Trung Tông – Lê Duy Huyên

Xuất thân: Lê Duy Huyên sinh năm 1534, là con trưởng của Lê Trang Tông – vị vua đầu tiên nhà Lê Trung Hưng.

   Năm 1548, Thái tử Duy Huyên được lập làm vua, tức Lê Trung Tông. Nhưng bấy giờ nhà Lê Trung Hưng vừa mới gượng dậy chưa được bao lâu, vua Trung Tông thì non trẻ mà thế nhà Mạc lại quá lớn cho nên mọi việc đều do Thái sư Lượng Quốc công Trịnh Kiểm quán xuyến.

Vị thế: Vị vua thứ Hai nhà Lê Trung Hưng.
Đóng đô: Thanh Hóa.
Tên nước: Nam triều – Đại Việt.
Niên hiệu: Thuận Bình.
Thời gian trị vì: 8 năm, từ 1548 đến 1556.

Mở Chế khoa: Nhà Lê trung hưng lên được là nhờ những bậc cựu thần vì còn thương nhớ nhà Lê, nhớ công lao to lớn của Thái tổ Lê Lợi năm xưa… nên hết lòng giúp sức. Nhận thấy “Bấy giờ, những dũng tướng nanh vuốt xông pha ở nơi tên đạn thì nhiều mà mưu thần tâm phúc giúp vận trù ở nơi màn trướng thì ít” cho nên năm 1554 vua Lê Trung Tông cho mở Chế khoa đầu tiên thời Lê Trung Hưng. Năm ấy chọn được 13 tiến sĩ, đỗ đầu là Đinh Bạt Tụy.

   Ở thời này có ông Phùng Khắc Khoan quê ở Phùng Xá thuộc Hà Nội ngày nay. Ông Phùng Khắc Khoan vừa là em cùng mẹ, vừa là học trò của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; được Trạng Trình gợi ý, ông Khắc Khoan đã không dự thi ở Bắc triều mà lặn lội vào Nam triều – Thanh Hóa theo nhà Lê Trung Hưng. Về sau, ông Phùng Khắc Khoan đỗ đạt, được thăng đến chức Thượng thư Bộ Hộ, tước Mai Quận công. Tuy mới đỗ Hoàng giáp (tạm hiểu như “Tiến sĩ hạng B”), nhưng vì Phùng Khắc Khoan có tài năng trên nhiều lĩnh vực nên được người đời kính nể như bậc Trạng Nguyên (Tiến sĩ đỗ đầu trong các Tiến sĩ) và tôn xưng là Trạng Bùng, vì quê ông ở làng Bùng.

Ngoài ra còn có nhiều người tiếng tăm khác hoặc đang ẩn cư hoặc đang làm quan cho nhà Mạc, nghe tiếng nhà Lê Trung hưng đang lên nên lần lượt tìm vào Thanh Hóa phò trợ như là Lê Bá Ly, Nguyễn Thiến, Nguyễn Khải Khang, Đặng Huấn, Nguyễn Hữu Liêu, Lương Hữu Khánh… Nhờ đó thanh thế nhà Lê Trung Hưng ngày một lớn mạnh đủ sức đối phó Bắc triều nhà Mạc.

Trung Tông - Lê Duy Huyên. 
Trung Tông – Lê Duy Huyên.

Cuối đời: Sau thời gian làm vua hơn 7 năm, đến năm 1556 thì Trung tông Lê Duy Huyên qua đời khi mới vừa 23 tuổi và chưa kịp có con trai nối ngôi. Như vậy nhà Lê Trung Hưng được gầy dựng từ năm 1533 đến lúc này mới già 20 năm trải hai đời vua thì lâm vào tình thế ngặt nghèo. 

Bấy giờ Thái sư Lượng Quốc công Trịnh Kiểm muốn tiếm ngôi nhà Lê lắm nên mới sai ông Phùng Khắc Khoan đem lễ vật ra Bắc tìm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm dò xin ý kiến. Trạng Trình không trả lời mà nói thác với bọn người nhà rằng “Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng bay nên tìm giống cũ mà gieo”; lại bảo thêm “Giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản” rồi không nói gì thêm. Phùng Khắc Khoan về thuật lại chuyện, Trịnh Kiểm cảm thấy lòng người không thuận nên từ đó không còn nghĩ tới chuyện thoán đoạt nữa. Nhờ đó nhà Lê Trung Hưng được giữ gìn và tiếp nối bằng việc tìm lập Lê Duy Bang – một người cháu năm đời của Thái tổ Lê Lợi, lên làm vua, tức Lê Anh Tông.

Nghe Audio trên Youtube: