Thái sư Lượng Quốc công Trịnh Kiểm
Xuất thân: Trịnh Kiểm sinh năm 1503 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, trấn Thanh Hóa (thuộc tỉnh Thanh Hóa ngày nay). Đến tuổi trưởng thành, Trịnh Kiểm tỏ ra là người có sức khỏe và tài năng; gặp lúc Hưng Quốc công Nguyễn Kim mở nghiệp trung hưng nhà Lê ở Thanh Hóa nên được Hưng Quốc công yêu mến phong làm Đại tướng quân, sau đem con gái là Ngọc Bảo gả cho Trịnh Kiểm.
Đoạt binh quyền: Năm 1545, Hưng Quốc công Nguyễn Kim đột ngột qua đời vì bị Dương Chấp Nhất – một tướng nhà Mạc dùng mưu trá hàng rồi ám hại bằng thuốc độc. Trịnh Kiểm lợi dụng tình hình ấy, bèn ngầm giết Nguyễn Uông – con trai cả của Nguyễn Kim; còn người con thứ là Nguyễn Hoàng thì còn trẻ tuổi nên từ sau cái chết của hai người ấy, bao nhiêu binh quyền của Hưng Quốc công đều rơi vào tay Trịnh Kiểm nắm giữ.
Thời Lê Trang Tông: Trang Tông là vị vua đầu tiên thời Lê Trung Hưng, do Hưng Quốc công Nguyễn Kim lập nên. Khi Nguyễn Kim qua đời thì toàn bộ binh quyền về tay Trịnh Kiểm. Cuối năm 1545, Trịnh Kiểm đánh tan quân Mạc ở Thanh Hóa khiến tướng Mạc Phúc Tư phải bỏ chạy về Bắc. Nhờ đó vua Lê phong Trịnh Kiểm làm Đô tướng tiết chế kiêm Bình chương quân quốc trọng sự, Thái sư Lượng Quốc công.
Qua năm sau, tức năm 1546 Trịnh Kiểm giúp vua Lê về hành điện ở sách Vạn Lại (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Từ đó hào kiệt các nơi nghe tiếng nhà Lê trung hưng nên lần lượt kéo nhau về giúp sức mỗi ngày một đông. Và nước Đại Việt thời ấy được tạm chia làm hai vùng, từ Thanh Hóa trở ra do nhà Mạc nắm giữ gọi là Bắc Triều; còn từ Thanh Hóa trở vào thuộc về nhà Lê Trung Hưng, gọi là Nam Triều.
Thời Lê Trung Tông: Năm 1548, vua Lê Trang Tông mất, Trịnh Kiểm lập con trưởng của Trang Tông là Lê Duy Huyên lên làm vua, tức Lê Trung Tông. Do vua cha mất sớm, vua Trung Tông lên nối ngôi khi mới 15 tuổi nên mọi việc đều trông cậy vào Lượng Quốc công Trịnh Kiểm.
Năm 1556, sau thời gian 7 năm làm vua, Trung Tông qua đời khi mới 23 tuổi mà chưa có con nối ngôi. Bấy giờ Trịnh Kiểm có ý tiếm quyền nên sai Phùng Khắc Khoan ra Hải Dương tìm gặp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để xin ý kiến. Trạng Trình không trả lời mà quay sang bảo đầy tớ rằng: “Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt. Chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo”. Phùng Khắc Khoan về thuật lại, Trịnh Kiểm e sợ lòng người không thuận nên không nghĩ tới chuyện chiếm đoạt, tự lập nữa; bèn cho người đi tìm cháu sáu đời của Thái tổ Lê Lợi là Lê Duy Bang về tôn lên ngôi vua, tức Lê Anh Tông.
Thời Lê Anh Tông: Cũng giống như đời trước, Anh Tông được tôn làm vua chỉ để yên lòng dân chúng, còn mọi việc đều do Trịnh Kiểm bao quát. Lúc này thế lực nhà Mạc vẫn còn rất lớn nên Trịnh Kiểm một mặt điều binh khiển tướng, một mặt tự dẫn quân đi đánh Mạc. Cũng trong thời gian này, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng – con thứ Nguyễn Kim tâu xin vào trấn giữ vùng đất Thuận Hóa xa xôi do Trịnh Kiểm mới giành lại được từ tay quân Mạc. Thái sư Trịnh Kiểm vì muốn yên mặt trận phía Nam để dồn sức tiêu diệt nhà Mạc ở phía Bắc nên năm 1558 đồng ý cho Nguyễn Hoàng đem gia quyến cùng tùy tùng vượt biển xuôi về phương Nam đóng đồn dựng dinh Ái Tử thuộc tỉnh Quảng Trị ngày nay.
Quan hệ Trịnh – Nguyễn: Sau hơn 10 năm vào trấn giữ và khai phá vùng đất Thuận Hóa, năm 1569 Đoan Quận công Nguyễn Hoàng ra Thanh Hóa lạy chầu Lê Anh Tông và bái kiến Trịnh Kiểm. Sau khi dâng nạp lễ vật cùng sổ sách báo công, vua Lê Anh Tông vui mừng giao luôn vùng đất Quảng Nam cho Nguyễn Hoàng trấn giữ. Lúc này quan hệ giữa hai họ Trịnh – Nguyễn tuy mỗi bên đều có những toan tính riêng nhưng bên ngoài vẫn giữ vẻ thiện chí, bằng lòng với nhau.
Qua đời: Năm 1569 dưới thời Lê Anh Tông, lúc này Thái sư Trịnh Kiểm tuổi cao sức yếu, được vua thăng tước Thượng phụ Thượng tướng Thái Quốc công. Qua năm sau thì Trịnh Kiểm bệnh chết, thọ 68 tuổi.
Vị thế: Từ khi Trịnh Kiểm đoạt lấy binh quyền năm 1545 đến lúc qua đời năm 1570 vừa vặn 25 năm trải qua 3 đời vua Lê. Có thể nói trong giai đoạn này, nhà Lê trung hưng lên được là cũng nhờ bàn tay Trịnh Kiểm.
Lúc đương thời, Thái sư Trịnh Kiểm dù muốn nhưng vẫn chưa từng xưng vương, chiến tranh Trịnh – Nguyễn cũng chưa nổ ra. Vậy nên Trịnh Kiểm không phải là vị chúa Trịnh đầu tiên, mà vì sự ảnh hưởng to lớn nên người đời sau quen gọi ông là “Chúa” và các con cháu đời sau truy tôn thụy hiệu Thế – tổ Minh – khang Thái – vương.
Nghe Audio trên Youtube: