sinh các nơi tề tựu về tham dự. Cho nên khóa này triều đình nhà Mạc chọn được 32 Tiến sĩ. Trong số đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm người Trung Am, phủ Hạ Hồng xuất sắc nhất, được chọn đỗ Trạng Nguyên. Về sau được nhà Mạc phong tước Trình Quốc công cho nên người đời tôn kính gọi Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng hai tiếng “Trạng Trình”.

  – Khóa thi thứ Ba, cũng là khóa thi cuối cùng thời Thái tông vẫn diễn ra đều đặn, định kỳ như trước. Ấy là năm Mậu Tuất 1538; ở kỳ thi này, lượng thí sinh vẫn không ngừng gia tăng, triều đình nhà Mạc chọn được 36 Tiến sĩ; trong đó Giáp Hải người Phượng Nhãn, Lạng Giang đỗ cao nhất, được chọn làm Trạng Nguyên năm đó.

Đối ngoại: Vì nhà Lê Trung hưng sai người sang Trung Quốc dâng biểu kể tội họ Mạc cướp ngôi nhà Lê, cho nên sau đó vua nhà Minh đã phong Hàm Ninh hầu Cừu Loan làm Đô đốc; Thượng thư Bộ binh Mao Bá Ôn làm Tham tán; lệnh hai người này đem binh xuống phía Nam áp sát biên giới Đại Việt tại ải Nam Quan. Một mặt truyền hịch đi các nơi rêu rao kể tội và hứa trọng thưởng cho những ai bắt được cha con họ Mạc.

   Vì áp lực từ phía Bắc nên năm 1538, Thái tông Mạc Đăng Doanh sai Nguyễn Văn Thái cùng phái đoàn mang biểu sang Quảng Tây xin hàng và hứa sẽ thực hiện các yêu sách của nhà Minh. Một mặt đem tiền đút lót hối lộ cho bọn quan lại nhà Minh, nhờ họ tâu giúp Minh Thế tông rằng “Lê Duy Ninh là do Nguyễn Kim dựng lên, không phải dòng dõi nhà Hậu Lê!” Nhờ đó quân nhà Minh tạm thời án binh bất động, còn hai cha con Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh chưa phải lâm nguy, vẫn còn thời gian để lo liệu sự việc.

Qua đời: Sau thời gian 10 năm làm vua, đến năm Canh Tý 1540 tức là năm Đại Chính thứ XI thì Mạc Đăng Doanh qua đời, được đời sau tôn miếu hiệu là Thái tông.

   Tuy thời gian nắm quyền không quá lâu, nhưng Thái tông Mạc Đăng Doanh đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp; chỉ riêng việc “gia súc vật nuôi thả rông không ai bắt, của rơi ngoài đường không ai nhặt. Tối ngủ nhà không cần đóng cổng…” thì ấy là chuyện hiếm gặp ngay cả trong các thời được gọi là thịnh trị của các triều đại phong kiến nước Việt Nam ta.

Nghe Audio trên Youtube: