Trang Tông – Lê Duy Ninh
Xuất thân: Lê Duy Ninh sinh năm 1515, là con của Lê Chiêu Tông – vị vua thứ Chín nhà Hậu Lê. Trước khi được lập làm vua thì Lê Duy Ninh đang lẩn trốn ở Thanh Hóa.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi chấm dứt nhà Hậu Lê (từ đây xin gọi vắn tắt là nhà Lê). Lúc này nhiều cựu thần và con cháu nhà Lê dù chống đối nhưng cũng không làm gì nổi nên bị giết hại rất nhiều, số còn lại phải trốn chạy tản mát khắp nơi. Bảy năm sau, tức năm 1533 cựu thần nhà Lê là An Thành hầu Nguyễn Kim về Thanh Hóa tìm đón, đưa Lê Duy Ninh sang đất Ai Lao (thuộc Lào ngày nay) lập làm vua, tức Lê Trang Tông.
Vị thế: Vị vua đầu tiên nhà Lê Trung Hưng.
Đóng đô: Lên ngôi ở căn cứ Nguyễn Kim bên đất Lào, về sau dời về Thanh Hóa.
Tên nước: Đại Việt. Tuy nhiên ở Đại Việt lúc này tồn tại hai thể chế, cho nên từ Thanh Hóa trở ra do nhà Mạc nắm giữ gọi là Bắc Triều, phần còn lại từ Thanh Hóa trở vào do nhà Lê nắm giữ gọi là Nam Triều.
Niên hiệu: Nguyên Hòa.
Thời gian trị vì: 15 năm, từ 1533 đến 1548.
Nương nhờ Ai Lao: vua Trang Tông và Hưng Quốc công Nguyễn Kim liên kết với Sạ Đẩu là vua Ai Lao để mượn địa bàn cũng như lương thực, vũ khí… nhằm phát triển lực lượng. Trước khi lập vua Trang Tông, Nguyễn Kim ở Ai Lao đã tập hợp được hơn ngàn người, 30 con voi cùng hơn 300 ngựa.
Tố cáo nhà Mạc: Sau khi lên ngôi, Lê Trang Tông sai Trịnh Duy Liêu theo đường biển sang nhà Minh tố cáo chuyện Mạc Đăng Dung cướp ngôi, nhờ nhà Minh giúp đỡ; cho nên sau đó vua Minh đã sai Cừu Loan và Mao Bá Ôn đưa quân xuống phía Nam, áp sát biên giới Đại Việt để gây sức ép với nhà Mạc, đòi nhà Mạc đầu hàng.
Giành lại Tây đô: Từ khi mở nghiệp trung hưng nhà Lê, Nguyễn Kim đã kéo quân từ Ai Lao về đánh quân Mạc, giành lại một số vùng đất đai thuộc Nghệ An, Thanh Hóa. Từ đó hiền tài tướng sĩ theo về nhà Lê mỗi ngày một đông. Đến năm 1543, tướng nhà Mạc là Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất liệu sức không chống nổi nên phải mở cửa thành đầu hàng nhà Lê. Nhà Mạc tuy để mất Tây đô nhưng vẫn chiếm giữ Đông đô (Thăng Long) và một vùng Bắc bộ rộng lớn nên hình thái Nam triều – Bắc triều được hình thành là từ giai đoạn này.
Qua đời: Năm 1548, Trang tông Lê Duy Ninh mất khi mới 34 tuổi. Thái sư Lượng Quốc công Trịnh Kiểm lập con ông là Thái tử Lê Duy Huyên lên nối ngôi, tức là Lê Trung Tông; di hài của ông được táng tại Cảnh lăng phía nam Lam Sơn.
Trong dân gian Việt Nam xưa nay lưu truyền câu thành ngữ nổi tiếng “Nợ như chúa Chổm” để nói về những người mắc nợ quá nhiều. Và chúa Chổm được gán ghép với cuộc đời Trang tông Lê Duy Ninh. Vì là chuyện dân gian nên nội dung vừa dựa vào bối cảnh lịch sử và vừa không quên… hư cấu. Do đó khi nghĩ về Lê Trang Tông thì nên nhớ ông là vị vua thứ 12 của nhà nước Hậu Lê và là vị vua đầu tiên của nhà Lê Trung Hưng (còn gọi là Nam triều) do cựu thần nhà Hậu Lê là An Thành hầu Hưng Quốc công Nguyễn Kim dày công dựng nên.
Nghe Audio trên Youtube: