Anh Tông – Lê Duy Bang

Xuất thân: Anh Tông tên thật là Lê Duy Bang, sinh vào năm 1532 và lớn lên trong thời buổi nhà Hậu Lê vừa gây sự trung hưng; đất nước rơi vào cảnh chia rẽ khi tồn tại hai thể chế trên cùng một quốc gia Đại Việt, thời ấy gọi là thời kỳ Nam triều – Bắc triều.

   Dưới sự phò tá đắc lực của Hưng Quốc công Nguyễn Kim rồi đến Thái sư Lượng Quốc công Trịnh Kiểm, nhà Lê trung hưng được hơn 20 năm trải qua hai đời vua là Trang Tông và Trung Tông. Nếu xét rộng ra thì nhà Hậu Lê đến đây đã trải hơn trăm năm, truyền ngôi được 12 đời đều là con cháu dòng đích của người sáng lập triều đại là Thái tổ Lê Lợi. Nhưng đến khi Lê Trung Tông mất năm 1556 thì vua mới 23 tuổi và chưa có con. Thời bấy giờ đất nước loạn lạc, Lê – Mạc đánh nhau liên miên; tìm không ra con cháu dòng đích nên Thái sư Trịnh Kiểm mới lập Lê Duy Bang là cháu 5 đời của Lê Trừ – anh Lê Lợi, lên ngôi vua, tức là Lê Anh Tông – người có mẹ ở hương Bố Vệ huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.

Vị thế: Là vị vua thứ Ba nhà Lê Trung Hưng.

Tên nước: Nam triều thuộc Đại Việt; đóng đô ở Thanh Hóa.

Thời gian trị vì: 17 năm, từ năm 1556 đến 1573.

Niên hiệu: Quãng thời gian Lê Duy Bang làm vua, ở Nam Triều có nhiều biến động cho nên thời này có 3 niên hiệu:
Thiên Hựu (1557)
Chính Trị (1558 – 1571)
Hồng Phúc (1572 – 1573)

Anh Tông - Lê Duy Bang.
Anh Tông – Lê Duy Bang.

Sự kiện năm 1558: Lúc vua Trung tông Lê Duy Huyên mất năm 1556 thì uy quyền Trịnh Kiểm lớn lắm. Bấy giờ nếu như Trịnh Kiểm muốn chiếm ngôi nhà Lê Trung Hưng thì cũng chẳng khó khăn gì; nhưng vì biết “lòng người không thuận” cho nên Trịnh Kiểm mới tìm Lê Duy Bang lập làm vua Anh Tông. Dưới cái bóng quyền lực ngày càng lớn của Trịnh Kiểm, một người con của Hưng Quốc công Nguyễn Kim năm xưa là Nguyễn Hoàng cảm thấy ngột ngạt “khó sống” cho nên mới nhờ chị gái là bà Ngọc Bảo – vợ Trịnh Kiểm, nói giúp để được vào trấn thủ Thuận Hóa – vùng đất mà Trịnh Kiểm vừa giành lại được từ tay nhà Mạc. Vì Thuận Hóa là vùng đất nhà Lê Trung Hưng mới giành lại được cho nên còn nhiều bất an, cần người có tầm vóc; mà bấy giờ ngoại trừ Đoan Quận công Nguyễn Hoàng ra thì còn ai sánh bằng. Cho nên năm 1558, vua Lê Anh Tông cho phép Nguyễn Hoàng đem gia quyến cùng tùy tùng vào Thuận Hóa, mở ra một chương đặc sắc trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Tình hình chiến sự Lê – Mạc: Khác với hai vua Trung TôngTrang Tông thời trước, Lê Anh Tông lên làm vua khi đã 25 tuổi và Nam triều bấy giờ cũng đã mạnh hơn khi có nhiều nhân tài cả văn lẫn võ quy về giúp sức; cho nên vua Lê Anh Tông nhiều lần cầm binh giao chiến quân Mạc. Tuy nhiên quân đội nhà Mạc bấy giờ nằm trong tay Nhiếp chính Mạc Kính Điển cũng chẳng phải là người tầm thường. Do đó trong thời gian Anh Tông làm vua thì quân Nam triều đã nhiều lần tiến đánh quân Mạc trên đất Bắc triều; và ngược lại Mạc Kính Điển cũng đem quân vào tận Thanh Hóa là kinh đô của Nam triều đánh phá.

Thái sư Trịnh Kiểm qua đời: Nhà Lê trung hưng lên được thì công đầu là ở Hưng Quốc công Nguyễn Kim; nhưng dần lớn mạnh để trở thành một đối trọng với nhà Mạc thì công lao thuộc về Trịnh Kiểm. Đến năm 1570, Trịnh Kiểm đau yếu rồi qua đời. Nhưng điều đáng nói là từ sau cái chết của Thái sư Lượng Quốc công Trịnh Kiểm không lâu thì nhà Lê Trung Hưng rơi vào tình cảnh chao đảo do nội sự tự bên trong. Bấy giờ Tuấn Đức hầu Trịnh Cối – con trưởng Trịnh Kiểm, là người thừa kế hợp pháp quyền hành của cha; tuy nhiên do Trịnh Cối sống buông thả nên chẳng bao lâu thì bị Trịnh Tùng – một người em khác mẹ với Trịnh Cối, họp mưu cùng thân tín, bắt ép vua Lê Anh Tông cùng chống lại Trịnh Cối, khiến Trịnh Cối sau đó phải chịu đầu hàng và đưa gia đình sang sống lưu vong bên Bắc triều nhà Mạc đến cuối đời; còn bao nhiêu binh quyền nhà Lê Trung hưng rơi vào tay Trịnh Tùng.

Bị bức hại: Sau khi lật đổ Trịnh Cối rồi thì Trịnh Tùng được vua Anh Tông không ngừng gia tăng chức tước. Năm 1571, Trịnh Tùng được phong Thái úy Trưởng Quốc công, quyền hành bao trùm cả Nam triều; từ ấy Trịnh Tùng cũng trở nên kiêu căng chẳng kém chi Trịnh Cối!   

Thời bấy giờ ở Nam triều có ông Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, trước vì thấy Trịnh Cối bê bối mà bí mật hỗ trợ đắc lực cho Trịnh Tùng; nay thấy Trịnh Tùng tác oai tác quái lại ngứa mắt nên tính chuyện trừ khử Trịnh Tùng giúp vua. Nào ngờ sự việc chóng bại lộ, Lê Cập Đệ bị giết; còn Lê Anh Tông đang đêm phải đem bốn hoàng tử chạy vào Nghệ An lánh nạn.

Tại Thanh Hóa, Trịnh Tùng tự ý lập Lê Duy Đàm – một hoàng tử bé mới 7 tuổi của Lê Anh Tông, lên làm vua; một mặt sai Nguyễn Hữu Liêu đem quân vào Nghệ An đón ép Anh Tông về lại Thanh Hóa và bị giết ở Lôi Dương không lâu sau đó.

   Như vậy Anh tông Lê Duy Bang làm vua 17 năm, là vị vua đầu tiên bị giết thời Lê Trung Hưng; xét rộng ra thì Lê Anh Tông là vị vua thứ 13 nhà Hậu Lê, và là vị vua đầu tiên không thuộc dòng đích của Thái tổ Lê Lợi – người sáng lập nhà nước Hậu Lê.

Nghe Audio trên Youtube: